Ồn ào gia đình trên mạng, ai đau?

24/07/2025 - 19:00

PNO - Trong thế giới kỹ thuật số hiện đại, mạng xã hội trở thành 1 phần không thể thiếu, là nơi để kết nối, chứ nào phải là công cụ cho những cuộc "thanh trừng" cá nhân…

Gần đây, mạng xã hội được phen "dậy sóng" trước ồn ào xoay quanh 1 nam ca sĩ. Gia đình anh đã tổ chức phát trực tiếp (livestream) họp báo, chính thức lên tiếng phản bác những cáo buộc của người yêu cũ và nhờ pháp luật can thiệp để giải quyết "tranh chấp về xác định cha con". Phía gia đình ca sĩ bám vào lý lẽ: họ không thể tiếp tục im lặng trước những lời buộc tội từ người yêu cũ và áp lực từ cộng đồng mạng, cũng như việc gia đình người yêu cũ cản trở họ gặp con. Đặc biệt, gia đình nam ca sĩ nhấn mạnh họ lên tiếng vì không muốn con gái phải chịu tổn thương.

Thế nhưng, liệu trái tim non nớt của 1 đứa trẻ có thực sự tìm thấy bình yên khi cha mẹ giằng co đấu đá nhau trên không gian mạng? Liệu có tình yêu thương, sự che chở hay không, khi những tranh cãi còn vương trên từng dòng trạng thái?

Con trẻ là nạn nhân của những ồn ào gia đình - Ảnh minh họa: Pexels
Con trẻ là nạn nhân của những ồn ào gia đình - Ảnh minh họa: Pexels

Tôi chợt nhớ mình từng chứng kiến 1 câu chuyện tương tự như thế ngoài đời. Khi 1 đồng nghiệp của tôi phát hiện chồng “mèo mỡ” với người yêu cũ và trong tay cô ấy đã nắm được vài bằng chứng.

Cô tung hàng loạt cuộc trò chuyện “tình bể bình”, những hình ảnh khiếm nhã của cặp đôi cùng những lời buộc tội lên mạng xã hội.

Ban đầu, gia đình, bạn bè đều bênh vực, thương cảm người vợ, nhưng đến khi hành động trở nên quá trớn - cô ấy suốt ngày hạ nhục, công kích chồng và tiểu tam, thậm chí buông lời trách cứ, xỉ vả người thân, bạn bè của chồng trên trang cá nhân - mọi người bắt đầu ngán ngẩm và “quay xe”.

Tội nghiệp nhất là cô con gái. Bé suy sụp tinh thần, mắc cỡ với bạn bè nên suốt ngày nhốt mình trong phòng, không dám đến lớp hay giao tiếp với ai.

Nhìn rộng ra, những vụ ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, hay mâu thuẫn gia đình được phơi bày công khai trên mạng xã hội là cảnh tượng không còn xa lạ. Cha mẹ, trong cơn nóng giận và mong muốn giành phần thắng đã sẵn sàng vạch áo cho người xem lưng, bóc phốt, chửi bới đối phương, tệ hơn là đưa cả hình ảnh, thông tin cá nhân của con vào cuộc chiến.

Khi ấy, lý trí họ đã hoàn toàn bị che lấp mà quên mất rằng, mỗi lời lẽ cay nghiệt, mỗi hình ảnh bị lan truyền không chỉ là mũi tên nhắm vào đối phương mà còn là những vết cứa âm ỉ vào tâm hồn non nớt của con trẻ.

Con của họ vô tình bị kéo vào cuộc chiến của những anh hùng bàn phím. Bạn bè, thầy cô và cả người lạ chưa từng quen có thể tiếp cận những thông tin tiêu cực về gia đình đứa trẻ chỉ với vài động tác chạm, lướt.

Điều này gây ra sự xấu hổ tột độ, khiến trẻ cảm thấy mặc cảm, tự ti và có xu hướng thu mình lại.

Trong thế giới kỹ thuật số hiện đại, mạng xã hội trở thành 1 phần không thể thiếu, là nơi để kết nối, chứ nào phải là công cụ cho những cuộc "thanh trừng" cá nhân. Gia đình, vốn là điểm tựa, là nơi an toàn nhất của mỗi đứa trẻ, nhưng khi những trụ cột của điểm tựa ấy quay ra công kích nhau công khai, niềm tin của trẻ vào gia đình sẽ ra sao?

Con trẻ mấy khi hiểu được những phức tạp trong mối quan hệ của người lớn. Cái chúng biết là những người mà chúng yêu thương và tin tưởng nhất đang làm tổn thương nhau. Chúng sẽ bất an, lo sợ và mất đi cảm giác an toàn.

Nỗi sợ hãi về việc gia đình tan vỡ, hoặc bị người khác đánh giá, phán xét sẽ ám ảnh tâm trí trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ trong suốt thời gian dài.

Thực tế, con cái luôn là kết tinh đẹp đẽ nhất của tình yêu đôi lứa, là những tâm hồn trong sáng cần được che chở và vỗ về bằng tất cả yêu thương. Mọi hành động, mọi lời nói, mọi sự cay nghiệt, hạ bệ nhau của chúng ta trên mạng xã hội đều ảnh hưởng ít nhiều đến con trẻ. Hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi nhấn nút "đăng".

Nhã Chân - Diễm Kiều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI