Yêu con... vừa đủ

Hãy cứu phụ huynh khỏi áp lực

04/04/2022 - 08:51

PNO - Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Phòng khám Nhi phát triển và tâm lý - Q.1, TP.HCM) đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo Phụ Nữ TPHCM quanh vấn nạn tự tử ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên.

Những câu chuyện con trẻ sớm kết liễu cuộc đời liên tiếp xảy ra để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng người làm cha làm mẹ. Và nỗi đau càng chồng chất khi dư luận xã hội đang chĩa mũi dùi về phía phụ huynh mất con. Là một người được đào tạo chuyên ngành nhi khoa phát triển hành vi - chuyên viên tâm lý lâm sàng nhi khoa, có 15 năm công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và từng nghiên cứu về tự tử ở trẻ, đồng thời là một người mẹ đã trải qua quá trình nuôi dạy con tuổi vị thành niên, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Phòng khám Nhi phát triển và tâm lý - Q.1, TP.HCM) đã chia sẻ xung quanh vấn nạn tự tử ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang

Phóng viên: Nhiều cha mẹ cho rằng con mình ổn, cho đến khi “đùng một cái” con có hành động tiêu cực. Những dấu hiệu nào để nhận biết tình trạng bất ổn ở con, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang: Đa số các nghiên cứu khoa học cho thấy hầu như các em tự tử đều có giai đoạn trầm cảm. Để dẫn đến hành vi hủy hoại bản thân luôn có một quá trình, nhưng dấu hiệu ở trẻ em khó nhận biết hơn ở người lớn. 

Một số dấu hiệu báo động phổ biến: sút giảm kết quả học tập đột ngột, khó ăn khó ngủ, hành vi bạo lực bất thường, hứng lấy nguy cơ (ví dụ trẻ nói “con chết cho rồi”), bỏ nhà đi... Trẻ không chăm chút đến ngoại hình, vệ sinh; than phiền về cái chết (ví dụ trẻ nói “con chết chắc mai mốt nhiều người vui lắm đây!”); trẻ cho đi những giải thưởng, bộ sưu tập, vật dụng yêu thích; nói về tự tử một cách hài hước, dọa tự tử... 

Trẻ cũng có thể có vấn đề hành vi ở trường, thay đổi về nền nếp ăn ngủ (ví dụ đem cơm vào phòng riêng ăn, bỏ ăn), buồn bã, không cảm thấy hy vọng, không tham gia sinh hoạt vui chơi hằng ngày, lúc nào cũng mệt không có lý do rõ ràng, khó chịu, cáu gắt... 

Cảnh báo để cùng nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần, cùng học hỏi để cân bằng và bảo vệ trẻ là cần thiết. (Ảnh minh họa)
Cảnh báo để nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần, cùng học hỏi để cân bằng và bảo vệ trẻ là cần thiết (Ảnh minh họa)

* Nếu các dấu hiệu khó nhận biết, thì với “mắt thường”, làm sao phụ huynh có thể kịp thời đặt dấu hỏi và phòng, chống nguy cơ con trẻ hủy hoại bản thân?

- Tự tử chính là thời điểm tuyệt vọng, một sự tắc nghẽn, đau khổ cùng cực mà “khổ chủ” không tự gỡ rối được. Do đó, thông điệp giúp con nhìn nhận cảm xúc của mình từ đó biết cách giải quyết vấn đề với nguyên tắc tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác cần được đưa ra hướng dẫn ở trường học, ở gia đình với sự hỗ trợ của toàn xã hội. 

Chỉ có thể bằng quan sát, thông qua giao tiếp tích cực hằng ngày, cha mẹ mới thấy nhu cầu về tinh thần bên cạnh những nhu cầu cơ bản ăn, ngủ, học hành hằng ngày của con. Kết quả học không phải là thước đo duy nhất để kết nối con cái với cha mẹ. Sự thay đổi lứa tuổi từ cấp I sang cấp II, cấp II sang cấp III là những thời điểm căng thẳng của con trẻ, cha mẹ và thầy cô. Khi cha mẹ thấy bất lực trong trò chuyện với con là thời điểm cần nhờ tới các nhà tâm lý trẻ em, hoặc tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng làm cha mẹ để nắm bắt sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Vì trẻ không nhiều kinh nghiệm sống và khó giãi bày nhu cầu nên con cũng cần gặp chuyên gia tâm lý. 

Bữa cơm gia đình là cái neo giúp con cái hiểu cha mẹ luôn bận rộn để mưu sinh nhưng chúng luôn quan trọng với cha mẹ. Trong buổi ăn, chúng được lắng nghe để chia sẻ các câu chuyện tưởng như tầm phào vô bổ đối với người lớn, nhưng rất ý nghĩa với tâm hồn non nớt. Qua bữa cơm gia đình, con cái sẽ học cách cha mẹ bày tỏ sự tôn trọng nhau, tôn trọng thầy cô, tình bạn, biết cách kết bạn, chia sẻ tâm trạng vui buồn, nhìn nhận sự thay đổi của con và giúp chúng đón nhận sự thay đổi đó từng ngày. Các con sẽ học hỏi về kỹ năng xã hội, giảm xung năng của tuổi vị thành niên. Chúng ta không thể đoán trước thời điểm tự tử. Tuy nhiên, giao tiếp tích cực này có thể làm cho sự cùng cực, tuyệt vọng đó không xảy ra, giảm tần số xảy ra. 

Qua bữa cơm gia đình, con cái sẽ học cách cha mẹ bày tỏ sự tôn trọng nhau, tôn trọng thầy cô, tình bạn, biết cách kết bạn, chia sẻ tâm trạng vui buồn (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Qua bữa cơm gia đình, con cái sẽ học cách cha mẹ bày tỏ sự tôn trọng nhau, tôn trọng thầy cô, tình bạn, biết cách kết bạn, chia sẻ tâm trạng vui buồn (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

* Phụ huynh nào cũng bàng hoàng và tiếc nuối khi đọc những vụ trẻ tự tử, nhưng đa số vẫn chủ quan, cho rằng bi kịch ở đâu đó, không bao giờ lọt vào nhà mình...

- Đúng vậy, ít ai nghĩ điều đó lại xảy đến với gia đình mình. Tuy nhiên, tôi tin toàn xã hội đều đau xót và mong mỏi cùng xây dựng môi trường lành mạnh cho các con. Cảnh báo để cùng nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần, cùng học hỏi để cân bằng và bảo vệ trẻ là cần thiết. Nhưng khi sự việc đáng tiếc xảy ra, dư luận quy lỗi cho cha mẹ là không cần thiết, thiếu công bằng, không thấu đáo. Đọc nhiều chia sẻ trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều người hiểu chưa đúng. Những phán xét người cha người mẹ ấy ít dành thời gian cho con, thiếu quan tâm, bắt ép con chạy theo điểm số... là những góc nhìn chưa đầy đủ, toàn diện. 

Trẻ và phụ huynh cần được biện hộ vì làm cha mẹ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, rất ý nghĩa, rất thiêng liêng, không ai thay thế; nhiệm vụ ấy cần được xã hội hỗ trợ. Can thiệp tự tử cần có chuyên ngành nhi khoa phát triển - hành vi, giáo dục, tâm lý - tâm thần và xã hội học chứ không phải nỗ lực đơn độc của cha mẹ.

* Một số giải pháp cụ thể để thay đổi là gì thưa bác sĩ?

Nỗi đau càng chồng chất khi dư luận xã hội chĩa mũi dùi về phía phụ huynh mất con

- Trẻ cần được biết số điện thoại cấp cứu tâm thần trong cơn tuyệt vọng, trầm cảm, có sự kích động... Các em biết từ các chương trình trong trường học và xem đấy là kênh hỗ trợ đáng tin cậy chứ không phải nơi cười chê mình.

Tại Trung tâm Y khoa Trường đại học Monash ở Melbourne, Úc, tôi được tìm hiểu mô hình dịch vụ về tâm trí sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên ở Úc. Đó là mô hình rất đáng học hỏi. Khi có ý nghĩ tự tử thôi thúc, trẻ gọi cho số điện thoại khẩn cấp, trẻ được đón vào trung tâm ấy trong hai tuần để được điều trị khép kín với mục tiêu cung cấp môi trường an toàn, giảm xung năng, đem lại cân bằng cảm xúc từ điều trị tâm lý, hoạt động thể chất như bơi lội, yoga, được nhóm nhân viên xã hội với bác sĩ tâm thần chủ đạo nhóm hỗ trợ hằng ngày. 

Y văn cho thấy, người tự tử một lần thì sẽ có nguy cơ tự tử lần thứ hai. Vì thiếu thông tin nên khâu khám tâm lý ở trẻ tự tử chưa áp dụng đồng bộ và chất lượng. Việc này không nên là chuyện riêng của gia đình, của các nhân viên y tế, mà cần hỗ trợ của hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em. Sức khỏe tâm trí tâm thần là vấn đề có thật, không nên xem nhẹ và không nên chỉ trích. Mọi người trong xã hội cùng nhau xây dựng tinh thần ấy sẽ cùng nhau đẩy lùi tình trạng đau lòng này.

Các gameshow cần chú trọng giúp trẻ thiết lập tình cảm bền chặt giữa các thành viên trong gia đình (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Các gameshow cần chú trọng giúp trẻ thiết lập tình cảm bền chặt giữa các thành viên trong gia đình (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Mỗi trường học phải có bộ phận tham vấn học đường, là người có chuyên môn và là biên chế, không kiêm nhiệm. Nhà trường cố gắng xây dựng chương trình học tập và ngoại khóa cân bằng, nhiều môn đa dạng, có cả học đá cầu, đá bóng, đàn hát, nấu ăn, công nghệ... trong quy trình học chính thức.

Trường học có nối kết với các đơn vị bên ngoài chứ không phải phụ huynh tự tìm. Có hoạt động đa dạng, sinh động thì trẻ cảm nhận niềm vui, ý nghĩa của việc học từ đó tự trẻ chủ động giao tiếp, hợp tác học hành vui chơi, giảm tần suất thời điểm đau khổ, tuyệt vọng. Nhà trường cần tạo điều kiện cho các em học nhóm, làm việc nhóm, giúp trẻ tăng giao tiếp xã hội và ý kiến cá nhân của mỗi học sinh được lắng nghe và tôn trọng.

Cùng nhau, xã hội xây dựng giá trị việc học là để hiểu biết và có niềm vui trong sự hiểu biết đó; học tập để thành người hữu ích, giúp đỡ người khác. Các chương trình game show ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng các cháu tuổi đang lớn. Nên chăng, thông điệp các chương trình truyền hình nên tập trung vào cách bày tỏ cảm xúc, giúp con kết bạn, thiết lập tình cảm bền chặt giữa các thành viên trong gia đình, tình thầy trò... Vai trò của giáo dục cần được nhìn nhận, đầu tư và hỗ trợ từ nhiều ngành khác như tâm lý học đường, tâm lý giáo dục, tâm lý học phát triển và tâm lý lâm sàng. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI