Những chuyến tàu sinh viên

04/11/2020 - 16:50

PNO - Lớp trẻ sau này, ít ai biết đến sự hiện diện của những sân ga đi qua những miền quê nghèo, cơ hồ nếu có thì phần lớn lại là nơi được chọn để lưu lại những tấm hình, thước phim kỹ thuật số.

Năm một ngàn chín trăm… hồi đó, lứa sinh viên thế hệ 8X chúng tôi thường chọn di chuyển từ quê lên phố và ngược lại bằng những chuyến tàu chợ. Chặng đường 70 cây số, 10 sân ga, thời gian di chuyển ngót ngày, đủ để tâm trí chất đầy kỷ niệm. 

Bây giờ, những chuyến tàu hỏa được trang bị hiện đại với điều hòa, ghế nệm cao su. Tàu khách chỉ dừng ở một, hoặc nhiều nhất là hai ga khi đi qua địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ga xép với thân phận vốn dĩ như tên gọi của nó họa hoằn mới đón những chuyến tàu hàng, khi thì để tránh tàu khách, khi khác để vận chuyển hàng hóa.

Lớp trẻ sau này, ít ai biết đến sự hiện diện của những sân ga đi qua những miền quê nghèo, cơ hồ nếu có thì phần lớn lại là nơi được chọn để lưu lại những tấm hình, thước phim kỹ thuật số thời công nghệ 4.0.

Năm một ngàn chín trăm… hồi đó, những chuyến tàu mang ước mơ, khát vọng của chúng tôi lên phố thường lăn bánh chậm rì. Điều hòa được thay bằng gió trời thông thống thổi qua những ô cửa trống hoác. Ở vài toa “hạng sang” có gắn quạt sắt đen sì bởi bụi bặm, tiếng quạt quay vù vù không kém âm thanh ồn ã phát ra từ động cơ máy tàu.

Ngày đó, từ miền đất nắng gió quê tôi lên thành phố chỉ tầm hơn 50 cây số, nhưng phải đi qua mười sân ga. Tàu chợ với đầy đủ nghĩa thực: khách đông, ghế gỗ cứng ngắc, tiếng bánh tàu nghiến vào đường ray kèn kẹt pha lẫn tiếng cười nói lao xao, những câu chuyện không đầu không cuối của hành khách, của những người ngược xuôi theo buổi chợ… Sân ga nào tàu cũng dừng, nhanh thì chục phút, chậm có khi cả tiếng. Đi tàu là một thử thách đầy kiên nhẫn. 

Ngày ấy, sinh viên nghèo chúng tôi hay trốn vé, nhiều khi suốt mười ga nhưng chúng tôi chỉ mua chặng đường ngắn hơn điểm đến dăm ba ga để tiết kiệm tiền. Tôi đồ rằng, nhân viên toa biết hết, nhưng ít khi kiểm tra vé. Thi thoảng nếu có, họ cũng dặn dò chiếu lệ: “Lần sau nhớ mua đủ ga đi nhé!”. Mà chưa chắc cái lần sau ấy họ còn nhớ mặt chúng tôi…

Tàu chợ còn để lại trong ký ức chúng tôi những dĩa cơm gà vàng rộm, thơm phức, khiến cái bụng rỗng nôn nao. Nhưng chúng tôi không khi nào dám phung phí món tiền ăn vừa được cha mẹ cho, vì phải dè sẻn cho quãng thời gian đằng đẵng cả tháng trời trước mắt. Chúng tôi tiết kiệm cho nhau bằng cách đứa ở lại cọc cạch đạp xe lên ga đón đứa từ quê vào.

Trên sân ga đêm, dưới cái rét buốt da thịt, cả lũ bạn túm tụm vào nhau, hăm hở xem bạn về quê mang theo được bao nhiêu khoai, sắn, bột lọc, chuối xanh… để ngày mai sau giờ tan học, cả bọn chụm lại trong một căn phòng trọ chật chội để chế biến món ăn từ những thức quà quê nghèo ấy. 

Sân ga và đoàn tàu là ký ức thanh xuân của những sinh viên thế hệ 8X
Sân ga và đoàn tàu là ký ức thanh xuân của những sinh viên thế hệ 8X

Hồi còi tàu hú vang đánh thức sự ủ ê của ga xép ngày xưa đó, còn là nỗi ám ảnh của cha mẹ. Con về - cha vắt áo lên vai, bước cao bước thấp qua những bờ ruộng khô nứt nẻ vì nắng hạn để vay tạm cho con khoản tiền học, khi vụ mùa chưa tới. Cụm từ bán lúa, khoai non có lẽ cũng ra đời từ đó. Cây trái chưa kết hạt, nhưng thành quả của những tháng ngày đổ mồ hôi của cha mẹ đã theo con lên thành phố. Ước mơ con chữ thênh thang. Đời quê nhọc nhằn thương khó. 

Thời sinh viên, chúng tôi có thể chọn nhiều ga đi, nhưng ga dừng ở phố chỉ có một - ga Huế. Bốn năm sinh viên, sân ga gắn với chúng tôi bằng những buồn, vui. Ấn tượng nhất là những o, dì, mệ bán thuốc lào, kẹo lạc, thuốc lá, cà phê cóc hoặc vài thứ quà vặt khác như bánh bèo, nậm, lọc, mè xửng… Họ thường bán với giá cả phải chăng: “Bọn bây là sinh viên, làm chi có tiền”. Trên sân ga ấy, không biết họ có bằng lòng với cuộc sống đó hay đời sống bắt họ phải thế, nhưng tôi biết, với họ, sân ga gần như là một cuộc đời để gắn bó. 

Năm một ngàn chín trăm… hồi đó, hình ảnh đoàn tàu và sân ga đã sống trong ký ức của chúng tôi như thế. Tháng năm có thể làm nhạt mờ nhiều thứ, nhưng riêng hình ảnh đoàn tàu chầm chậm trườn trên đường sắt nghe kèn kẹt, tiếng cô nhân viên thông báo tàu vào ga và hình ảnh của những bà, mệ, o, dì bán hàng rong giữa đêm mưa Huế dầm dề, tiếng lũ bạn cười vang đón chúng tôi trở lại phố… vẫn còn đọng mãi.

Sân ga, đoàn tàu gắn với thanh xuân của chúng tôi như một đoạn dốc quan trọng, không thể thiếu trên hành trình thiên lý đời người. 

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI