Từ không có việc làm, một nách hai con thơ tới bà chủ của cơ ngơi 20 tỷ đồng

21/09/2016 - 06:30

PNO - Chồng mất khi mới 29 tuổi, một nách hai đứa con thơ, chị Nguyễn Thị Minh Hiền lăn lộn với đủ nghề mưu sinh. Bươn chải hơn 10 năm, chị dần dần gây dựng được cơ nghiệp.

Chồng mất khi mới 29 tuổi, một nách hai đứa con thơ, chị Nguyễn Thị Minh Hiền (56 tuổi, ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) lăn lộn với đủ nghề mưu sinh. Bươn chải hơn 10 năm, chị dần dần gây dựng được cơ nghiệp là đại lý chuyên cung cấp vật liệu xây dựng và cơ khí Minh Hiền ở khu ngã ba Phú Tài, TP. Quy Nhơn với tổng vốn 20 tỷ đồng, 60 nhân viên làm việc.

Nối nghiệp chồng

Đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên lên tới hàng chục, nhưng bà chủ Minh Hiền lúc nào cũng bận rộn. Chị cười: “Mình quen rồi, không nghỉ được; trừ lúc sức khỏe không cho phép, còn thì cứ 24/24 giờ có mặt tại cửa hàng”.

Cưới nhau bảy năm, chồng mất trong một vụ tai nạn, chị không có việc làm, lại một nách nuôi hai con nhỏ, đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất trong cuộc đời chị. “22 tuổi, tôi lấy chồng, khi đó chồng làm nghề thợ hàn khung xe đạp, còn tôi phụ việc với chồng ở cửa tiệm. Cuộc sống thời đó không dư dả gì, đủ để nuôi vợ chồng và hai đứa con thơ. Làm một thời gian, vợ chồng mở một tiệm nhỏ rồi nhận thêm thợ học việc.

Tu khong co viec lam, mot nach hai con tho toi ba chu cua co ngoi 20 ty dong
Bao nhiêu năm, chị Minh Hiền vẫn giữ thói quen làm việc dù đã thành bà chủ của hàng chục nhân viên

"Năm tôi 29 tuổi, chồng mất đột ngột, tôi suy sụp lắm, nhưng vì con nên gắng gượng. Gia tài chồng để lại là cửa tiệm nhỏ với vài thợ phụ chưa ra nghề. Nhìn vào đống ngổn ngang đó, tôi không biết phải làm gì để sống tiếp, chỉ biết nhờ vào những nhân viên còn lại duy trì tiệm. Ngoài ra, tôi bắt đầu đi bỏ mối vật liệu cho các tiệm lân cận", chị Minh Hiền nhớ lại.

Mỗi ngày, chị đạp xe cả chục cây số xuống Quy Nhơn mua vật liệu rồi chở đi bán dạo khắp vùng. Thức dậy từ lúc mờ sáng, chị đi đến tối mịt mới về. Bán được một đồng, chị để dành một đồng. Ba năm bươn chải, chị để dành được một ít vốn, dùng nâng cấp phương tiện, đổi từ xe đạp cà tàng sang chiếc xe máy cũ, tiệm sửa xe vẫn được duy trì. Nhờ vậy mà mấy năm sau, đồng vốn của chị tăng dần lên.

Khi hai con đến tuổi đi học, mẹ chị thay chị chăm sóc các con. Thế nhưng, chị tâm niệm, dù làm gì thì con cái là mối quan tâm hàng đầu. “Trước khi ra khỏi nhà, tôi chuẩn bị sẵn thức ăn cho con; tối đến, việc đầu tiên sau khi ăn uống là kiểm tra sách vở của con sau một ngày đến trường. Từ khi có cửa hàng, tôi thôi rong ruổi, ở nhà vừa bán hàng vừa kèm con học bài. May mắn, cửa hàng của tôi phát triển đều đều, tôi sửa lại được ngôi nhà, mấy mẹ con có chỗ sinh hoạt đủ đầy hơn. Thương mẹ vất vả nên hai con đều chăm ngoan, nỗ lực học tập”, chị Minh Hiền chia sẻ.

Chủ với nhân viên là bạn

Chia sẻ bí quyết kinh doanh, chị Hiền cười: “Nói là bí quyết thì to tát quá, song tôi nghĩ bản thân tôi đi lên từ gian khó, được mọi người tin tưởng, giúp đỡ mới được như hôm nay. Theo tôi, yếu tố hàng đầu trong mua bán là giữ được uy tín với khách hàng. Phải biết cân đối, đặt chữ lý, chữ tình đúng lúc mới giữ được khách hàng. Nhiều lúc tôi phải biết chấp nhận thiệt thòi để giữ bạn hàng dài lâu, đó là điều tôi dạy nhân viên”.

Chọn một nghề kinh doanh không phải dành cho nữ giới, chị xoay xở thế nào để phát triển cửa hàng? Theo chị, đã là nghề thì không phân biệt nam hay nữ, cứ xem như đây là cái duyên. “Có lẽ, tôi được ưu ái khi có quan sát nhạy bén nhu cầu xung quanh cùng với mấy năm kinh nghiệm phụ việc cho chồng nên có biết đôi chút về cơ khí. Thêm nữa, hễ bất cứ ai có nhu cầu mua bán thứ gì, tôi đều ghi lại trong một cuốn sổ.

Thời đó, công nghệ thông tin chưa phổ biến như bây giờ, tôi nhờ đến sự hỗ trợ của tổng đài 1080 tìm tên cơ sở, doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng mà khách hàng muốn mua. Ai đến tiệm tôi hỏi bất cứ mặt hàng nào, tôi đều lưu lại, cái gì mua bán được là tôi làm. Bây giờ, nguồn hàng của tôi thường tập trung ở TP.HCM, Hà Nội và bạn hàng đã có nhiều năm làm việc với nhau”, chị Hiền chia sẻ.

Cư xử thân thiện với nhân viên cũng là một bí quyết kinh doanh của chị. Chị Nguyễn Thị Minh Mận, một nhân viên bán hàng giỏi, gắn bó với chị Minh Hiền hơn 15 năm cho biết: “Chị Hiền không chỉ là một bà chủ giỏi mà còn như một người bạn với nhân viên chúng tôi. Tôi được chị nhận vào làm khi điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, chị là người cầm tay chỉ việc cho tôi mọi thứ trong cửa hàng.

Đến nay, dù rất nhiều nơi mời tôi làm việc với mức lương cao hơn (hiện tại mức lương của chị Mận 11 triệu đồng/tháng) nhưng tôi từ chối. Nơi đây như là một ngôi nhà thứ hai của tôi, không có bà chủ nào thân thiện với nhân viên, tự mình đi chợ mua nguyên liệu về chế biến thức ăn cho nhân viên như chị Hiền. Nhiều nhân viên không có chỗ ở, chị Hiền cũng tận tâm hỗ trợ”.

Càng khó quyết tâm càng cao

Chị Hiền cho biết, khoảng thời gian khó khăn nhất là sau khi chồng mất. “Tôi làm đủ nghề, kể cả những công việc sơn xi độc hại nên con cái tôi bị ảnh hưởng. Thương con, tôi ráng cất ngôi nhà rộng để con có phòng riêng sinh hoạt.

Đồng vốn eo hẹp nên tôi phải vay nóng, vay nguội nhiều nơi rồi lại ráng để trả nợ. Khó khăn là vậy nhưng tôi chưa bao giờ có ý định buông xuôi bởi tôi tâm niệm, nhiều người còn khổ hơn mình. Càng khó, càng khổ thì động lực để tôi vươn lên càng lớn”, chị Hiền nói.

Tu khong co viec lam, mot nach hai con tho toi ba chu cua co ngoi 20 ty dong
Chị Hiền (thứ ba từ trái) hạnh phúc bên con, dâu, rể, cháu (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi hai con vào đại học, chị Hiền có vốn mua thêm mảnh đất để xây dựng cửa hàng bề thế như hiện giờ, còn ngôi nhà cũ được chị sửa sang lại, tiện nghi hơn. Con gái, con trai đều có gia đình riêng, đến nay chị đã lên "chức" bà nội, bà ngoại của năm đứa trẻ.

Chị cười: “Giờ con cái lớn rồi, có cháu rồi, hai con theo công việc mà chúng thích, cửa hàng có dâu, rể phụ việc, như vậy là tôi tạm ổn rồi. Cuộc sống hiện tại của tôi, nói giàu sang thì chẳng phải nhưng tạm khá, gia đình hạnh phúc. Tôi nghĩ đây là những điều may mắn trong cuộc sống của mình. Thật trời chẳng cho ai tất cả mà cũng không lấy đi hết của ai thứ gì”.

Làm mẹ đơn thân, lẻ bóng bao nhiêu năm, chị có buồn tủi, có ý định đi bước nữa? “Thú thật, thời còn trẻ, tôi nặng gánh gia đình nên cũng không nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Tôi thương con, sợ đi bước nữa chưa chắc con tôi được mái ấm đủ đầy. Công việc mưu sinh làm tôi bận rộn tối ngày. Đến giờ, tuổi già đã đến, con cháu trở thành điểm tựa, thành nguồn vui của tôi rồi nên cũng không thấy cô đơn, trống trải”, chị cười, mắt lấp lánh vui.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI