Về nhà thôi con!

09/07/2025 - 07:00

PNO - Kỳ thi nào rồi cũng qua, điểm số nào rồi cũng thành quá khứ. Chỉ có tình thương là thứ con cần để bước tiếp.

Tôi ngồi chờ ngoài cổng trường. Cái nắng Sài Gòn rát mặt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Trong phòng thi tốt nghiệp, con trai tôi đang gò lưng viết từng chữ. Năm nay, con tôi tốt nghiệp THPT, đây cũng là ngày cuối hoàn thành chuyến thanh xuân của đời học sinh miệt mài 12 năm. Với con tôi - một cậu bé sức khỏe yếu, đó lại càng là hành trình đáng nhớ.

Cha con tác giả trong ngày thi tốt nghiệp THPT vừa qua - Ảnh do tác giả cung cấp
Cha con tác giả trong ngày thi tốt nghiệp THPT vừa qua - Ảnh do tác giả cung cấp

Con thi xong được cha dìu ra cổng lên xe. Con thở dài, mắt thoáng buồn: “Đề cho kỳ quá ba ơi!”.

Tôi hiểu cảm giác của con lúc đó. Chắc hẳn đề thi năm nay đã khiến nhiều sĩ tử phải vò đầu bứt tóc. Bạn con đứng bên cạnh có vẻ chung tâm trạng. Tôi nhìn con, vỗ vai một cái, khẽ nói: “Về nhà thôi con!”.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao tôi có thể bình thản đến vậy. Ngay hôm sau, báo chí, thầy cô và cả dân cư mạng đều dậy sóng với độ đánh đố của đề thi. Chị Tư hàng xóm cũng thắc mắc: “Chuyện vậy sao thầy Hai lại cứ bình thường?”. Tôi cười: “Bà nghĩ mình làm được gì cho một thế hệ?”. Chị Tư im lặng rồi nhỏ lời: “Ờ hén, giờ cũng xong rồi!”.

***

Con tôi bị dị tật bẩm sinh nặng còn tôi là người cha luôn bên con từ nhỏ tới lớn. Không phải chỉ đi đứng khó khăn, cả đôi tay con cũng vận động yếu ớt. 18 năm nhìn con kiên định vượt khó, vượt nỗi mặc cảm, vượt bao sự dè bỉu kỳ thị của người đời, cất luôn cả những mong muốn chạy nhảy vui đùa trong giờ ra chơi của con trẻ…, tôi luôn đi cùng cảm xúc của con, thấu cảm cùng con trước những mong ước giản dị như được đi lại, cử động vững chãi, mạnh mẽ như bao người khác.

Dù con được học theo chương trình hòa nhập và được miễn thi tốt nghiệp, nhưng từ khi mới vào lớp Mười, con vẫn luôn muốn học như một học sinh bình thường và chọn đối diện với kỳ thi cuối cấp. Việc khước từ chế độ học tập ưu tiên cho người khuyết tật cũng là một minh chứng rõ ràng cho thấy con luôn ý thức về tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, muốn tỏ rõ sự biết ơn và đền đáp bằng chính thành quả học tập.

Tôi cũng lo lắm chứ! Làm cha, làm mẹ, ai không muốn con mình vượt qua kỳ thi này để được học tiếp đại học, để làm việc, để mưu sinh. Nhưng, mỗi ngày đưa con đi học, lên cầu thang, leo bậc thềm để vào lớp, nhìn tay con run run gò từng nét bút, tôi hiểu rằng cuộc sống với con đã luôn là một kỳ thi khó. Thế nên con như vậy là giỏi lắm rồi!

Hôm con vừa thi xong, tôi có chia sẻ các bài báo đưa tin, bình luận về kỳ thi. Con nằm im lướt tin, mắt nhìn trần nhà, khẽ hỏi: “Ba ơi, nếu con rớt thì sao?”.

Tôi đáp: “Thì ta thi lại hoặc học nghề. Con nghĩ đời mình chỉ có một con đường để đi thôi sao?”.

Con cười, kiểu cười nhẹ nhõm của một cậu học trò 18 tuổi suốt ngày ngồi luyện ngoại ngữ, viết văn và vọc máy tính.

***

Tôi là Hai Hiền, một người cha bình thường, có một đứa con đặc biệt. Tôi hy vọng con đậu nhưng nếu rớt, đó vẫn là con tôi. Tôi vẫn kể cho con nghe chuyện hồi tôi còn nhỏ, vẫn cõng con khi cầu thang quá dốc, vẫn luôn ân cần chỉ bảo những điều hay lẽ phải sống trên đời cần biết. Bởi kỳ thi nào rồi cũng qua, điểm số nào rồi cũng thành quá khứ.

Chỉ có tình thương là thứ con cần để bước tiếp. Đề thi khó thì sao? Cũng đã đến lúc tôi muốn con mình hiểu điều quan trọng nhất không phải là điểm số cao chót vót hay một tấm bằng danh giá, mà là sự trưởng thành của con trong tình yêu thương và sự bao dung của gia đình.

Về nhà thôi, con!

Phan Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI