Bảo vệ con trước cái ác – vấn đề nan giải

19/12/2013 - 20:10

PNO - PNO - Sau khi các phương tiện truyền thông phanh phui việc bạo hành trẻ em tại trường mầm non Phương Anh, dư luận xã hội, nhất là những người có con nhỏ thêm một lần rúng động bởi dã tâm của những người được xem là “người mẹ...

Thật khó hiểu khi một ngôi trường mẫu giáo nằm ngay mặt đường có đông phụ huynh và trẻ em tấp nập ra vô mỗi ngày lại có thể ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý tại địa phương? Chính quyền ở đâu trong lúc các bé bị bạo hành ngày này qua ngày khác và chỉ vào cuộc khi mọi chuyện đã quá rõ?

Có ý kiến yêu cầu đề cao yếu tố lương tâm, đạo đức trong chương trình đào tạo giáo viên nhưng thiết nghĩ, những yếu tố ấy thuộc về bản chất của mỗi người nên khó để đưa vào lý thuyết vốn đã quá nặng nề nhưng hiệu quả thực tế chẳng bao nhiêu. Và khi sự tự nhận thức là cái không thể gò ép theo một khuôn mẫu, tiêu chuẩn nào thì pháp luật cần phát huy sức mạnh để đưa mọi hoạt động trong xã hội vào nề nếp, quy củ. Nếu không, xã hội tương lai sẽ ngập tràn tội ác do người ta cư xử với nhau bằng bạo lực, hận thù - “di chứng” để lại từ những vụ bị bạo hành ngày còn thơ. Do đó, bảo vệ con trước cái ác cũng như giữ đầu óc trẻ thơ trong sáng của con không bị nhuốm đen bởi màu sắc của những hành vi tiêu cực, của cái ác đang lộng hành khắp nơi quả là một vấn đề không đơn giản!

Bao ve con truoc cai ac – van de nan giai
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng như các hình thức bạo hành khác xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội, ngược đãi trẻ em không chỉ bị lên án mà cần loại bỏ càng sớm càng tốt. Pháp luật cần đặt ra những hình phạt khắt khe hơn, nhất là phạt tù bởi nếu chỉ xử phạt hành chính, rút giấy phép hoạt động hoặc phạt tiền thì những kẻ vi phạm sẵn sàng đóng phạt hoặc dễ dàng đăng ký kinh doanh lại dưới một cái tên khác bởi mối lợi họ thu được còn lớn hơn số tiền phạt gấp nhiều lần. Rõ ràng đây không phải trường hợp đầu tiên mà trước đó đã từng có nhiều vụ tương tự. Vậy thì nguyên do nào khiến trẻ tiếp tục bị hành hạ dã man hết vụ này đến vụ khác?

Do các biện pháp chế tài như “phủi bụi” không đủ sức răn đe những kẻ hám lợi sẵn sàng vứt bỏ lương tâm hay có một sự khuất tất nào đằng sau mỗi sự việc? Trong vấn đề này, phía phụ huynh thường bị động, ít ai dám phản kháng ngay cả khi biết con mình bị ngược đãi, phần do họ không muốn con mình bị “đì”, phần vì nhu cầu gửi con quá bức bách trong khi họ không tìm được sự hỗ trợ (giữ con) từ bất kỳ nguồn nào khác. Trong muôn vàn khó khăn đó, việc gửi con để mưu sinh vẫn là mối ưu tiên hàng đầu.

Xã hội nên có nhiều chính sách ưu đãi về luật, về thuế cũng như đơn giản hoá các thủ tục đăng ký để khuyến khích đầu tư cho việc mở trường, ưu tiên xây dựng trường học thay vì đổ xô xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, chung cư cao cấp… tránh tình trạng thiếu trường khiến trẻ bị dồn vào các trường hiện có trở thành gánh nặng khiến áp lực cho các trường tăng lên do quá tải. Tuy nhiên, đơn giản hoá thủ tục không đồng nghĩa với việc nới lỏng quản lý cũng như xem nhẹ các tiêu chuẩn về nhân sự để tránh tuyển nhầm “ác quỷ”.

Các bậc cha mẹ cũng nên quan tâm đến con cái nhiều hơn để phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ như la khóc, mớ sảng trong lúc ngủ, trẻ tỏ ra căng thẳng, hay gắt gỏng, sợ đi học, bỏ ăn hay có dấu vết lạ trên người v.v… rồi trò chuyện, gần gũi để khuyến khích trẻ kể lại những gì chứng kiến ở trường. Có những người phó mặc trẻ cho nhà trường, cho người giữ trẻ và cho rằng chỉ cần lo cho con một cuộc sống vật chất đủ đầy. Thay vì vậy, hãy phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con, dạy cho trẻ một số kỹ năng tối thiểu. Đó là cách giảm áp lực lên vai người giữ trẻ cũng như để cha mẹ gần gũi con mình hơn.

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI