Thánh thần không cứu được con

16/07/2016 - 06:41

PNO - Người mẹ đơn thân ấy không ngờ sự mông muội của mình đã đẩy con vào chỗ chết. Người mẹ trẻ bị kết tội. Mẹ ruột chị, bà ngoại của đứa trẻ đến tòa thay mặt nạn nhân. Hai mẹ con chị nhìn nhau...

Thanh than khong cuu duoc con
Bị cáo Thảo trước tòa

Người phụ nữ tiều tụy đang đứng trước vành móng ngựa không giây nào ngừng khóc. Khi con bệnh nặng, đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng cuối cùng con vẫn bị rối loạn tâm thần, chị quẫn trí, tuyệt vọng tìm đến tâm linh để mong một phép màu cứu rỗi. Người mẹ đơn thân ấy không ngờ sự mông muội của mình đã đẩy con vào chỗ chết. Người mẹ trẻ bị kết tội. Mẹ ruột chị, bà ngoại của đứa trẻ đến tòa thay mặt nạn nhân. Hai mẹ con chị nhìn nhau, nước mắt cứ lăn dài...

Biến con trai thành "thánh hồi sinh"

Tháng Sáu vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Hành nghề mê tín dị đoan”. Bị cáo chính là Huỳnh Lan Thảo (SN 1974, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng bốn bị cáo khác là bạn bè của bị cáo Thảo, đều bị truy tố về tội “hành nghề mê tín dị đoan”.

Thảo là mẹ đơn thân của cháu Huỳnh Sơn Vỹ (SN 2000). Năm 2012, cháu Vỹ đang học lớp 7 thì phát bệnh trầm cảm, hay la hét, cáu gắt, phải nghỉ học để chữa trị. Tháng 9/2012, bác sĩ chẩn đoán cháu Vỹ bị rối loạn cảm xúc, kèm chứng loạn thần có nguy cơ khởi phát thành chứng tâm thần phân liệt. Sau đó, Vỹ được điều trị và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cùng lúc, Thảo đưa con đi cúng bái ở nhiều chùa chiền, đền miếu để kêu cầu. Thảo còn mua nhiều tượng Phật, tượng thánh về thờ cúng tại nhà.

Vỹ thường xem những đoạn video về các nghi lễ cúng bái trên internet nên yêu cầu mẹ mua các vật dụng để thực hiện nghi lễ. Từ đó, Thảo thông báo cho những người quen, bạn bè của mình biết để đến xem Vỹ làm các lễ cúng. Theo lời Thảo, Vỹ được thánh chọn nhập vào thân xác để hồi sinh.

Thảo đã nhiều lần tổ chức cho con trai làm lễ “thánh hồi sinh” - gọi là sát căn. Sau những lần làm lễ như vậy, Thảo cảm thấy con trai có đỡ bệnh hơn nên tiếp tục thực hiện những nghi lễ này: sau khi tắm xong Vỹ sẽ mặc “áo thánh”, rồi lấy một sợi dây vải kích thước 0,3 x 3m quấn quanh cổ, thít chặt, đưa hai đầu dây cho hai người hai bên. Sau đó, cậu bé ra hiệu cho những người này dùng sức kéo hai đầu sợi dây vải cho đến khi mình ngất xỉu. Tiếp theo, tất cả sẽ tụng niệm cho đến khi Vỹ tỉnh lại. Lúc này “thánh đã nhập”, Vỹ múa may làm những cử chỉ, điệu bộ của “ thánh”, ban phước ban lộc cho những người làm lễ.

Oan nghiệt xảy ra vào đêm 18/2/2015 (giao thừa tết Ất Mùi). Trước đó, Thảo rủ người quen đến nhà để đọc kinh giao thừa và cho biết Vỹ sẽ làm lễ “thánh hồi sinh”, mời mọi người tham dự. Trong lúc hành lễ, sợi dây oan nghiệt quấn cổ quá chặt làm Vỹ ngất lịm. Người mẹ vẫn bình thản yêu cầu mọi người tụng niệm để thánh nhập cho Vỹ tỉnh lại. Tuy nhiên, do dây siết quá chặt khiến cậu bé mãi mãi không thể tỉnh lại.

Con trai chết, Thảo tìm đến cơ sở mai táng để tổ chức tang lễ cho con nhưng cơ sở này yêu cầu gia đình phải có giấy báo tử và các giấy tờ liên quan thì mới nhận làm dịch vụ. Thảo cùng một số người trong gia đình đến UBND P.9, Q.5 trình báo. Thấy lời khai của Thảo có nghi vấn, chính quyền địa phương tiến hành xác minh và phát hiện người mẹ mê tín dị đoan này đã gián tiếp giết chết con mình.

Mơ tưởng một phép màu cho con

Tại tòa, khi vị chủ tọa hỏi: “Là một người mẹ, sao bị cáo lại có thể để cho bốn người to lớn khỏe mạnh như thế dùng sức kéo sợi dây siết cổ con mình đến chết?”. Thảo trả lời: “Bị cáo từng thỉnh rất nhiều vị thần, tượng về thờ cúng, hy vọng con khỏi bệnh. Trong một lần có cơ duyên, Vỹ được “thánh” chọn làm chú tiểu để nhập hồn. Từ đó, bị cáo làm theo ý “chú tiểu”, tu sửa căn hộ thành một cái am để chú tiểu tu tại gia. Sau khi được “thánh” chọn mượn xác để giảng đạo, bệnh tình của Vỹ hết dần. Những lần trước, “thánh” bị kéo ngã quỵ rồi sẽ tự phục sinh. Làm nghi lễ này là nhằm giúp Vỹ khỏi bệnh chứ không phải để con trai bị cáo chết”.

- Bị cáo cho tòa biết, có khi nào bị cáo thấy con bệnh như một gánh nặng nên hại con để trút bỏ gánh nặng không?

- Dạ, không, không bao giờ!

Người mẹ - bị cáo run lên, nức nở: “Tôi là một người mẹ đơn thân. Với tôi, con trai là nguồn sống duy nhất. Khi biết cháu bị tâm thần khởi phát, tâm trí tôi hoàn toàn bấn loạn, nhất là khi bao nhiêu thuốc thang đều vô hiệu. Tôi tuyệt vọng tìm đến tâm linh. Tôi từng quỳ dưới chân tượng thánh, nguyện dâng hết tuổi trẻ, sức lực, sinh mạng của mình để đổi lấy sự mạnh khỏe cho con. Nhưng, bao nhiêu lời kêu cầu đều không được cứu xét. Trong lúc tuyệt vọng, tôi được biết đến nghi lễ sát căn - mượn xác hồi sinh và nghĩ nếu thánh nhập vào con sẽ ban phước cho con khỏi bệnh, nên đã làm lễ thánh này cho Vỹ. Cháu nó cũng rất thích và sau những lần như vậy, tôi thấy con đỡ bệnh nên nghĩ là mình đã làm đúng”.

- Đó là bị cáo nghĩ như vậy chứ làm sao biết được Vỹ đỡ bệnh hay không. Có bệnh phải kiên trì chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bị cáo có điều kiện thì có thể đưa con ra nước ngoài chữa trị. Nhưng bị cáo lại quá mê muội. Đó không phải là phép màu, chỉ là sự chạy trốn thực tại mà thôi. Hậu quả như hôm nay, bị cáo cảm nhận thế nào về việc mình đã làm?

- Giờ đứa con duy nhất của bị cáo đã chết. Bị cáo rất đau khổ, ước gì mình có thể chết đi. Bị cáo chỉ mong tòa xử nhẹ tội cho những người bạn của bị cáo. Họ cũng chỉ mong điều tốt cho con của bị cáo mà thôi. Bị cáo xin được sớm trở về nhà, để hương khói cho con và chăm sóc mẹ già.

Dưới hàng ghế phía sau, người mẹ già của bị cáo Thảo òa lên nức nở. Vị chủ tọa nhận định, các bị cáo đã quá mông muội, mù quáng gây nên hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục được. Tòa cũng nhận định, đây là vụ án không thể tin là có thật ở giữa thành phố văn minh này.

Nữ luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo xin tòa lượng tình giảm án cho Thảo: “Tôi kính mong chủ tọa đặt mình vào vị thế một người mẹ có con bị bệnh mà soi xét cho bị cáo. Thời gian từ khi cháu Vỹ phát bệnh đến khi xảy ra sự việc rất dài, hơn ba năm. Trong thời gian đó, bị cáo Thảo là người mẹ đơn thân một mình xoay xở lo cho con chữa bệnh nên rất mệt mỏi. Bệnh cháu Vỹ ngày một nặng nên Thảo mất hết hy vọng. Việc tin vào một thế lực thần thánh, một phép màu giúp Vỹ khỏi bệnh, tuy mù quáng nhưng lại xuất phát từ cái tâm của một người mẹ khao khát con mình khỏi bệnh, khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Thêm vào đó, nếu Thảo thờ cúng, lễ lạt một thời gian dài mà chính quyền địa phương, tổ dân phố cũng không biết, không can thiệp gì nên không có ai nhắc nhở hay thức tỉnh Thảo”. Luật sư cũng nói thêm, Thảo là lao động chính trong gia đình, con đã mất, mẹ già mất sức lao động nên xin HĐXX xem xét cho Thảo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Xem xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX tuyên phạt Thảo ba năm tù về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”. Các bị cáo khác bị phạt từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù, cho hưởng án treo.

Lời cảnh tỉnh

Một kết cục đau lòng khi đứa con vĩnh viễn ra đi, người mẹ trẻ phải vào tù. Nỗi ám ảnh của những người dự khán là nỗi đau của người mẹ muốn cứu con nhưng lại đẩy con vào chỗ chết. Bản án lương tâm mới thật sự nặng nề và chắc chắn sẽ đeo bám Thảo suốt phần đời còn lại.

Ai từng đọc cuốn Đưa con trở lại thiên đường của người mẹ - tác giả Phương Nga về hành trình cứu con mình ra khỏi địa ngục của bệnh tự kỷ hẳn không quên những dòng này: “Chúng tôi cay đắng đối diện với thực tại. Từ ngày đó, chúng tôi đã phải ôm con hoảng hốt chạy trong ngõ tối. Cứ mỗi tia sáng lóe lên, đó đều là hy vọng, là cứu cánh”. Có lẽ đó là tâm lý chung của tất cả những người mẹ không may có con mắc bệnh hiểm nghèo. Với nghị lực phi thường, niềm tin con sẽ khỏi bệnh nhờ vào sự tiến bộ của ngành y và liệu trình khoa học đúng đắn, người mẹ này đã cứu được con.

Còn chị Thảo, người mẹ đồng cảnh ngộ trong câu chuyện này thì không được như vậy. Vất vả hơn, chị chỉ có một thân một mình lo cho con. Tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ và sự khao khát một phép màu không đủ để chị cứu được con và cứu chính mình. Thay vì kiên trì chữa trị theo chỉ định của bác sĩ, chị lại tin vào tâm linh. Niềm tin cũng là một phép màu, nhưng đặt niềm tin không đúng chỗ thì hóa thành tai họa.

Những người mẹ đang ôm con chạy trong ngõ tối, xin hãy vững lòng, hãy luôn tỉnh táo trước sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Hãy sáng suốt để tìm cách cứu con. Đừng mê lầm như người mẹ trên, để rồi thương con quá hóa hại con, hối hận thì đã muộn màng.

Huyền Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI