"Bệnh" nói

28/01/2016 - 08:06

PNO - Thật ra, vợ cái gì cũng tốt, cái gì cũng tuyệt vời, duy chỉ có tật, mà có khi đã thành “bệnh”, là nói nhiều, khiến mọi người mệt mỏi, ngao ngán.

Ảnh minh họa

Mấy hôm nay vợ về quê, ba cha con ở nhà “vui như tết”. Bữa cơm tuy thiếu những món ngon của vợ nhưng mấy cha con thấy thật thoải mái. Nói vậy không phải chồng muốn vợ cứ vắng mặt mãi để được tự do, mà là muốn gửi cho vợ một thông điệp để vợ biết cảm thông hơn...

Thật ra, ở vợ cái gì cũng tốt, cái gì cũng rất tuyệt vời, duy chỉ có tật, mà có khi đã thành “bệnh”, là nói nhiều, khiến mọi người mệt mỏi, ngao ngán. Đã bao phen chồng con góp ý nhưng mức độ nói của vợ cứ ngày càng tăng chứ không hề giảm.

Từ chỗ tự hào vì có được người vợ lanh lợi, hoạt bát, vui vẻ, giờ thì chồng thú thật là rất sợ căn bệnh nói nhiều của vợ. Chồng ngẫm lại chỉ thấy có hai thời điểm trong ngày vợ ít nói hơn một chút là lúc đi ngủ và khi vợ ngồi trang điểm.

Cứ bắt đầu một ngày mới là lúc “đài phát thanh” nhà mình phát sóng và cứ phát liên tục từ nhà đến cơ quan vợ (chồng nghe đồng nghiệp của vợ kể “thành tích” đó), rồi từ cơ quan vợ về nhà, kéo dài cho đến khi tắt đèn đi ngủ. Vợ có thể nói bất cứ đề tài nào vì am hiểu khá nhiều lĩnh vực. Chồng không hiểu sức đâu mà vợ nói nhiều đến thế, nói tranh phần của chồng, nói hết phần của con.

Vợ nói nhiều đến mức bà con ở quê lên chơi phải “cảm phục”: “Vợ thằng Tư nhỏ con mà nói như ve sầu!”. Bạn bè, đồng nghiệp của chồng đến nhà chơi cũng bị vợ “tranh sóng” khiến nhiều lúc chồng cứ như người thừa. Hàng xóm gặp chồng là “mát mẻ”: “Nhà chú Tư vui hỉ?!”.

Bác Ba xe ôm đầu hẻm thi thoảng mới chở vợ một cuốc xe, cũng phải thốt lên “Vợ chú Tư nói như bắn súng liên thanh”. Bạn bè đồng nghiệp riết chẳng ai muốn đến chơi nhà vì ngại “phải nghe những điều cô ấy nói”. Ngay đến bạn bè của các con cũng ngán đến chơi vì sợ phải nghe vợ thuyết giảng.

Không chỉ chồng nhắc nhở, đến các con cũng xa xôi phê phán căn bệnh này của vợ. Buổi sáng vợ vừa cất tiếng là chúng tếu táo là “đã bắt đầu chương trình Chào buổi sáng”; trưa các con lại bảo: “chương trình Chuyện thường ngày”; chiều là “chương trình Bạn cần biết” hoặc “Đạo đức - lối sống”; tối “chương trình Truyện đêm khuya” hoặc “Thời trang - kinh tế - việc làm”… Vậy mà vợ chẳng thèm để vào tai, thậm chí khi chồng con góp ý, vợ lại phát sóng với tần suất cao hơn khiến chồng con phát khiếp.

Hôm rồi vợ đi khám sức khỏe tổng quát về, chồng hỏi phổi và thanh quản có vấn đề gì không, vợ quắc mắt bảo chồng “hỏi đểu”! Vợ như thế nên riết rồi chồng con chẳng nói gì nữa, hai con phản ứng bằng cách mỗi khi vợ “lên sóng” là chúng đeo ngay headphone vào tai, đầu lắc chân nhún, nhưng chẳng biết chúng có nghe nhạc thật không. Những lúc ấy, nếu không ngồi thở dài bên ấm trà thì chồng cũng bỏ ra ngoài lang thang đâu đó.

Nói là vậy nhưng mấy bữa rày không được nghe tiếng vợ, cha con tự dưng thấy như thiếu thiếu cái gì đó, hình như cả nhà đã ghiền nghe vợ nói mất rồi. Trong nhà mà mọi người đều kiệm lời thì e cũng buồn và ngột ngạt lắm, dù nói nhiều như vợ thì lại bức bối, khó chịu. Chồng và các con luôn ủng hộ vợ nhưng nếu vợ chịu khó tiết giảm bớt, nhà mình chắc sẽ rất vui và hạnh phúc. Hãy nghĩ cho chồng con, vợ nhé!

Thanh Tân (Công ty PVI Sài Gòn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI