Trưởng thành, là khi thấy ba má mình nhỏ lại...

09/05/2025 - 16:32

PNO - Tôi hẹn chị Loan Trần phải nhiều lần, chị mới thu xếp gặp được. Không phải vì công việc kinh doanh quá bận hoặc thời gian cao điểm, khó khăn, mà chị giải thích, gần đây má chị không được khỏe, thường xuyên ra vào bệnh viện. Chị chuyển sang làm việc ở nhà để tiện bề chăm sóc 2 đấng sinh thành.

Đời người hạnh phúc nào lớn hơn khi còn có ba, có má, để được quan tâm, để được yêu lại
Đời người hạnh phúc nào lớn hơn khi còn có ba, có má, để được quan tâm, để được yêu lại

Từng khởi nghiệp bằng việc phụ một tay với ngành kinh doanh máy móc thiết bị công nghiệp của gia đình, chị Loan Trần dần chuyển sang tự mình nhập khẩu và phân phối các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cho thị trường trong nước, với mong mỏi người người nhà nhà đều có đồ tốt để dùng. Là một doanh nhân năng động luôn theo sát các thay đổi của thị trường, chị đã không ngừng dịch chuyển ngành nghề. Làm gì cũng tận tâm, hết mình, chính là cách chị chinh phục các cột mốc của mình. Hiện chị Loan Trần là chủ nhân của May Station, một địa điểm checkin ấn tượng hướng tới giới trẻ tại khu vực quận Gò Vấp. Mỗi ngày, chị vừa điều hành công việc vừa dành thời gian “coi ngó” ba má.

Bởi nay thì ba má chị đã ngoài 80 rồi, tâm tính ngày càng “trẻ” lại. Ví như khi ba của chị được con mua tặng bộ quần áo mới là vội mang đi thử ngay, đi qua lại trước gương cực kỳ vui vẻ. Cuối tuần chị đưa ba má đi siêu thị, đứng nhìn 2 người lựa rau, lật từng bịch mì, chị bảo, bỗng thấy… ba má mình thật nhỏ xíu. Bởi cứ đi chơi một chút thôi là đòi về nhà liền.

Chị Loan Trần kể, mình là con út trong gia đình. Ba má sinh chị khi anh Cả đã 20 tuổi, anh Ba tròn 13. Má chị nói, chị là một phép lạ, vì quả thật lúc đó, chuyện có thêm một đứa con nhỏ gần như là điều không tưởng trong gia đình. Mọi thứ đang rất yên ổn, bình thường… cho đến khi chị xuất hiện và làm mọi thứ rối ren theo cái cách đáng yêu nhất. Ba chị “chơi lớn” bằng cách thuê hẳn chiếc xe lam đậu trước nhà, sẵn sàng đưa má chị đi sinh. Ở một vùng kinh tế mới, thời điểm đó, chuyện này là oách vô cùng. Anh Ba của chị thì kể rằng, anh đã dùng đồng tiền đầu tiên kiếm được để mua một con lật đật tặng em gái. Còn ngày đầy tháng của chị, ba má thật sự đã mổ heo đãi cả xóm, y như cái cách người ta mừng một món quà kỳ diệu bất ngờ rơi xuống mái nhà mình…

Gia đình chị Loan Trần bên ba má của mình
Gia đình chị Loan Trần bên ba má của mình

Tất nhiên, cũng có những lời chậc lưỡi sau lưng ba chị: “Ổng già rồi còn có đứa con gái nhỏ, mà nó xấu quá chừng!”. Ừ xấu thì xấu, chứ Loan Trần là “bé cưng quốc dân” của cả nhà đó nghen. Kể tới đây, chị Loan Trần bật cười, chia sẻ thêm: Tôi lớn lên với một tuổi thơ bình yên, đủ đầy tiếng cười, và một giai đoạn niên thiếu dữ dội, đầy cá tính, đúng chất út mà không hề út ít. Bây giờ nhìn lại, chị muốn cảm ơn phép lạ ấy đã đem chị đến bên ba má và gia đình của mình. Chị biết ơn hành trình sum vầy ấy, nơi bản thân luôn được yêu thương, luôn được nhớ đến bằng những câu chuyện nghe hoài không chán của cả nhà. Chị cảm thấy bản thân may mắn vì luôn có chỗ dựa là chồng con ủng hộ, các anh trai chung tay, kề cận.

Hồi tưởng lại, chị Loan Trần nói: “Khi có con, tôi mới hiểu mình còn quá nhiều điều để học. Con là người thầy đầu tiên dạy tôi kiên nhẫn: Kiên nhẫn lắng nghe từng lời con bi bô, từng tiếng khóc cười, từng bước chân chập chững đầu đời. Con quấy khóc, nũng nịu… không phải để làm phiền, mà chỉ là cách con mong được chú ý, muốn được cha mẹ nhìn mình lâu hơn một chút, ôm mình chặt hơn một chút.

Rồi một ngày, chị chợt nhận ra, nhà có thêm “em bé” - chính là ba mẹ mình. Ba, má bắt đầu “làm nũng” bằng những câu hỏi tưởng chừng nhỏ nhặt:

- Con đi đâu vậy?

- Khi nào con về?

- Có ăn uống gì chưa đó?

Những khoảnh khắc ấy, chị lặng lẽ nhận ra, ba má giờ đang cần mình như mình từng cần ba má. Ánh mắt ngóng trông của ba má mỗi lần chị bước ra khỏi cửa, mỗi lần điện thoại reo lên, cũng hệt như ánh mắt con thơ trông ngóng ba mẹ sau giờ tan làm. Chị bắt đầu quan sát những “em bé” quanh mình… lớn lên, rồi nhỏ lại. Và chị dần học cách yêu thương theo một kiểu khác: Không kiểm soát, không đòi hỏi, không trách móc, chỉ là yêu thương, bình lặng và kiên nhẫn. Điều quan trọng nhất, chính là lòng biết ơn luôn ngập tràn.

Chị Loan Trần (ngoài cùng bên phải) và 2 tình yêu “to bự” của mình
Chị Loan Trần (ngoài cùng bên phải) và 2 tình yêu “to bự” của mình

Ôi, hai “em bé” của tôi! Thương gì đâu cho hết. Chỉ mong còn nhiều ngày cuối tuần như vậy, để tôi có thể dắt tay hai “em nhỏ” ấy đi lòng vòng mãi thôi.

Vì đời người hạnh phúc nào lớn hơn khi còn có ba, có má, để được quan tâm, để được yêu lại. Chị biết mình vẫn đang loay hoay học cách làm con, làm cha mẹ, làm người trưởng thành, và mỗi ngày tập bao dung với người, và với chính mình nhiều hơn.

Và chị tin rằng, mình chắc chắn sẽ làm được.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 096618272

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI