Phép thử đàn ông sau ly hôn

05/10/2020 - 11:42

PNO - Có câu nói: “Bộ mặt thật của đàn bà là sau khi họ tẩy trang. Bộ mặt thật của đàn ông là sau khi họ ly hôn”. Thoạt nghe có vẻ buồn cười, nhưng với bao người đàn bà mỏi mòn đi đòi tiền phụ cấp nuôi con từ chồng cũ, câu ấy đúng.

“Thời nào rồi mà vẫn phải xin cấp dưỡng nuôi con”

Câu này do một người phụ nữ thốt ra khi tôi mang câu chuyện đòi cấp dưỡng ra hỏi ý kiến mọi người. Chị bảo rằng, những tưởng bây giờ, những người đàn ông bỏ vợ, họ thừa biết vật giá thị trường để nuôi một đứa bé khác xa với luật quy định.

Vậy nên, họ cứ ung dung chuyển tiền cho vợ nuôi con thôi, căn cứ vào luật làm chi cho mệt. Quả là như thế, với nhiều người, họ nghĩ đơn giản là ngày xa xưa, chứ bây giờ ai “quỵt” tiền nuôi con được. Vậy mà vẫn cứ “quỵt”.

Trong cuốn tự truyện đã xuất bản của một nữ nhà báo kể về hành trình nuôi con của mình sau ly hôn. Chồng chị - trưởng ban của một tờ báo - nhất quyết không chịu chuyển tiền nuôi con đúng hạn. Vì sự sống còn của hai đứa nhỏ, chị dẹp hết sĩ diện đến tận cơ quan chồng để đòi anh thực thi quyền trợ cấp nuôi con.

Với chị, đó chính là bước đường cùng. Ly hôn khi đang thất nghiệp, vật vã mãi với những việc chân tay để kiếm tiền nuôi hai đứa nhỏ đang đi học. Chị đau đớn biết bao khi nhận ra chồng mình quá đỗi bạc tình.

Chiếc xe máy chị đang đi cũng mang tặng bồ nhí. Cả tết cũng nói dối vợ con để về quê cô nhân tình đóng trọn vai một anh rể quý. Và chỉ cần quay lưng đi vài tháng, con cái sống chết đói khổ thế nào đã không còn trong bộ nhớ của anh. Mà với một người phụ nữ, sự sống của con cái là lẽ sống còn của mình. Nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, chị đi đòi nợ nuôi con. 

Không hiếm những người cha sau ly hôn là quên mất con. Ảnh minh họa
Không hiếm những người cha sau ly hôn là "quên mất con". Ảnh minh họa

Trong một nhóm kín trên Facebook, từng có một diễn đàn đề tài làm sao để bắt buộc chồng cũ thực thi trách nhiệm của mình? Mỗi phụ nữ sau ly hôn là một câu chuyện khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là “bó tay” trong việc đòi tiền nuôi con từ chồng cũ, nhất là khi anh ta đã có một gia đình mới. Nhiều trách nhiệm mới khiến họ dường như quên mất mình đã từng có những đứa con.

Chị Thu Trần hiện đang điều hành một công ty dịch vụ đưa đón khách du lịch. Mùa COVID-19 vừa qua, mấy mẹ con chị “ngoi ngóp” sống, vì ngành du lịch gần như đóng băng. Nhưng, chị chẳng biết “đòi nợ” chồng thế nào. Vì từ khi ly hôn đến giờ, chị xem chồng như đã chết.

Vì rất lạ là sao “ổng lại chẳng nhớ con” - chưa một lần đến thăm, chưa một cuộc gọi thăm hỏi. Mấy đứa nhỏ thời gian đầu nhớ ba đòi đi thăm mãi, chị cứng lòng xem phản ứng chồng thế nào, nhưng anh vẫn bặt tăm. Các con dần dà thấy không có ba chẳng sao, nên cũng nguôi nhớ.

“Sao chị không kiện lên tòa đòi hả chị?” - nhiều người hỏi chị câu đó. Nhưng chị nghĩ, nếu người ta thật lòng nghĩ đến con, thì cần gì kiện. Mọi thứ phải xuất phát từ lòng yêu con, mong muốn con có một cuộc sống đủ đầy, bản thân người đàn ông phải biết rằng, tình yêu vợ chồng có thể ngừng, nhưng tình yêu con là mãi mãi.

Thế nên tại sao phải để người phụ nữ chạy theo nằn nì một số tiền cỏn con gọi là phụ nuôi con. Những đứa con chung không bao giờ cần “ăn mày” tình thương cả.

“Ly hôn, tòa xử chồng cấp dưỡng cho con trai 1,5 triệu/tháng”, Ly mở đầu câu chuyện của mình với nụ cười giòn tan. Dường như việc không cấp dưỡng của chồng chính là động lực cho Ly có ngày hôm nay, có nhà cao cửa rộng.

Vì mọi ấm ức dồn lên não, nên cô đã “cố gắng 200% sức lực của mình”. Lúc công việc khó khăn, Ly gọi điện đòi tiền chồng nuôi con. Chồng cô lạnh nhạt: “Đưa tiền cho cô nuôi trai thì sao?”.

Hai hàng nước mắt lăn dài, chả nhẽ mình tệ đến mức không kiếm đủ tiền mua sữa cho con? Những thương tổn tinh thần đã đeo bám cô đến tận giờ, khi cậu con trai giờ đã vào lớp Sáu. Những ngày tháng ấy, Ly đã nghĩ đến chuyện ôm con tự tử. Sự căng thẳng của cô khiến cậu bé trầm cảm phải điều trị một thời gian dài. Nhưng cô bảo: “Ức một điều, Facebook của chồng cũ tràn ngập những hình ảnh đi du lịch cùng người yêu và con riêng của cô ấy. Trong khi con mình thì không hề đoái hoài đến”. 

Pháp luật “chào thua” ý thức người cha?

Một anh bác sĩ của một bệnh viện lớn, lúc ra tòa ly hôn đã tuyên bố để lại hết tài sản cho vợ, bao gồm nhà, căn hộ đang cho thuê và chiếc ô tô đang đi. Câu chuyện được bạn bè trong giới truyền tai nhau, vui nhất là chuyện cô người yêu té ngang bất tỉnh khi biết người đàn ông ấy đã ra đi với hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Nhưng anh chỉ muốn con cái ổn định, không bị xáo trộn bất cứ việc gì, vẫn nhà đó xe đó, chỉ là ít gặp ba thôi. 

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Lệ Hằng: “Việc truy đòi tiền cấp dưỡng sau ly hôn theo luật thì phải nhờ đến thi hành án. Căn cứ vào bản án của tòa xử ly hôn, thi hành án sẽ có những biện pháp yêu cầu người cấp dưỡng thực hiện. Thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản do người thứ ba nắm giữ. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không tự giác thực hiện còn có thể bị phạt hành chính về hành vi không chấp hành án theo điểm a khoản 3 điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng…”.

Nhưng theo chị, mọi việc vẫn nằm ở ý thức của người đàn ông, dù pháp lý vẫn bảo vệ phụ nữ, thì đâu đó vẫn có những người đàn bà vác đơn kiện chồng cũ chỉ để đòi cấp dưỡng. Họ quên cả sĩ diện để lấy những đồng tiền đương nhiên là của con họ.

Vậy thì rốt cuộc, có gửi tiền nuôi con hay không, lại do người đàn ông quyết định. Chính những người phụ nữ trong cuộc đôi khi cũng phải cảm thán thốt lên: “Anh ấy vì một chút tiền nhỏ nhoi mà dám vi phạm pháp luật” - thôi thì cố gắng làm chi nữa? Vì vậy nhiều phụ nữ sau khi ly hôn, chật vật một thời gian, dường như được tiếp thêm sức mạnh, sẽ bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Hoàng Linh - chuyên viên tư vấn bảo hiểm - là một trường hợp như thế. Nội trợ nhiều năm, lúc ly hôn tay trắng, trong lúc bế tắc đến tuyệt vọng thì Linh được người bạn giới thiệu đi bán bảo hiểm. Linh quyết định lao vào làm và thành công hơn mong đợi. 

Những Linh, Ly… hay rất nhiều phụ nữ sống tốt sau những ngày điên cuồng chờ tiền cấp dưỡng của chồng, đã chứng minh một sự thật rằng: khi đàn ông không còn là “bạn đường” theo mọi nghĩa, sự tuyệt vọng đôi khi khiến phụ nữ mạnh mẽ hơn. Và “cô đơn” không hẳn là thiệt thòi. 

Lan Khôi

Pháp luật quy định cụ thể về việc cấp dưỡng, nhưng đa phần đàn ông vẫn “ngó lơ” - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Pháp luật quy định cụ thể về việc cấp dưỡng, nhưng đa phần đàn ông vẫn “ngó lơ” - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại khoản 1 điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn theo quy định tại chương VII Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, theo đó:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Điều 117. Phương thức cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng, thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI