Ở nhà chồng nuôi, sao lại… chán?

10/11/2021 - 05:59

PNO - Suốt 20 năm nay, trên phố Tokyo, Nhật Bản, có một cặp đôi tay trong tay hạnh phúc dạo bước bên nhau. Người đàn ông âu yếm nhìn người phụ nữ khi giới thiệu với người quen: “Vợ tôi, cô ấy là người Việt Nam”.

Bị… sét đánh

Nhắc lại câu chuyện ngày đó, anh Motohashi vẫn còn nhớ rõ. Cách đây 20 năm, trong một buổi gặp gỡ bạn bè tại nhà một người quen, Motohashi không thể rời mắt khỏi một cô gái lạ. Nhìn trang phục, anh biết cô không phải người Nhật, nhưng lại nói tiếng Nhật lưu loát. 

Tim anh càng rung rinh khi biết cô đến từ Việt Nam.

 

Cô tên Nguyễn Kim Liên. Xinh xắn, sắc sảo nhưng cư xử dịu dàng, cô gái đất Hải Phòng đã làm chàng trai Nhật… đứng hình. Cô có niềm đam mê tìm hiểu văn hóa Nhật. Cô yêu thích phong cảnh thiên nhiên Nhật. Khi học xong chương trình cơ bản tiếng Nhật tại Việt Nam, cô sang Nhật để tiếp tục niềm đam mê khám phá ngôn ngữ và phong cách Nhật.

Khi gặp anh Motohashi, ngay lần đầu trò chuyện với anh, cô cũng bị hút hồn bởi vẻ ngoại hình rất đàn ông Nhật của anh. Điều thú vị là anh cũng hiểu biết khá nhiều về dân tộc Việt Nam, biết con gái Việt Nam rất đảm đang và rất… anh hùng.

Như đã gặp nhau từ “muôn kiếp nào”, hai tâm hồn Nhật - Việt trở nên đồng điệu qua những lần hẹn hò, và rồi họ đều cảm thấy “không thể sống thiếu nhau”. 

Chinh phục mẹ chồng

Tuy nhiên, mẹ anh là người trân trọng giá trị Nhật Bản. Là phụ nữ chuẩn Nhật, tốt bụng, đôn hậu nhưng bà e ngại hai nền văn hóa khác nhau sẽ khó hòa hợp. Chỉ có Motohashi là con duy nhất, vì vậy bà rất quan tâm đến hạnh phúc của con trai. 

Theo tìm hiểu của bà, ở Nhật cũng có nhiều cô dâu Việt. Ban đầu không ít cặp đôi rất hạnh phúc nhưng về sau, mâu thuẫn xung đột trong lối sống, cách nghĩ càng phát sinh dẫn đến chia tay. Hơn nữa, người Nhật không thích con trai lấy vợ là người nước ngoài. Bố Motohashi dễ tính hơn vì ông đọc nhiều sách báo nói về Việt Nam, về chiến tranh và con người, về văn hóa… nên ông thông cảm cho tình yêu của con trai. 

 

Motohashi hiểu cô gái anh yêu. Anh biết lòng tự trọng của người con gái Việt Nam rất cao. Sợ cô buồn, anh tạm giấu cô việc mẹ anh phản đối mối tình Nhật - Việt. Đối với anh, đây là một thử thách lớn của tình yêu. Anh lại càng yêu cô hơn và quyết liệt tìm giải pháp. 

Chàng trai Nhật Bản hiếu thảo lắng nghe mẹ nói, biết mong muốn của mẹ xuất phát từ tình thương con. Anh không cãi lời, không nói mẹ sai. Nhưng anh cũng nhẹ nhàng nói với mẹ chính kiến của người đàn ông đã trưởng thành, cho bà biết sự lựa chọn bạn đời của anh dựa trên sự hiểu biết, chín chắn, không hề viển vông. Người mẹ dần nhận ra trái tim cậu con trai đã yêu thật sự. 

Vào một ngày nắng đẹp, anh tự tin dẫn người con gái Việt ra mắt bố mẹ. Bằng kinh nghiệm “nhìn người”, sau khi quan sát, trò chuyện với cô gái Việt Nam, mẹ anh đã nhìn thấy một cô gái sẽ hết lòng với con trai mình. Ông bà đồng ý và tác thành nhân duyên của đôi trẻ. 

Nhập gia tùy tục

Sau một năm yêu nhau và tiếp tục tìm hiểu, cặp đôi tổ chức đám cưới. Người Nhật không sống chung với con cái. Đôi vợ chồng trẻ ở riêng. Theo truyền thống, đàn ông Nhật đi làm nuôi cả gia đình. Phụ nữ ở nhà nội trợ, chăm sóc tổ ấm. 

Cô Kim Liên, có tên Nhật là Mikiko, nỗ lực học hỏi rất nhiều về phong tục, phong cách Nhật để thích ứng với cuộc sống của người Nhật. Người vợ ở nhà vén khéo “xây tổ” để ông chồng yên tâm ra ngoài làm việc, nhưng quan trọng là ở nhà, người vợ cũng phải cảm thấy thoải mái thì hôn nhân mới bền vững. 

Những ngày đầu ở nhà, cô dâu Việt chưa biết nấu món Nhật. Biết thế, mẹ chồng hay nấu sẵn, rồi gọi con dâu sang mang về. Mikiko cảm động nhưng cô không ỷ lại, cô mạnh dạn sang phụ bếp với mẹ chồng để học nấu ăn. Trong căn bếp ấm cúng đó, cô còn học được cả cách ứng xử, nuôi dạy con cái… của phụ nữ Nhật.

Gần gũi với mẹ chồng, cô biết được rất nhiều điều quý giá cần rèn luyện như là “tính tự lập, sạch sẽ, không làm phiền người khác ở nơi công cộng, đúng giờ…”. 

Mikiko nhận ra: “Để được bố mẹ chồng yêu quý, con dâu Việt cứ sống thật, trân trọng và yêu quý họ. Người Nhật rất tinh tế. Có điều gì mình không biết, họ sẵn lòng chỉ bảo. Đối với con cái, một năm có bốn ngày không được lơ là, đó là: ngày của cha, ngày của mẹ, ngày sinh nhật bố chồng và ngày sinh nhật mẹ chồng”.

Vào những ngày quan trọng này, Mikiko và ông xã luôn có mặt tại nhà bố mẹ với hoa và chai Whisky, vì mẹ chồng thích hoa, bố chồng thích rượu. Cả nhà cùng ăn cơm là đủ vui. 

Thời gian trôi qua, bà mẹ chồng Nhật càng yêu quý con dâu Việt. Có món gì ngon, bà để phần cho con dâu, rủ con dâu đi mua sắm, bà còn giành trả tiền cho con dâu. Mẹ chồng cũng dạy Mikiko cách chăm sóc sắc đẹp… Mikiko nhận xét: “Người Nhật bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng trái tim nhân hậu, ấm áp… Điển hình là mẹ chồng tôi”. 

Ông chồng Nhật mê cơm Việt vợ nấu 

Motohashi biết vợ xa quê hương, nhớ bố mẹ, người thân, bạn bè. Anh tôn trọng sở thích và ý muốn của chị. Bất cứ khi nào chị nhớ nhà, nhớ quê hương, dù bận công việc nhưng anh luôn cố gắng sắp xếp cùng vợ về Việt Nam. Khi ở quê ngoại, anh vui vẻ và nhiệt tình cùng vợ trong những chuyến viếng thăm họ hàng, chùa chiền, danh lam thắng cảnh, những nơi mà chị muốn đến. 

Tất cả những món vợ nấu, anh đều “tấm tắc khen ngon”, nhất là các món rặt Việt Nam: bún chả, bánh đa, canh cua…

Vào những ngày tết Việt Nam, khi chưa thể thu xếp về quê ngoại, để vợ bớt nhớ nhà, anh thường rủ chị đến thăm nhà các bạn người Việt, đến viếng các chùa Việt Nam tại Nhật. Anh thích nhìn bà xã trò chuyện “ríu rít, rôm rả” với các bạn đồng hương, vợ vui là chồng vui. 

Biết vợ thích chụp ảnh, anh không ngần ngại có mặt cùng vợ trong những tấm hình đầy tình cảm, thể hiện yêu thương (mặc dầu người Nhật thường kín đáo). Mùa hoa anh đào, có hình vợ chồng e ấp dưới tán hoa anh đào. Mùa hoa đằng tử, có hình vợ chồng đang cùng ngắm hoa.

Biết vợ yêu hoa, mùa hoa lan, hoa huệ, hoa bỉ ngạn… anh đều đưa vợ đến thưởng hoa và chụp ảnh. Chính vì vậy, Mikiko thừa nhận “có một người chồng tâm lý và “cực chất”, vợ không hề biết đến phiền muộn, chẳng bao giờ biết cô đơn, cũng chẳng có cơ hội giận hờn, cãi nhau với chồng”.

Mikiko thấu hiểu và thương ông chồng đi làm sớm hôm vất vả, đồng lương chỉ dành cho gia đình nên cô rất chăm lo sức khỏe anh. Cô để tâm vào việc nấu ăn, tạo ra những bữa cơm vừa ngon miệng, đủ dinh dưỡng, lại được trình bày đẹp mắt.

 

Trẻ em Nhật Bản khi đi học được mẹ chuẩn bị hộp cơm đẹp và chất lượng. Mikiko luôn đồng hành cùng những buổi dã ngoại của con, nuôi con theo chuẩn mực của người Nhật. 

Ở nhà, người vợ Nhật như một nhà “thiết kế nội thất” luôn làm căn nhà sáng sạch, thơm tho gọn gàng. Đều đặn suốt 20 năm chung sống, bao giờ ông xã đi làm về, chị Mikiko cũng có mặt ở cửa chào đón chồng bằng nụ cười tươi rói.

Ông xã vào nhà, thay quần áo đã có sẵn bồn nước nóng để anh tắm. Sau bữa cơm tối, vợ chồng cùng đọc báo, xem ti vi, chuyện trò về thời tiết, về công việc, thời sự…

Bạn bè cùng trang lứa của Mikiko có người rất thành đạt, họ hay hỏi cô “ở nhà chồng nuôi, có chán không”. Mikiko cười tươi: “Với tôi, hạnh phúc là được chăm sóc chồng con. Chưa bao giờ tôi thấy chán khi bên cạnh ông chồng biết yêu và biết ơn vợ”. 

Anh Motohashi kết luận: “Có tình yêu là có động cơ và sức mạnh vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc sống. Có tình yêu thì khoảng cách về vị trí, địa lý, văn hóa… sẽ là con số 0”. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI