Câu chuyện tình yêu: Cuộc yêu xa mãnh liệt

22/08/2023 - 05:50

PNO - Những lá thư ba viết cho mẹ, mang sự mặn mà của gió biển, trong xanh của mây trời và nỗi thao thức của sao khuya… Cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn.

Mẹ tôi như cây bàng mùa đông ngoài ngõ vắng, chồng chất nắng mưa, khẳng khiu dần thưa lá, oằn mình chịu lạnh với gió đông. Trời cho mẹ hạnh phúc nào, sao mãi chẳng tròn, cả đời mẹ đợi chờ cha, rồi bây giờ đợi chờ con.

Ông bà ngoại tôi có 7 người con, mẹ là con út. Nhà ngoại làm nông ở xã Xuân Trạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp lớp Mười hai, mẹ đi làm ở Công ty Xăng dầu khu vực 1. Tại đây mẹ đã quen ba tôi, qua ông nội giới thiệu. Tình yêu của ba mẹ nảy nở, lớn dần theo những cánh thư gửi nhớ trọn thương.

Ba tôi là con cả trong một gia đình có 5 anh em. Ba sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Ông nội làm việc tại Công ty Xăng dầu Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, bà nội làm nông. Năm 1964, ba ở chiến trường B được 2 năm, sau đó đóng quân ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió.

Ba mẹ của tác giả đã nhờ cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn
Ba mẹ của tác giả đã nhờ cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn

Những lá thư ba viết cho mẹ, mang sự mặn mà của gió biển, trong xanh của mây trời và nỗi thao thức của sao khuya… Cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn.

Nơi Trường Sa, ngẩng lên là trời, nhìn xuống là nước, bước xuống cũng là nước, giữa đại dương mênh mông… Nơi biển ôm đảo vào lòng để Tổ quốc dựa lưng, để nảy mầm tình yêu quê hương trên cát mặn.

Đám cưới của ba mẹ vào năm 1967. Sau này khi được mẹ cho đọc những bức thư ba mẹ viết cho nhau, tôi dù là con vẫn có chút “ghen tị” vì quá đẹp và lãng mạn: “Chiều chiều, khi hoàng hôn buông dần trên đảo cũng là lúc hải âu bay về tổ, lòng anh có nghĩ và nhớ tới em không?”. 

Phía sau tấm ảnh ba mẹ chụp chung, mẹ còn viết “giữ trọn lời thề thủy chung”. Ở một đầu nỗi nhớ là Hà Nội, mẹ đã viết bao nhiêu lá thư ép niềm thương, nỗi nhớ của mình; gửi cả mùa, cả hương theo từng ngày, từng tháng vào trong trang viết. Mùa hoa lan nở, mùa hoa sữa nồng, mùa hoa sấu rụng, mùa cốm xanh về.

Mỗi ngày mẹ thầm tự nhủ, liệu có nỗi nhớ nào cũng có thể đếm, có thể đong khi trời đông trầm mặc. Sợi tình cứ mong manh chẳng khác gì rèm treo trước gió, chờ đợi ánh trăng ngà, vò võ đợi cả sương đêm…

Con ngõ nhỏ, nơi mùa thu Hà Nội đẹp đến say mê, mẹ vẫn khắc khoải chờ mong ba về. Liễu bên Hồ Gươm xõa tóc, như từng sợi thanh xuân của mẹ cũng đang dần trôi qua. Thạch thảo, cúc vàng… biết bao nhiêu mùa hoa cứ thế trôi đi, tóc mẹ lại nhuốm thêm nhiều sợi bạc, da ba sạm đen vì sương gió, vì nắng biển. Bấy nhiêu năm biền biệt ngoài đảo xa, những lần về phép chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Sân ga Hàng Cỏ đã chứng kiến không biết bao lần mẹ tôi vui sướng đón ba trở về và rưng rưng tiễn ba đi.

Năm 1990, ba được trở về hẳn. Nhưng 6 năm sau, ba mang trọng bệnh. Di chứng của chiến tranh, của sức khỏe, tuổi già. Thời gian sống chỉ còn đếm được từng ngày.

Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội là nơi 2 người yêu nhau, tiếp tục viết cho nhau qua những trang giấy, khi ba không thể nghe, nói được nữa. Trở về đấy, nằm đấy, vẫn gửi tình yêu qua những trang viết, bằng những dòng chữ run run, xiêu vẹo, xót xa.

Nhìn những điều ba mẹ trao cho nhau ở giây phút cuối cùng, khiến tôi phải quay mặt đi, nước mắt đổ ngược vào lòng. Bao nhiêu năm đợi chờ của mẹ vẫn lại trong chia xa. Cần bao nhiêu đêm dài mới gọi là thao thức, cần bao nhiêu thổn thức mới gọi là nhớ mong, cần bao nhiêu yêu thương trong lòng mới gọi là tình yêu mãi mãi?

Ba mẹ của tác giả đã nhờ cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn
Ba mẹ của tác giả khi về già

Cuối năm 2000, ba tôi mất. Ba là trung tá, lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân, trưởng đảo Trường Sa, trưởng đảo Sinh Tồn. Chúng tôi, những đứa con, có quyền tự hào về người cha của mình, cả đời hy sinh, cả đời sống liêm khiết. Giờ đây, có điều gì liên quan đến biển đảo, đến Tổ quốc, tôi càng nhớ ba nhiều hơn.

Ba mang trong mình lời thề Tổ quốc, nên mấy mươi năm mẹ vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là bạn của con. Vắng ba, mẹ dạy con cặn kẽ, cả những điều nhỏ nhất. Dạy con từ thức uống cà phê là của người lớn.

Giờ đây, mỗi sáng cầm ly cà phê, luôn có hình ảnh mẹ với lòng biết ơn vô hạn. Hơn 30 năm con xa mẹ, mẹ vẫn âm thầm lo lắng cho con. Để mỗi dịp con về, dù con đã già, mẹ vẫn xem như con còn nhỏ, lo lắng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Nhìn thấy nụ cười của mẹ là lòng con hạnh phúc.

Đón con ở sân ga, bàn tay mẹ run run nắm chặt tay con, như thể để tuột tay, sợ con mình lạc mất. Tôi luôn trân trọng từng phút, từng giây khi được ở bên mẹ. Tôi chỉ muốn mẹ được vui, luôn nở nụ cười. Mẹ đã dành trọn vẹn tình yêu của đời mình cho ba, cho các con, để các con có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Tôi muốn vẽ lên nền trời 3 từ “mẹ yêu dấu” như thể là mẹ sẽ mãi ở bên. Tôi muốn cất lời ca tha thiết về mẹ trong chiều hoàng hôn. Và hoàng hôn trong tôi bật khóc… 

Lê Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI