Ba ơi, cứu con!

17/12/2019 - 14:38

PNO - Anh về đến nhà lúc An đã bị vài lằn roi trên người. Lần đầu tiên anh nổi nóng với chị. Anh bảo chị nhìn ra ngõ xem mấy đứa bạn của An. Chúng không thường xuyên bị mẹ cấm đoán và đánh đập như An.

An mới chín tuổi. Đứa con trai nào ở độ tuổi này chẳng năng động, ham chơi. Sự lỳ của con quanh đi quẩn lại cũng chỉ là không thể kiên nhẫn ngồi lâu một mình với những việc mẹ giao, hoặc đôi khi xách xe đạp ra ngõ chạy rong cùng đám bạn đến quên làm việc nhà.

Lúc nào nghe tiếng bọn con trai trong xóm ồn ào đâu đó ngoài đường là An xao lãng mọi thứ. Nếu chị không để ý, con sẽ tìm cách lẻn ra ngoài. Nhiều lần An bị mẹ phạt roi vì cái tội này nhưng con vẫn khó từ bỏ.

Ba oi, cuu con!
Ảnh minh họa

Chị may gia công tại nhà. Để có nhiều thời gian cho công việc, chị cho phép con tự đạp xe đi học. Khi ở nhà, An phụ mẹ trông em, cắt chỉ và xếp sản phẩm. Nhìn cách con làm việc biết ngay nó không hề hứng thú.

Con xao lãng, không tập trung nên thỉnh thoảng cứ gấp quần áo không đúng yêu cầu. Mỗi lần như thế, chị mắng con thậm tệ. Từ một lỗi nhỏ tại nhà của con, chị “truy” luôn cả những điều không hài lòng về chuyện học hành ở trường, cả những tội đã xử xong trong lần phạt trước.

Khi chị vui, chuyện có thể cho qua. Gặp lúc đang bực mình, chị trút giận lên thằng con bằng những trận đòn chí tử, dù đôi lúc lỗi của con không đáng bị phạt.

Chồng chị ít khi ý kiến về chuyện dạy dỗ con cái của vợ. Chỉ lúc nào chị mạnh tay quá, anh mới nhắc nhở. Anh điềm đạm, từ tốn, dịu dàng với vợ con. Vì vậy, thằng bé cũng gần gũi cha hơn. Anh nói với vợ hoài, con còn nhỏ, lại là con trai, phải cho con được tự do năng động một chút.

Từ bỏ thú vui là điều khó ngay cả đối với người lớn, huống chi con là đứa trẻ. Chị ậm ờ đồng ý vì biết chồng có lý. Nhưng vốn nóng tính, chị thường xuyên không kiểm soát cơn giận của mình đối với con.

Ba oi, cuu con!
Ảnh minh họa

 Nhìn bọn thằng Trường, thằng Phú ngoài giờ học chỉ có mỗi việc ngủ và chơi, An tủi thân. Mẹ của Trường và Phú cũng cỡ tuổi mẹ An, họ ngọt ngào mềm mỏng với con cái. An chưa thấy Trường bị mẹ phạt bao giờ. Phú phạm lỗi nặng lắm cũng chỉ bị bắt úp mặt vào tường. Chỉ có An ăn đòn hoài và thường cảm thấy oan ức. Tệ nhất là các bạn thường chứng kiến những lần An nước mắt ngắn dài như thế, thật xấu hổ.

Gần đây chưa có đợt hàng mới nên chị không làm việc nhiều. Mẹ ít quản, An được dịp rong chơi thả cửa sau giờ học. Trời sụp tối, vẫn chưa thấy An về. Tay cầm roi dài, chị đứng chờ sẵn phía đầu đường.

An dừng xe, chị nghiêm mặt bảo con vào nhà cho chị “nói chuyện”. An mếu máo, vội nói nhỏ với các bạn: “Bố Dũng đang ở nhà bà nội, gọi bố về cứu An đi”. Biết bạn sắp hứng cơn thịnh nộ, lũ trẻ ngay lập tức quay đầu xe tìm cha của An. 

“Chú Dũng ơi, An sắp bị mẹ đánh bằng cái cây to lắm”, “Nó đâu có làm gì đâu, chỉ đạp xe chơi với tụi con. Nó kêu chú về cứu nó”. Bọn trẻ níu tay anh và tranh nhau nói. Anh đứng dậy đi ngay về nhà. Nhưng vừa ra khỏi nhà mẹ, anh gặp người bạn cũ.

Họ dừng lại nói chuyện với nhau. Sốt ruột, bọn trẻ đạp xe đi trước. Dừng ngoài ngõ nhà chị, chúng hét lớn: “Chú Dũng sắp về rồi”, “Ba mày sắp về tới rồi An ơi”.

Anh về đến nhà lúc An đã bị vài lằn roi trên người. Lần đầu tiên anh nổi nóng với chị. Anh bảo chị nhìn ra ngõ xem mấy đứa bạn của An làm gì. Chúng chơi vui vẻ và đang tìm cách giúp bạn. Chúng không thường xuyên bị mẹ cấm đoán và đánh đập như An.

Anh cũng bảo chị để ý xem những phụ nữ hàng xóm dạy con như thế nào mà bọn trẻ vẫn ngoan trong khi họ không hề dùng roi vọt. Lúc đầu chị định cãi chồng. Nhưng anh càng nói, chị càng thấy khó bênh vực cho bản thân. 

Chị im lặng. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI