Bà mẹ “máu lạnh”

09/05/2022 - 06:00

PNO - Đôi khi tôi thấy buồn cười khi các bà hàng xóm nói tôi… máu lạnh.

Tôi có hai con một trai một gái. Thi thoảng tôi cũng nghe con trai, con gái than thở, cũng nghe con dâu con rể mách tội…

Ngay từ bé, tôi đã tập cho hai con làm việc nhà. Con trai cũng phải biết nấu cơm rửa bát, con gái cũng phải biết thay bóng đèn sửa vòi nước, khoan tường đóng đinh. Dựa vào ai là khi họ tự nguyện cho mình dựa, còn không thì cứ “độc lập tự lo” sẽ có “thong dong hạnh phúc”.

Hai đứa con tôi tự lập từ khá sớm, cậu lớn vào cấp III đã đi làm thêm, vào đại học là có thể tự lo tiền sinh hoạt, còn học phí thì vay bố mẹ, nói sẽ trả lãi đàng hoàng. Tôi bảo bố mẹ có thể nuôi con học nhưng con trai bảo: “Con muốn thử sức, nay con vay, mai con sẽ có thêm ý thức phấn đấu để trả. Mai kia con còn có cái mà dạy cháu nội của mẹ”.

Con gái khéo tay nên tự đan lát, vẽ vời và làm những món đồ chơi, đồ trang trí bé xinh, tự bán, tự thu chi. Tôi không muốn con kiếm tiền quá sớm, nhưng việc học hành của con vẫn đâu vào đấy nên tôi cũng không còn lo lắng nhiều quá. Khi vào đại học, con tự mua xe máy và từ chối khi tôi và con trai muốn góp.

Hai đứa có gia đình riêng và ở cùng một khu. Tôi đóng cửa căn nhà ở quê, gửi vườn tược cho đứa cháu rồi lên thành phố thuê căn hộ gần đấy. Khi con gái, con dâu sinh. Tôi sang chăm cho hai tháng. Tôi chỉ ở nhà con ban ngày, tối tôi về nhà mình.

Khi đám cháu lớn, mỗi sáng bố mẹ chúng ghé qua nhà tôi gửi con kèm đồ ăn. Chiều tối đi làm về lại ghé qua đón con. Đồ đạc quần áo của đám nhỏ, bố mẹ phải mang về giặt ủi. Tôi cũng không nấu nướng hộ. 

Có thể ai đó sẽ nói “mẹ ở nhà mà không tiện tay nấu cho đám con bữa tối”. Tôi không tiện, tay tôi bận làm đủ thứ, tôi còn trông nom đám cháu và phải nghỉ ngơi. 

Chiều thứ Bảy, các con tự đi chợ và đến nhà tôi xúm vào nấu nướng. Chỉ khi ấy chúng tôi mới sum họp đông đủ, còn ngày thường thì ai về nhà nấy, để tôi còn nghỉ ngơi, còn khoảng không gian riêng tư. Khi đám cháu đủ tuổi đi mẫu giáo, tôi sẽ cho chúng “tốt nghiệp lớp bà” để đến “lớp cô”.

Những khi vợ chồng con trai con gái có mâu thuẫn hay xích mích, các con cũng tự tìm giải pháp, thi thoảng tôi đứng ở góc độ của từng đứa con mà phân tích. 

Ảnh mang tính minh họa
Tôi không nấu ăn cho gia đình các con. Cuối tuần tụ họp ở nhà tôi, chúng cũng phải xúm vào cùng nấu. (Ảnh mang tính minh họa)

Đôi khi tôi thấy buồn cười khi các bà hàng xóm nói tôi… máu lạnh. Cha mẹ sinh con là của để dành, giờ còn sức mà giúp con là cái tốt, nên trông cháu dọn nhà cho con cái đi làm về có thời gian nghỉ ngơi, mai này có già yếu thì chúng mới chăm lại. Nhất là khi chồng tôi đã đi trước, tôi chỉ còn một mình, không nương con thì biết tựa ai.

Tôi nghĩ khác, tôi để dành không phải bản thân những đứa con, mà là những thứ tôi tập cho chúng, trang bị cho chúng từ nhỏ. Cha mẹ và con cái vốn là mối quan hệ không thể thay đổi, cha mẹ không phải và không thể làm bạn với con mà nên đồng hành. Có quan tâm nhưng chừng mực, có yêu thương nhưng tôn trọng, có chăm sóc nhưng mức độ.

Cha mẹ tạo cho mình cuộc sống bình an, khỏe mạnh đã là giúp cho con cháu rồi. Các con tôi đều đồng ý vậy và chúng cũng tự chăm lo bản thân, không để tôi phải bận tâm lo nghĩ. 

Mai kia tôi có già yếu, có nằm một chỗ thì con cái không đến với mẹ bằng bổn phận hay trách nhiệm, mà các con sẽ đối bằng cái nghĩa cái tình. 

Thái Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI