Nỗi buồn bế giảng

26/05/2016 - 06:46

PNO - Nhiều người nói trẻ con thành thị bây giờ sướng. Tôi thấy ngược lại. Trẻ đầy đủ vật chất, nhưng điều kiện tinh thần thua xa với hồi chúng tôi còn nhỏ.

Đơn cử như chuyện rất nhiều học sinh ở thành phố chẳng hề có lễ khai giảng và bế giảng, thậm chí là chẳng bao giờ được hát quốc ca mỗi sáng thứ Hai.

Sáng đầu tuần, đi làm ngang qua trường trung học T.Q.T. (Q. Tân Bình, TP.HCM) tôi hay thấy cảnh các em học sinh phải đứng chào cờ phía bên ngoài hành lang khu hội trường. Trường nhỏ, không đủ chỗ cho các khối lớp, các em đứng phía ngoài chắc chắn không thấy quốc kỳ, không thấy thầy cô hay các bạn được tuyên dương dưới cờ nên nhiều nhóm vừa chào cờ vừa trêu chọc nhau. Các em này không được lọt vào không gian thiêng liêng của buổi lễ đầu tuần, nhưng cũng còn may mắn khi biết tới một sự kiện của trường mình.

Noi buon be giang
Nhiều phụ huynh thành phố đau đầu với kỳ nghỉ hè của con mình - Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tôi đọc báo thấy thành phố chúng ta có hàng trăm ngôi trường không kiếm đâu ra mảnh sân chung để tổ chức các buổi sinh hoạt. Trẻ tới trường chui ngay vào lớp ngồi như gà công nghiệp, giờ ra chơi cũng chỉ loanh quanh nơi hành lang chật hẹp, nói gì tới việc tập hợp dưới cờ hay khai giảng, bế giảng. Con gái tôi học mẫu giáo tại một trường tư thục ở Q. Tân Bình không hề biết tới cầu tuột, đu quay là gì, vì lớp học vô cùng khiêm tốn do cải tạo từ phòng ngủ mà thành, nói gì tới khu vui chơi hay thể dục, vận động, phơi nắng...

Con trai tôi năm nay học lớp 4, cháu học trường công có sân khá rộng với ba dãy lớp học nằm trên ba mặt tiền đường ở Q.Tân Bình. Nhưng cháu cũng chưa bao giờ được dự một buổi khai giảng hay bế giảng nào. Nhớ năm cháu vào lớp 1, tôi lỡ nói với cháu biết bao ý nghĩa xúc động về buổi khai giảng đầu tiên trong cuộc đời học sinh, về những câu văn nôn nao suốt ký ức học trò như “buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” của Thanh Tịnh. Thế rồi chẳng có buổi mai đẫm sương thu nào để tôi âu yếm nắm tay con bước vào cổng trường cả. Cháu học trước chương trình cả tháng, tới đúng ngày cả nước khai giảng 5/9 thì... ở nhà, bởi thành phần dự lễ khai giảng rất chọn lọc. Không phải học sinh nào cũng “có suất”.

Tới dịp bế giảng cuối năm lớp 1 cũng vậy, các cháu có một buổi tới liên hoan với giáo viên và bạn bè trong lớp, rồi đúng ngày nhà trường tổng kết năm học thì cháu... theo mẹ tới cơ quan, cũng vì không có suất dự. Học lực cháu chỉ ở top giữa nên không có vinh dự này.

Năm nay, con tôi đã quen với nỗi buồn bế giảng, cháu chuẩn bị sẵn tinh thần ở nhà với vài cuốn truyện và xin tôi dùng laptop suốt ngày 27/5, ngày mà cậu bạn thân được tới trường dự lễ bế giảng. “Con quen rồi, không thấy buồn nữa. Con chỉ tò mò không biết cảm giác dự lễ tổng kết có gì hay không thôi”.

Con tôi không buồn, nhưng tôi và các phụ huynh khác rất buồn và tiếc. Cuộc đời học trò, những khoảnh khắc mở ra hay đóng lại một năm học nếu chẳng mảy may gợi chút cảm xúc gì với bọn nhỏ, thì không chỉ khiến chúng thiếu thiết tha với việc học hành hiện tại, mà sau này, trong ký ức của chúng, cũng chỉ có những tiết học dài lê thê chán chường...

Kim Huyền (Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI