Cảm ơn sự bao dung trên những chuyến tàu

24/05/2023 - 06:21

PNO - Buổi họp lớp đại học sau gần 30 năm ra trường rôm rả bởi đủ thứ chuyện. Tôi vừa xuất hiện thì đám bạn ồ lên: “Đại ca tàu chui đến rồi”.

 

Những chuyến tàu năm xưa mang đầy kỷ niệm (ảnh minh họa)
Những chuyến tàu năm xưa mang đầy kỷ niệm (Ảnh minh họa: Gettyimages)

Biệt danh “đại ca tàu chui” gắn với tôi từ năm thứ nhất đại học. Ngày đó, tôi từ quê nghèo ra thành phố đi học. Sau tôi còn 3 đứa em, sàn sàn đầu nhau, ba mẹ quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ lo cho tôi tiền học và tiền sinh hoạt phí. Từ quê ra phố, thiếu thốn đủ thứ, thấy cái gì cũng thích nhưng tôi phải tằn tiện để không lạm tiêu vào tiền hằng tháng ba mẹ tích cóp gửi cho. Ấy vậy nhưng cũng có không ít khoản phát sinh nên co kéo để hết tháng hết tiền là tốt lắm rồi.

Ba mẹ không quy ước nhưng tôi ngầm hiểu mỗi năm tôi chỉ được về nhà 2 lần: vào dịp nghỉ hè và nghỉ tết để tiết kiệm tiền tàu xe. Mà 1 năm, ngoài 2 kỳ nghỉ dài còn những ngày nghỉ lễ khác. Bạn bè ở cùng phòng ký túc xá của tôi đa phần ở miền Bắc nên được nghỉ là các bạn về nhà.

Tôi chán cái cảnh một mình vạ vật chờ đến ngày các bạn lên nên cũng khăn gói về quê. Đôi khi về vì nghe tin mẹ bệnh hay ba bị té gãy tay. Sau này, tôi yêu một cô bạn ở quê nên lại càng có lý do để về thường xuyên hơn. Được anh đồng hương khóa trước mách nước, tôi thử đi tàu chui.

Gọi là tàu chui vì lên tàu nhưng không có vé nên phải chui lủi trốn. Hồi đó, tàu hỏa còn cho người đưa tiễn lên tàu. Chúng tôi hợp thức hóa việc lên tàu bằng cách mua vé đưa tiễn (giá rẻ). Lên tàu rồi thì ở luôn trên đó, nôn nóng chờ tàu lăn bánh.

Tàu chui thì đương nhiên không có ghế ngồi. May mắn hôm nào tàu vắng khách mà trống chỗ nào đó, kiếm được cái ghế nhựa dành cho khách đi tàu mua ghế phụ còn dư hoặc được ai đó cho ngồi ké thì “mừng như bắt được vàng”.  Bằng không thì vạ vật, cứ tìm được chỗ nào trống thì ken vào mà ngồi, có khi là khoảng trống giữa 2 toa tàu, có khi là cửa nhà vệ sinh…

Hồi đó dễ ngủ nên tàu chạy, lắc qua lắc lại là gà gật nhưng lắm lúc giật mình thấp thỏm sẽ bị phát hiện. Cũng có khi tàu thắng gấp, đang ngồi ngả ngửa ra sau.  Khổ nhất là những khi thấy các chú nhân viên đi soát vé thì phải tìm cách trốn từ toa này qua toa khác hoặc chui vào nhà vệ sinh. Có những bận đứng trong đó lâu quá, mồ hôi vã cả người vẫn không dám ra vì chưa thấy an toàn.

Trót lọt một đêm trên tàu chưa xong lại còn tính chuyện lúc xuống tàu phải qua cửa soát vé mới ra ngoài được. Thế là lại phải lựa lúc khách đi tàu đông thì chen qua cửa hoặc men theo đường ray đi bộ cả cây số mới có lối ra. Cũng có vài lần bị các cô chú nhân viên phát hiện, phải dài cổ xin xỏ, năn nỉ. Người dễ tính động lòng cho qua, còn chẳng may gặp người khó tính thì thể nào cũng bị phạt. Tiền thì đương nhiên không có mà nộp phạt nên bị giữ lại đến trưa mới được thả cho về.

Ảnh mang tính minh họa - Nguyễn Đông
Ảnh mang tính minh họa - Nguyễn Đông

Còn nhớ có lần,  tôi bị chú soát vé mặt rất hình sự tóm cổ khi đang tìm cách lẻn ra cổng và bị đưa vào phòng bảo vệ rồi dọa: “Lại trốn vé hả? Nhìn mặt quen lắm, đưa thẻ sinh viên ra đây để còn làm thông báo gửi về trường”. Tôi lo quắn, thò tay vào túi định lấy thẻ sinh viên ra thì một chú khác bước vào, trên áo đồng phục của ngành đường sắt có đeo cái thẻ “đội trưởng”. Chú nhìn tôi từ đầu đến chân rồi khoát tay bảo: “Thôi, tha cho nó nốt lần này, lần sau không được tái phạm nữa đâu đấy”. Mừng quýnh, tôi cảm ơn rối rít. Lúc bước ra cửa, dừng lại kiểm tra xem chiếc thẻ sinh viên còn trong túi không thì nghe được giọng chú ấy vọng ra: “Nhìn nó... nhớ ngày xưa của mình”. 

Tôi đã trải qua 2 năm đại học với không biết bao nhiêu lần đi về tàu chui. Cũng không có gì để hãnh diện về cái “thành tích” đó, nhưng trong lòng thầm cảm ơn những trải nghiệm khó quên của tháng năm tuổi trẻ và không ít sự bao dung, độ lượng trên những chuyến tàu tôi đã đi qua. 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI