Quậy thoải mái đi con!

18/12/2017 - 09:17

PNO - Nhìn lại mình, vợ chồng tôi đã bỏ mất cơ hội cổ vũ tính hiếu kỳ của con trai. Giờ con đã lớn, dường như không còn hứng thú khám phá, tìm tòi.

Vợ chồng nhà hàng xóm có cậu con trai. Khi ông bố đi làm là lúc cậu con thừa cơ lẻn đi chơi. Thằng bé hiếu động, chạy nhảy khắp nơi, chừng hơn năm phút là mình mẩy đã ướt như tắm, mẹ phải lôi cổ vào nhà, tét vào mông. Ấy vậy mà, mỗi lần mẹ mở cửa trò chuyện với ai đó thì cậu con lại biến mất. Hình như khi một đứa trẻ hiếu động bị nhốt, nó luôn biết tận dụng cơ hội để giải tỏa, dù có bị đòn.

Quay thoai mai di con!
Ảnh minh họa

Nhưng bố cậu thì khác. Có vẻ như “đàn ông” hiểu nhau hơn - bố sẵn sàng cho cậu con ra ngoài khi cậu thích. Nhà ở ngoại thành, phía trước có nhiều khoảnh đất trống đầy cây cỏ mà cậu bé chơi hoài không chán.

Bố cậu bảo, dù mê đồ chơi công nghệ đến mấy, thế giới tự nhiên vẫn có sức hút mãnh liệt với con trai mình, nên anh nhất định mở toang cổng để con chạm vào thiên nhiên bao la, dù con có chạy nhảy lấm lem hay té ngã. Con té, anh mặc kệ, vì biết con sẽ tự đứng lên rồi chạy tiếp, để rồi sau đó, con bắt đầu “tra tấn” anh bằng những câu hỏi mà có khi… ông trời cũng không trả lời nổi.

Mỗi khi trả lời con, anh hay chèn thêm tình tiết để làm phong phú câu chuyện, gây sự tò mò, tưởng tượng cho con. Với những câu hỏi khó, cần sự giải thích tỉ mỉ, anh hẹn con sẽ trả lời sau, bởi một đứa trẻ chịu hỏi, hẳn là đứa thích tìm tòi và sẽ không hài lòng với những lời đáp quá đơn giản.

Anh bảo, những hành động mà người lớn cho là nghịch ngợm, thật ra trẻ đều “có ý” cả. Tôi hiểu, anh không hề là người bố chỉ biết chiều chuộng con. Nếu người mẹ chọn cách đét vào mông và đóng sập cổng cho con khỏi làm phiền thì bố cậu đã mở cho bé lối vào đời, tích lũy tri thức.

Mua cho con những món đồ lắp ráp là cách anh khơi gợi sáng tạo nơi con. Cho con tiếp xúc đồ chơi công nghệ, anh cũng dành thời gian chơi chung chứ không “khoán” con cho những món đồ ấy.

Nhìn lại mình, vợ chồng tôi đã bỏ mất cơ hội cổ vũ tính hiếu kỳ của con trai. Giờ con đã lớn, dường như không còn hứng thú khám phá, tìm tòi. Chẳng biết con có từng nghĩ rằng cha mẹ ích kỷ, không hiểu con, hay cha mẹ thật đáng ghét không nhỉ?

Tôi cũng từng bày biện đồ chơi cho con, nhưng chỉ là để không bị con quấy rầy. Tôi cũng từng trả lời rất tệ: “Nhiều chuyện, đứa nào mẹ chẳng thương”, khi con hỏi chắc mẹ thương em hơn con. Thay vì giải thích từ tốn để con hiểu rằng cha mẹ luôn dành cho các con tình yêu vô bờ bến, đồng đều, tôi đã thiếu nhạy cảm, thậm chí thiếu hiểu biết trong câu trả lời đó.

Nhìn cách anh hàng xóm dạy con, tôi hiểu ra rằng hiếu kỳ là bản tính của trẻ. Bồi bổ tính hiếu kỳ, kích thích sự sáng tạo sẽ có lợi cho con. Nếu ta quát mắng, cho rằng lớn dần con sẽ hiểu, hay sợ con té đau, dơ bẩn… sẽ gây cụt hứng, làm mất cơ hội tư duy của con. Trong khi đó, không phải đứa trẻ nào cũng có tính hiếu kỳ.

 Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI