Ăn tết quê ai?

30/01/2016 - 08:09

PNO - Đã nhiều năm, tết với Hương cứ như cơn ác mộng. Một ngày mẹ chồng bày mâm cúng ba lần, Hương túi bụi nấu nướng, lau dọn.

1. “Anh à, em thật sự mệt mỏi vì cái điệp khúc “đến hẹn lại lên” - vợ chồng cắn đắng nhau chuyện sẽ về nội hay ngoại đón tết. Thương anh, bao giờ em cũng nhượng bộ, đồng ý cả nhà về nội đón xuân. Nhưng, năm nay là giỗ đầu của cha, em muốn con được về thắp nhang cho ông ngoại, an ủi má cái tết đầu tiên xa cha, lạnh lẽo tuổi già.

Vậy thì có gì mà anh phải phùng mang trợn mắt, hất đổ mâm cơm cả nhà chưa kịp ăn? Hôm nay em đưa con về thăm má, rồi ở lại luôn. Rất mong 28 tháng Chạp anh sẽ về. Rồi mùng Hai, vợ chồng mình cho con về chúc tết nội, anh nhé”.

Dằn tờ giấy dưới bình hoa, chị nhìn khắp lượt căn nhà chị vừa mất đến ba tiếng đồng hồ để dọn dẹp “cơn cuồng phong” đêm qua chồng chị gây ra. Bồng con trên tay, chị ra đường ngoắt taxi. Thật lòng chị không biết tết này cả nhà chị có được vui vẻ bên nhau hay không.

Cưới nhau 5 năm là bốn cái tết chị đành mang tiếng “bất hiếu” vì không về cúng ông bà hôm tất niên, không mừng tuổi cha mẹ sáng mùng Một. Năm nào chồng chị cũng một lý do: “Nhà ba má em gần, khi nào chạy về thăm chẳng được. Nhà cha mẹ anh xa quá, đời người còn mấy cái tết bên cha mẹ già đâu em!”. Nghe anh nói, chị rất muốn phản ứng lại: “Em cũng còn mấy cái tết bên cha mẹ mình hả anh?”.

Nhưng rồi thương chồng, năm nào chị cũng tranh thủ chạy về thăm cha mẹ mình trước tết. Lặt lá mai, trang hoàng nhà cửa, làm vài miếng mứt, kho nồi thịt, mua cặp dưa… Rồi chị quày quả trở lên, đùm túm theo chồng về quê… người. Nhưng năm nay thì khác. Chị muốn được ở cạnh má trong giây phút quạnh quẽ này, thắp cho cha nén nhang để ấm cúng mấy ngày tết. Vậy mà anh nỡ lòng không thông cảm cho chị!

An tet que ai?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

2. “Năm nay đỡ hết sức. Mang bầu, mình có lý do chính đáng để không về quê chồng ăn tết. Viện cớ mệt mỏi, nặng nề, mình sẽ về nhà ba mẹ mình. Mỗi đứa đón xuân một nơi cho gọn, đỡ tốn sức… cãi nhau”, xoa xoa cái bụng, Thy Hương nói.

Đúng là năm nào vào dịp tết, vợ chồng Hương cũng có chuyện. Chồng Hương chưa bao giờ chịu nhường vợ trong cuộc tranh cãi tết về quê ai. Muốn yên nhà yên cửa, Hương phải cắn răng chiều chồng. Cũng may, cơ quan Hương thường nghỉ tết sớm. Hương bắt chuyến xe đêm về nhà, lăn ra dọn dẹp, chuẩn bị cho cha mẹ có một cái tết tươm tất. Mười năm lấy chồng là đã chín năm Hương đón tết xa quê. Bao giờ cũng phải đến trưa 30, chồng Hương mới lững thững đưa vợ về, chào qua quýt cha mẹ vợ, rồi ra thẳng sân bay về quê chồng.

Đã nhiều năm, tết với Hương cứ như cơn ác mộng. Một ngày mẹ chồng bày mâm cúng ba lần, Hương túi bụi nấu nướng, lau dọn. Cũng từng ấy ngày Hương không nhìn thấy mặt chồng. Anh đắm đuối trong những bàn nhậu, sòng bài, chỉ về nhà đúng ngày vợ chồng chuẩn bị hành lý quay lên thành phố. Vì thế, năm nào khi trở vào cơ quan, chị em đồng nghiệp ai cũng “quở” Hương: tết nhất mà nhìn mặt bơ phờ, chẳng thấy mùa xuân.

Năm nay Hương nhất quyết làm “cách mạng”. Hương sẽ về nhà cha mẹ mình đón tết, chồng Hương cứ tự về nhà ba mẹ anh. Nghĩ vậy, nhưng rồi Hương ngậm ngùi: Chẳng biết đến bao giờ vợ chồng mình mới có một cái tết đúng nghĩa!

3. “Vợ thằng Hai đâu mà mày dìa mình ên vậy?”, từ đầu làng, Long vừa gãi đầu gãi tai vừa trả lời câu hỏi đó không biết bao nhiêu lần. Là con trưởng, Long chưa hình dung được đêm giao thừa, rồi sáng mùng Một mình sẽ trả lời ra sao trước nhà thờ họ, trước cụ trưởng tộc khi vắng dâu trưởng. Càng nghĩ, Long càng giận vợ tím ruột. Tự dưng “trở chứng”!

Mấy hôm trước, Loan đã chìa ra trước mặt Long hai cái vé máy bay: “Năm nay em và bé Linh sẽ đi Đà Lạt đón tết. Anh về quê một mình đi. Em mệt mỏi lắm rồi. Em đã cặm cụi làm dâu hiền nhưng rốt cuộc mẹ anh thế nào?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI