Tôi phải sống tốt vì con

04/05/2023 - 20:08

PNO - Thỉnh thoảng tôi vẫn sợ hãi nhớ lại những đêm ghì chặt con vào ngực, đầu óc rối tung vì căng thẳng, trầm cảm...

Hôm vừa rồi,  lên mạng đọc tin Hai bé gái 3 tuổi tử vong trong tình trạng sùi bọt mép khi mẹ bỏ đi để lại thư, lòng tôi thắt lại. Tôi gặp tôi đâu đó trong hoàn cảnh của người mẹ bị trầm cảm kia, chỉ khác là tôi kịp bừng tỉnh trước khi làm điều dại dột.

Trầm cảm sau sinh là biểu hiện đáng thương của phụ nữ(ảnh minh họa)
Trầm cảm sau sinh là biểu hiện đáng thương của phụ nữ (Ảnh minh họa)

Trong cao điểm của cơn trầm cảm sau sinh, tôi từng ôm con đi trên cầu và nghĩ “chỉ cần ùm một cái , tôi và con sẽ được giải thoát. Người thân có thể khóc lóc, nhưng sẽ dần quên”.

Khi tôi bước một chân lên thành cầu thì đứa con trai bé nhỏ trong tay khóc ré lên. Không biết vì đói hay vì con linh cảm được điều gì sắp đến. Bầu sữa tôi tự nhiên căng tức, tôi nhìn xuống trấn an con thì gặp đôi mắt mở to như năn nỉ:  “Mẹ ơi, con không muốn chết”.

Ánh mắt ấy, tiếng khóc ấy không biết có thần lực gì mà khiến tôi rùng mình. Tôi bắt đầu có cảm giác sợ, không hiểu chuyện gì đang diễn ra...

Những ngày tháng ấy đã trôi qua 13 năm, cuộc sống của tôi giờ đã tốt, nhưng  thỉnh thoảng nhớ tới tôi vẫn sợ. Không chỉ 1 lần trên cầu hôm ấy mà còn có những đêm, tôi đã ôm con ghì chặt con vào ngực mình để vĩnh viễn không muốn nhìn thấy con. Nhưng lạ thay, vẫn là tiếng khóc ấy, tiếng khóc như van xin, như nấc nghẹn lại làm tôi bừng tỉnh để rồi hôn hít vào tay, vào chân, vào má con mà thì thầm: “Xin lỗi con, mẹ sai rồi”.

Tôi từng dày vò bản thân với vô vàn câu hỏi “vì sao mày độc ác”, “con người vui vẻ chan hòa lạc quan của mày đâu rồi”, “mày trút nỗi oán hận với ai lên con trai mày thế”… Đầu óc tôi cứ quay cuồng trong sự mệt mỏi và túng thiếu.

Túng thiếu vì đồng lương công chức của vợ chồng trẻ mới chỉ đủ chi tiêu tối thiểu, cứ thêm khoản phát sinh nào là thiếu hụt ngay. Chồng tôi lại thuộc loại "công tử bột", đi làm về chỉ biết chơi game (khoản chơi game này cưới nhau rồi tôi mới biết, vì khi yêu anh ấy ngụy trang rất tài tình).

Nhưng chật vật về vật chất không bằng ngột ngạt về tinh thần. Mẹ chồng tôi lại đối xử với tôi và mẹ ruột của tôi không tốt. Nếu tinh thần khỏe mạnh, tôi có thể hiểu điều đó không quá đặc biệt. Nhưng vì sự trồi sụt hormone sau sinh khiến tôi bất an với mọi điều quanh mình.

Nằm trong phòng nghe 2 mẹ tranh luận về món ăn cho bà đẻ mà gan ruột tôi không yên. Một người nói: “Cần gì kiêng cữ cho lắm, cứ nấu chín là được”, người kia nói lại: “Bụng dạ mẹ nó yếu, sợ cháu bú sữa lại đi ngoài”.

Tôi buộc phải xuống bếp nháy mắt với mẹ ruột, xem như thuận theo ý bà sui. Vì tôi ăn hay không, bà cũng đâu có biết. Bởi trưa và tối mẹ chồng đã bận đi nhảy đầm.

Việc ăn uống với tôi lắm khi trở thành ăn vụng. Những lúc không có mẹ chồng ở nhà, mẹ tôi tranh thủ cho con gái ăn chân giò kho vả, thịt heo kho nghệ, uống lá chè vằng… Nhìn mẹ mình lấm lét nghe tiếng xe máy bà sui, tôi nghẹn ngào thương mẹ.

Tiếp đến là chuyện 2 bà mâu thuẫn trong việc giặt tã, áo, khăn, màn cho cháu. Mẹ anh thì bỏ luôn vào máy giặt, giặt chung với đồ người lớn. Mẹ tôi lại lén giặt đồ cháu riêng bằng tay. Dần dà, tôi thấy mẹ chồng tỏ thái độ ra mặt. Không khí càng nặng nề khi mẹ chồng thể hiện bằng cách gác chân lên ghế khi mẹ tôi ngồi đối diện.

Tôi biết mẹ mình buồn, nỗi buồn bà gửi trong câu hát ru cháu ngoại. Tôi tâm sự với chồng để tìm lối thoát. Nào ngờ anh nói: “Mẹ em cũng kỳ cục. Nói bà nghỉ ngơi mà cứ cặm cụi giặt, nấu, phơi phóng suốt cả ngày. Mẹ nào con nấy, nói gì đâu chịu nghe!”.

Tôi chết lặng sau lời anh nói. Tôi bật khóc. Mẹ anh chẳng biết có nghe hết câu chuyện không mà bước vào: “Đưa vợ mày đi cấp cứu ngay, kẻo nó khóc quá mà chết đấy”. Chồng tôi tiếp lời bà: “Cô tưởng mỗi mình cô biết thương mẹ chắc”.

Không tính 20 ngày mẹ con tôi ở viện, thì thời gian về nhà mới được 1 tuần. Sự chung đụng trong căn nhà cấp 4 khiến cho một sản phụ sinh mổ như tôi ăn nằm không yên. Con quấy khóc suốt đêm là một nhẽ, phần còn lại tôi thấy bất hiếu với người sinh ra mình. 

Tôi nhờ người ở quê điện thoại vào vờ báo tin cha bệnh nặng, cần mẹ trở về. Ngày mẹ ra xe, bà dúi vào tay tôi 2 chỉ vàng rồi đi nhanh chóng quay đi. Tôi biết bà đang cố giấu đi những giọt nước mắt thương con thương cháu.

Tôi ráng từng ngày thoát khỏi bóng ma trầm cảm (ảnh minh họa)
Tôi ráng từng ngày để thoát khỏi bóng ma trầm cảm (Ảnh minh họa)

Chưa hết ở cữ, mẹ chồng đã giao hết việc nhà cho tôi. Tôi bước vào cuộc đời làm mẹ đầy nước mắt và tổn thương. Ban ngày lúc con ngủ tôi tranh thủ nấu nướng giặt giũ, tối đến vừa bế con vừa đánh máy thuê. Nhiều lần thằng bé suýt rơi vì tôi ngủ gật. Cứ thế, tôi làm việc, chăm con và kiếm tiền.

Con người và tính cách cách của tôi dần dần thuộc về bóng đêm. Tôi thích bóng tối, nhưng đêm đến, sự uất hận trong tôi lại trào dâng. Tôi căm ghét những ai làm tổn thương người thân của mình. Tôi nghĩ rằng sẽ phải cho họ đau đớn và ân hận bằng cách mình giải thoát. Tôi nào biết, thù hận suýt cướp đi mạng sống của tôi và giọt máu của mình.

Nhưng bản năng làm mẹ cùng tiếng khóc, nụ cười của con đã thức tỉnh tôi. Từ chỗ muốn thu mình, tôi trở nên bung xõa. Tôi đi tìm người tâm sự. Có người là bạn, có khi là người dưng đi chung một quãng đường. Chẳng biết họ có nghĩ tôi thật thà kiểu dở hơi không, đơn giản tôi muốn giải phóng sự ức chế của mình.

Lâu lâu, tôi đến bệnh viện đứng nhìn vào khoa cấp cứu. Ở đó, tôi tìm thấy sự sống và lằn ranh. Tôi lại lang thang ở gầm cầu để được nhìn một người mẹ điên nuôi con. Tất cả những điều đó cho tôi biết quý trọng mạng sống của mình và cả những người tôi yêu quý.

Sự oán hận căm ghét cũng vì thế vơi đi. Tôi nghĩ nhiều hơn đến “buông bỏ”, “sân si”. Tôi tập cách tha thứ và tập yêu. Người tôi yêu đầu tiên là bản thân mình. Tôi phải sống tốt để con tôi khỏe mạnh và hạnh phúc.

Trâm Anh (Đà Nẵng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI