Áp lực từ “thể diện phụ huynh”

07/11/2023 - 13:48

PNO - Phần lớn phụ huynh đang chịu áp lực từ việc “giữ thể diện phụ huynh”, nhiều hơn là giáo dục một đứa trẻ.

“Quá áp lực vì dạy con” là câu than thở quen thuộc của những bậc cha mẹ. Nhiều bà mẹ còn chia sẻ: “Không ngán đẻ, chỉ ngán dạy” để nhấn mạnh dạy dỗ là yếu tố gây ám ảnh bậc nhất trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ. Thế nhưng, theo trải nghiệm và quan sát của tôi, phần lớn phụ huynh đang chịu áp lực từ việc “giữ thể diện phụ huynh”, nhiều hơn là giáo dục một đứa trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Đánh con vì… thể diện

Bữa tiệc giữa những người hàng xóm thân thiết trong khu chung cư diễn ra vào giờ tan tầm. Bọn trẻ no nê và được dồn vào một chiếc bàn lớn để chuẩn bị bài tập cho ngày mai. Có 4 đứa trẻ học chung lớp Năm. Chuyện đang êm đẹp thì Tí la toáng lên: “Sao Minh Anh lại giải ra thế này? Minh Anh không biết cách làm bài này à?”. Bọn trẻ xúm lại chỉ ra lỗi sai của Minh Anh. Lập tức, anh Tuấn - ba của Minh Anh - rời cuộc vui, tiến lại dạy con.

Chỉ 5 phút sau anh Tuấn bắt đầu to tiếng: “Bài này con biết làm mà”, “Nói mau, chỗ này nhân hay cộng?”, “Rõ ràng là con không tập trung. Tại sao mới tuần trước con giải được bài này mà giờ lại làm sai?”. Kết quả là những cái cú, đập đổ lên đứa trẻ. Cuộc vui hôm đó cũng… hết vui. Cha con anh Tuấn căng thẳng ra về.

Nhìn anh Tuấn, tôi như thấy lại hình ảnh của chồng tôi vào cái hôm anh bất ngờ đánh con. Con tôi 4 tuổi, là một đứa bé rất trọng kế hoạch và sự chỉn chu. Bằng những thúc giục rất bản năng, cháu luôn để ý đến sự ngăn nắp, đến logic của mọi việc, đồng thời rất áp lực ở những khía cạnh này. Cùng con lớn lên, chúng tôi rất nhiều lần chứng kiến những phản ứng đặc biệt của cháu liên quan đến sự ngăn nắp, kế hoạch, logic.

Ví dụ, cháu luôn dọn dẹp đồ chơi ngăn nắp. Dù rất thích các bạn sang nhà chơi nhưng mỗi khi nhà có bạn, cháu lại tất bật… hướng dẫn bạn chơi cho đúng, chơi sao cho không hư đồ, không bừa bộn. Hoặc, khi nhà đang có kế hoạch đi ra ngoài (dù là đi chơi hay đi bác sĩ) mà có hàng xóm đến nhà, cháu sẽ cực kỳ căng thẳng, sợ đổ bể kế hoạch. Có lúc cháu còn nói với vị hàng xóm “bác Anh đi về đi”, để việc đi ra ngoài diễn ra như kế hoạch.

Trải nghiệm rất nhiều tình huống tương tự, vợ chồng tôi đều đọc vị được những hành động “bảo vệ kế hoạch, sự ngăn nắp” nơi con. Thế nhưng, vào một chiều Chủ nhật, khi chúng tôi đang chuẩn bị đi chơi thì có bé Cà Rốt - một cô bé ở sát vách sang chơi. Y như rằng, Gạo chạy ra, nói: “Cà Rốt đi về đi!”.

Ảnh mang tính minh họa - Fwstudio
Ảnh mang tính minh họa - Fwstudio

Tôi biết tâm lý của con nên tiếp đón Cà Rốt và nói với cả 2 bạn về kế hoạch đi chơi của cả nhà Gạo, rằng 18g sẽ đi, Cà Rốt sẽ chơi với bà ngoại của Gạo… Nhưng Gạo dường như không nghe thấy, con cứ tiếp tục gắt: “Cà Rốt đi về đi, chị sắp đi chơi rồi mà”. Lúc này, mẹ của Cà Rốt có vẻ… tổn thương. Chị nói: “Sao Gạo lại đuổi em?”. Câu nói này như chạm vào lòng hiếu khách của chồng tôi. Anh ra lệnh cho con phải vui vẻ với Cà Rốt và chỉ trích con chuyện “đuổi em”. Bị chỉ trích, Gạo càng căng thẳng, con khóc mếu: “Con không muốn chơi với Cà Rốt”.

Sự “bất lịch sự” của con như vượt quá giới hạn của chồng tôi. Anh lập tức bắt con vào phòng và tuyên bố “ba sẽ phạt con một roi vì con bất lịch sự với em”. Đó là lần đầu chồng tôi đánh con.

Giải mã “thể diện phụ huynh”

Tạm không bàn về tác hại của đòn roi, nhìn vào 2 hành động dạy con của 2 người cha bên trên, có thể thấy, động cơ đánh con của họ xuất phát từ thể diện với người chứng kiến nhiều hơn là vì mục đích giáo dục trẻ.

Chồng tôi đã đánh con vì xấu hổ với hàng xóm. Anh biết người mẹ kia đang tổn thương vì con mình bị đuổi. Anh đánh con vì muốn chứng minh với chị ấy rằng anh không đồng tình với sự “bất lịch sự” của con. Anh Tuấn vốn nuôi con theo chủ nghĩa tự lập. Anh không “cầm tay dạy học” cho con mà khuyến khích con chủ động. Anh từng tuyên bố rằng anh chấp nhận mọi kết quả trong học tập, để giúp con nhận ra trách nhiệm của mình trong việc tạo ra những kết quả tốt hoặc xấu.

Thế nhưng khi đối diện với sự hơn kém của con mình với các bạn, anh lại rơi vào thể diện của một phụ huynh trước những phụ huynh khác. Anh “nhảy” vào dạy con. Anh tạo ra những giao tiếp bất thường với con, đặt ra cho con những câu hỏi có tính đe dọa và dán nhãn nhiều hơn là gợi mở kiến thức.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Hiện tượng quen nhưng phản ứng lạ

Nút thắt của những tình huống này là phụ huynh lầm tưởng mình đang dạy con. Họ không nhận ra áp lực đến trực tiếp từ sự “sĩ diện”, từ mong muốn giữ “thanh danh” của chính họ, thay vì mong muốn con trở nên tốt hơn. Và họ đổ dồn xuống đứa trẻ những lời dạy dỗ sai thời điểm, vô tác dụng và phản bội lại chính kết nối vốn có giữa họ và con.

Tôi nhớ, mẹ tôi từng đánh tôi rất đau trước mặt hàng xóm, để khi người hàng xóm đã rời đi, mẹ ôm tôi vỗ về và nói: “Khi nãy má phải đánh con để bà H. thôi làm dữ. Má biết con không sai”. Mẹ biết mẹ đang dùng tôi để “xoa dịu bà H.”, mẹ không lầm tưởng, nên không trượt dài hơn cuộc dạy con trá hình.

Phần lớn phụ huynh không nhận ra nguồn gốc cảm xúc của mình. Họ tưởng tình huống phức tạp đó là minh chứng cho thấy vấn đề của con họ là trầm trọng và họ cần phải “ra tay”. Anh Tuấn thấy con trai học quá kém, không tập trung. Chồng tôi thì thấy con gái quá “bất lịch sự”.

Để rồi sau đó, họ tiếp tục dồn vào đứa trẻ những chỉ trích, dạy dỗ để dập tắt những phản ứng lệch chuẩn của con, buộc con phải thay đổi “ngay từ bây giờ”. Và họ trượt dài trong cuộc dạy dỗ trá hình. Trong khi, hành vi lệch chuẩn của đứa trẻ đã rất quen thuộc trong gia đình.

“Hiện tượng quen thuộc” với Minh Anh và ba là việc cháu tự xoay xở với việc học, cháu có thể làm bài tập rất đúng và rất sai, nhưng ba luôn chỉ quan sát, hướng dẫn khi cần, chứ không nhảy vào “làm thấy ghê”. “Hiện tượng quen thuộc” trong gia đình tôi, là sự nhạy cảm thái quá của Gạo với những gì bất quy tắc, với những tác nhân gây “mất trật tự” dù vô tình hay hữu ý. Chúng tôi đã tiếp nhận tâm lý này của con và vẫn rất mềm mỏng hỗ trợ con cân bằng cảm xúc. Nhưng khi đối diện với áp lực từ người hàng xóm, ba cháu đã quên mất.

Nói như vậy không có nghĩa là ta phải đồng tình với những biểu hiện lệch chuẩn của con. Nhưng khi thực sự tập trung vào con trẻ và thực tâm muốn dìu dắt con thì sự thấu hiểu, sự kết nối với con phải là nền tảng tối thượng.

Khi đó, dù đối diện với tình huống nào, một bậc phụ huynh “đáng mặt phụ huynh” phải tôn trọng những nguyên tắc. Ta cần hiện diện như một người mẹ, người cha, thay vì xả vai cha mẹ, mà hiện diện với bộ tịch lịch thiệp, hiểu biết và quyền lực. Nếu nhìn nhận và gạn lọc được những áp lực từ “thể diện phụ huynh”, áp lực dạy con chỉ còn phân nửa.

Thử nhìn lại từng cảm xúc tiêu cực, từng cơn giận bạn trút lên con, có bao nhiêu phần trăm đến từ trái tim và tâm huyết của cha mẹ? Bao nhiêu phần trăm từ áp lực xã hội, áp lực thể diện hay áp lực tự đeo mang về phụ huynh kiểu mẫu? Tác động lên trẻ nhằm gửi thông điệp đến người khác. Tác động lên trẻ để bảo vệ thể diện của mình. Thử nghĩ, những đứa trẻ chỉ mới vài năm tuổi làm quen với cuộc đời này, có gánh nổi cho bạn những điều to tát đó không? 

Thanh Tân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI