Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang): “Để dành ngày mai ấy, em ơi!”

30/04/2024 - 08:33

PNO - Ở tuổi 97, ông vẫn rất bận rộn. Những ngày tháng Tư này, lịch của ông dày đặc với họp hành, đi nói chuyện, gặp gỡ, ôn lại truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Ngày 30/4 là ký ức lịch sử hào hùng, thiêng liêng với nhiều thế hệ người Việt. Riêng với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Văn Tàu, ngày này còn đặc biệt ý nghĩa bởi ông là một trong những vị thủ lĩnh của đại quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và còn bởi đó chính là ngày người cụm trưởng Cụm tình báo H63 được gặp mặt vợ con sau 28 năm xa cách. Đó cũng là ngày ông hoàn thành lời nhắn nhủ với vợ trong bài thơ ông viết tặng bà năm 1973:

"Với người vợ hiền trung trinh và đau khổ

Đã hơn 20 năm nén sâu tình cảm

Ra sức nuôi con chờ nắng ấm một ngày mai

Để dành ngày mai ấy, em ơi! Anh đã hai lần kháng chiến".

Dù tuổi đã cao, ông Tư Cang vẫn rất minh mẫn và có trí nhớ tuyệt vời - ảnh: quỳnh trần
Dù tuổi đã cao, ông Tư Cang vẫn rất minh mẫn và có trí nhớ tuyệt vời - Ảnh: Quỳnh Trần

Nghề chọn người

Ở tuổi 97, ông Tư Cang vẫn rất minh mẫn và có trí nhớ tuyệt vời. Với ông, ngày chàng thanh niên 17 tuổi giác ngộ cách mạng, tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong làng Long Phước (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) như mới hôm qua. Lòng yêu nước, khát khao hòa bình, tự do luôn sục sôi trong trái tim ông.

Vì lý tưởng này, ông đã để lại quê nhà người vợ mới cưới, thoát ly vào căn cứ, rồi trở thành người đứng đầu của mạng lưới tình báo nổi tiếng H63. Tôi thắc mắc: “Tại sao từ chàng trai quê, ông lại trở thành một nhà tình báo?”. Ông cười, giọng rổn rảng, cách nói chuyện rặt Nam Bộ với lối xưng hô “tao” không khách sáo: “Nghề chọn tao, chớ lúc đó tao có biết tình báo là gì mà chọn”. Ông kể: “Đơn giản là tao biết ngoại ngữ nên lãnh đạo giao đi trinh sát, tìm nơi Pháp sơ hở để đội du kích đánh”.

Ông đã phát hiện Sở Cao su Xà Bang của Pháp, lính canh hay nhậu ban đêm nên đêm 9/3/1946, đội du kích 9 người đã tiến đánh nơi này và thu được 5 khẩu súng trường. “Từ đó tao chính thức được chọn làm quân báo và sau này tập kết ra Bắc được đào tạo làm tình báo” - ông Tư Cang nói.

Năm 1962, sau khi từ Bắc trở về chiến trường miền Nam, ông Tư Cang được giao phụ trách Cụm tình báo H63. Nhắc đến đây, ánh mắt ông rực sáng và hào hứng kể: “Cụm tình báo H63 ban đầu có 13 người, sau này phát triển lên 47 người; trong đó có điệp viên cực kỳ giỏi là anh Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn). Ban đầu, tao ở Củ Chi, tổ chức mạng lưới giao thông, lấy tin tức từ ông Ẩn rồi báo cáo về trên. Năm 1966, cấp trên lệnh tao phải vào nội thành hoạt động. Khi đó, rất nhiều lưới tình báo của ta bị vỡ, bị bắt, tù đày, nên hoạt động tại nội thành càng khó khăn, nguy hiểm. Nhiệm vụ của cụm trưởng là phải đảm bảo mạng lưới thông tin được thông suốt và phải đảm bảo an toàn cho điệp viên Phạm Xuân Ẩn”.

Vào nội thành, đồng nghĩa với việc ông Tư Cang có thể gặp vợ con sau 18 năm xa cách. Ông chỉ muốn chạy ù về nhà, ôm siết vợ con vào lòng. Hàng trăm lần đi ngang khu cư xá Việt Nam Thương tín - nơi vợ con sinh sống - trái tim ông thôi thúc rẽ vào, nhưng cái đầu của một người tình báo lạnh lùng lướt qua.

Ông có nguyên tắc: “Làm tình báo phải đảm bảo bí mật. Nếu địch phát hiện, vợ con bị bắt hoặc nó bắt vợ con làm con tin, gây áp lực với mình thì ảnh hưởng đến cả lưới tình báo”. Ông đã từng nói với những người lính của mình: “Làm tình báo phải xác định như khắc lên ngực 4 chữ “coi như chết rồi”, cho thấy sự can trường, sẵn sàng hy sinh của người tình báo.

Nhắc đến ông Tư Cang, trong một chương trình trên VTV, ông Phạm Xuân Ẩn nói ngay: “Ông này rất giỏi”. Ông hoạt động với vỏ bọc gia sư, kế toán… và là một người mê chơi chim. Ông thường cầm lồng chim thản nhiên vào quán cà phê Grival - nơi ông Ẩn hoạt động trong vỏ bọc là phóng viên của tạp chí Time (Mỹ) đợi sẵn - để luận thú vui. Thực ra, cuộc gặp để ông Tư truyền đạt chỉ thị của cấp trên và ông Ẩn báo cáo tình hình.

Những năm tháng này, ông Tư và ông Ẩn trở thành “cặp đôi hoàn hảo” của làng tình báo cách mạng khi thực hiện những nhiệm vụ gần như không tưởng; đồng thời cung cấp, chuyển rất nhiều thông tin, tài liệu giá trị cho Bộ Tham mưu Miền. Quyết định vẫn đánh trận Mậu Thân 1968 đợt 2 của ta và buộc Mỹ phải rút quân về nước, ngồi vào bàn đàm phán tại Hiệp định Paris năm 1973 có công trạng tình báo của ông Ẩn và ông Tư Cang khi đã có trước dữ kiện Mỹ sẽ làm gì nếu bị tấn công lần 2.

Ngày 30/4, ông là Chính ủy của Lữ đoàn đặc công biệt động 316 tiến vào Sài Gòn. Sau khi tướng Dương Văn Minh đầu hàng cũng là lúc ông lái xe Jeep về Thị Nghè tìm vợ con sau gần 30 năm xa cách.

Nhìn trăng lên mà ôn lại quãng đời đấu tranh...

Ông dừng lại giữa hồi ức đẹp nhất và nhìn tôi, cười: “Tối 30/4 của 49 năm trước, tôi đứng trước cửa nhà gọi to tên con gái “Nhồng ơi”. Ánh đèn bật sáng, vợ tôi bước ra, giọng mừng rỡ, thiết tha “anh về rồi hả?”. Bên cạnh vợ là một phụ nữ trẻ, bồng đứa bé trạc 3 tuổi, cất tiếng: “Chào ông ngoại đi con”.

Khi đó tôi mới biết đó là con gái và cháu ngoại của mình. Vợ chồng, con cháu ôm nhau khóc trong hạnh phúc của hòa bình và sum họp. Đó là lần đầu tôi được ăn bữa cơm gia đình khi đồng hồ điểm 12g đêm”. Ông dừng lại, đứng dậy bước ra sân, chỉ chiếc ghế trước sân - nơi ông bà hay ngồi trò chuyện mỗi sáng chiều, nơi có mấy cây kiểng bà tưới mỗi ngày. Sự nhắc nhớ của ông làm tôi nhớ lại lần đầu đến đây vào năm 2008.

Những ngày bà còn sống, ông luôn tranh thủ ở nhà với bà, để bù đắp cho bao nhiêu năm xa cách - ảnh: quỳnh trần
Những ngày bà còn sống, ông luôn tranh thủ ở nhà với bà, để bù đắp cho bao nhiêu năm xa cách - Ảnh: Quỳnh Trần

Khi đó, khoảng sân trống trước nhà bà nuôi khá nhiều gà và dưới bóng mát của cây me chua, cây khế, ông bà kê bộ bàn dài. Ông ngồi cạnh bàn đọc sách, dưới đất là 2 chú chó nằm ngoan bên chân chủ. Bà ở gần đó cho đàn gà ăn, rồi ông lấy cây hái khế, bà bưng chiếc rổ đón lấy từng chùm khế chín mọng.

Ánh nắng xiên qua kẽ lá, rọi lên 2 mái đầu bạc cùng tiếng cười, tiếng đùa vui của ông bà tạo ra khung cảnh quá đỗi thanh bình. Tôi hình dung khoảng sân này vào những đêm trăng, “Vợ chồng ta lại sẽ ngồi sát bên nhau/ Nhìn trăng lên mà ôn lại quãng đời đấu tranh” như trong bài thơ ông viết tặng vợ.

Ông chia sẻ: “Những kỷ niệm của tao với bả đều gắn liền với những đêm trăng. Ngày xưa lúc mới cưới, tao 18 tuổi, bả 17 tuổi. Những đêm trăng, vợ chồng gánh nước, giã gạo. Tình cảm của 2 đứa trẻ mới lớn chưa có tình yêu đã lớn dần qua những đêm trăng bên nhau như vậy. Đến bây giờ tao vẫn luôn nhớ hình ảnh thời thanh xuân của vợ gánh nước, chẻ củi, đội lúa… Thương bả lắm”. Rồi ông mơ màng nói: “Bả cũng thương tao dữ lắm”.

Cái tình, cái thương đã giữ ông tránh xa mọi cám dỗ tình cảm khi xa vợ ở độ tuổi sung sức của người đàn ông. Mỗi khi nhớ vợ con, ông lại lấy hình con gái ra ngắm. Chiếc áo len vợ đan tặng trước ngày tập kết, ông dành để đắp lên ngực mỗi tối chứ không dám mặc vì sợ cũ.

Ông nói: “Bà ấy rất thích nấu ăn và thích cả nhà quây quần bên mâm cơm”. Vậy nên, khi về hưu, ông luôn “ở nhà ăn cơm với vợ con” để “bù đắp cho sự xa cách 28 năm”. Ông còn cho tôi xem những bức ảnh ông nắm tay bà đi dạo, ngắm đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp tết, kèm thêm những câu thơ “Mùa xuân ấy mà đôi ta hằng mơ ước/ Hoa mai vàng nở rộ trên mỗi bước ta đi”.

Bà Trần Ngọc Ảnh đã khuất núi 3 năm, nhưng trong mỗi bữa cơm, ông vẫn thầm gọi người bạn đời về ăn cùng như thời gia đình đủ đầy. Hiện ông sống cùng con gái, cháu ngoại và cháu cố.

Ở tuổi 97, ông vẫn rất bận rộn. Những ngày tháng Tư này, lịch của ông dày đặc với họp hành, đi nói chuyện, gặp gỡ, ôn lại truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Ông hiện là Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn biệt động đặc công thành phố, Trưởng ban Cựu chiến binh tình báo miền Nam. Bên cạnh đó, ông vẫn đều đặn đọc và viết sách mỗi ngày.

Những năm tháng đi qua chiến tranh của ông đã tạo nên những trang viết của nhà văn Nguyễn Văn Tàu về một thời hoa lửa ác liệt, giàu cảm xúc của tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội với sự dũng cảm và hy sinh của người lính, người vợ, người mẹ…

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh