 |
Bà L.P. và người thân xúc động sau khi tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của ông T.T. - Ảnh: Diệu Hiền |
Sự thật ở ngôn từ hay ẩn dưới đáy lòng con trẻ
Báo Phụ nữ TPHCM đã đề cập trường hợp này trong bài viết “Tìm con mùa tựu trường” đăng ngày 27/9/2024. Theo đó, bà P.T.H.L.P. (sinh năm 1984, doanh nhân, hiện ngụ phường Bình Trưng, TPHCM) và ông N.T.T. (doanh nhân, hiện ở TP Đà Nẵng) thỏa thuận giao 2 con lớn cho cha, 2 con nhỏ cho mẹ. Điều này được ghi nhận trong quyết định thuận tình ly hôn của ông bà tại Tòa án nhân dân (TAND) quận 2 vào năm 2020.
Đầu tháng 6/2024, bà L.P. cho 2 con nhỏ về Đà Nẵng chơi 1 tuần nhưng sau đó ông T.T. không trả con về cho kịp lịch thi Anh văn. Nóng ruột, cuối tháng 6/2024, bà L.P. trực tiếp ra Đà Nẵng đến địa chỉ thường trú lẫn tạm trú của ông T.T. đều không tìm thấy ông và con.
Bà gọi điện cho ông T.T., nhân viên của ông nghe máy, cho biết ông đã đi công tác. Lúc này, bà nhận tin nhắn từ ông T.T. với nội dung “Cứ ra tòa giải quyết… đến tòa gặp”.
Ông T.T. - nguyên đơn - yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đối với 2 con (H.Y. và T.A.) với lý do “Tôi không giành con, chỉ do con có nguyện vọng ở với cha. Quyền của trẻ em là quan trọng. Đề nghị các cơ quan giải quyết để các cháu an tâm học tập”.
Dù ngoài thực tế, trên văn bản hay trong đoạn ghi âm được 2 cháu lớn bật vang ở chốn pháp đình, cả 4 con đều nói “muốn ở với cha”, chi tiết này không đổi từ khi cả 4 con về sống ở Đà Nẵng. Điều đó khiến bà L.P. xót xa nhưng không muốn bỏ cuộc, không muốn buông tay con.
Bà bày tỏ: “Sao ông T.T. không thỏa thuận lại với tôi? Sao không nộp đơn ngay khi con còn ở với mẹ? Sao các cấp các ngành lại lấy ý kiến của con khi con đã bị cha chiếm giữ thời gian dài?”.
 |
Bà ngoại tuổi cao sức yếu, mới phẫu thuật chân vẫn đến phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cuối tháng 2/2025 để được gặp các cháu - Ảnh: C.P. |
Theo bà L.P., các con vốn rất yêu thương và gần gũi mẹ vì mẹ là người trực tiếp chăm sóc các con suốt thời thơ ấu. H.Y., T.A. dù còn nhỏ đã rất quan tâm mẹ, con còn biết che mưa để mẹ khỏi ướt, khỏi bệnh nên bà sốc khi các con thay đổi mong muốn chỉ sau 1 tháng về ở với cha. Giờ phút hiếm hoi được gặp con, bà níu con lại để ôm, con chỉ nhìn vào khoảng không, ánh mắt sợ sệt. Bà không biết tại sao con lại như vậy.
Bà L.P. đã nộp cho tòa bức ảnh thăm con trong sự kiểm soát của ông T.T. (ông đặt tay lên vai con suốt 5 phút ngắn ngủi con được gặp mẹ). Bà gọi điện cho con, con cũng chỉ nói chuyện ngập ngừng, một vài phút thì tắt máy do có người kiểm soát. Dù trong lòng rất nhớ, bà không thể ra Đà Nẵng thăm con vì không muốn gây thêm áp lực cho con. Khi hội đồng xét xử hỏi “bà có nhờ các cơ quan hỗ trợ không?”, bà đáp đã gõ cửa nhiều nơi, chờ đợi mòn mỏi nhưng hơn năm nay vẫn chưa đưa được con về lại TPHCM để đi học.
Ngày 9/12/2024, trường nơi H.Y., T.A. học tạm ở Đà Nẵng đã gửi cho bà L.P. thông báo về việc ngừng tiếp nhận 2 học sinh này từ ngày 11/12/2024 dựa trên các công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.
Cũng cuối năm 2024, bà nhận được biên bản cuộc họp giải quyết thi hành án của đại diện Chi cục Thi hành án dân sự - Viện Kiểm sát nhân dân quận Cẩm Lệ và chính quyền phường Hòa Xuân, trong đó có nội dung: “... cơ quan thi hành án và các ban ngành, đoàn thể thống nhất chưa giao con và chờ bản án của TAND TP Thủ Đức”. Phóng viên
Báo Phụ nữ TPHCM đã liên hệ phỏng vấn đại diện Chi cục Thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng... vào cuối tháng 2/2025 nhưng đến nay không nhận được phản hồi.
Tòa bác yêu cầu khởi kiện của người cha
Theo ông T.T. trình bày trong đơn khởi kiện và tại tòa, khi đưa con về Đà Nẵng, ông nghe bé H.Y. kể nhiều lần bị chú B. - bạn trai mẹ - sờ mông, điều này ảnh hưởng tâm lý khiến ông phải đưa bé đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Luật sư bảo vệ cho bà L.P. nêu thắc mắc: “Đã 1 năm trôi qua, vì sao ông không tố cáo hành vi của ông B.? Bà L.P. sẵn sàng hợp tác để đưa vụ việc ra ánh sáng. Ông T.T. chưa từng biết ông B., không có căn cứ để khẳng định ông B. là bạn trai của bà L.P.”.
Cũng tại tòa, phía bà L.P. cho rằng bệnh lý của bé H.Y. (nếu có, như ông T.T. nêu) là hậu quả không tránh khỏi từ hàng loạt hành vi tạo áp lực tâm lý cho trẻ trong suốt thời gian dài ở Đà Nẵng. Ông T.T. đã đưa con di chuyển nhiều nơi, không cư trú cố định một chỗ, cắt đứt liên lạc hoàn toàn với mẹ. Trong khoảng thời gian từ 4/7 - 10/7/2024, đã có 2 sự kiện thực hiện trên cùng một đối tượng - bé H.Y. - là lập vi bằng ghi nhận lời H.Y. nói với hàng loạt câu hỏi có chủ ý từ người giúp việc của ông T.T. và việc ông T.T. đưa bé H.Y. vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Điều đáng chú ý là ông T.T. nộp đơn khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ cách các sự kiện này vài ngày.
Bà L.P. cũng thông tin ông T.T. từng đánh con, có lối sống không lành mạnh. Việc ông T.T. có thêm nhiều con với nhiều phụ nữ khác cùng thời điểm năm 2025 sẽ phân tán thời gian, tài chính và sự quan tâm chăm sóc các con chung của ông bà.
Về điều này, luật sư bảo vệ ông T.T. phản biện, nếu ông T.T. xấu xa thì không thể nào nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi. Luật sư của ông T.T. mong người mẹ “hy sinh thêm chút nữa”, để yên cho các con ở với cha.
Phiên tòa lặng đi vài giây khi luật sư bảo vệ bà L.P. đặt câu hỏi: “Tại sao bà L.P. phải gõ cửa khắp các cơ quan thi hành pháp luật? Bà đang cho con đi học! Hồ sơ học của 2 đứa trẻ đang ở TPHCM. Nếu nói con vẫn là con của mẹ, con vẫn là con của cha thì 2 bên hãy tôn trọng quyết định thuận tình ly hôn năm 2020, giao mỗi người nuôi dưỡng, chăm sóc 2 con. Bà L.P. chưa bao giờ ngăn cản con gặp cha và nhà nội…”.
Sau phiên tòa căng thẳng, kéo dài nhiều buổi, Hội đồng xét xử TAND TP Thủ Đức (TPHCM) tuyên không chấp nhận yêu cầu của ông T.T. Niềm vui này bà L.P. chỉ có thể chia sẻ với luật sư cùng họ hàng bởi ngay khi phiên tòa kết thúc, ông T.T. và 2 con lớn lên xe ngay, không lời từ giã...
BAO GIỜ KẾT THÚC HÀNH TRÌNH? Giữa tháng 7/2025, bà L.P. nhận được tin ông T.T. kháng cáo và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực 2 (TPHCM) kháng nghị một phần nội dung bản án dân sự sơ thẩm này của TAND TP Thủ Đức (nay là TAND khu vực 2, TPHCM) theo thủ tục phúc thẩm tại TAND TPHCM. Ngày được gần con của bà L.P. vẫn còn xa bởi hành trình tranh chấp con tại tòa chưa đến hồi kết... |
Tô Diệu Hiền