Nhà có giỗ, nhưng mà là giỗ ai nhỉ?

09/09/2018 - 09:30

PNO - Cuộc sống bận rộn một phần, một phần thế hệ cháu chắt lớn lên hầu hết sống xa ông bà nên khi có giỗ chạp thường về ăn giỗ chứ không biết giỗ... ai.

Vợ chồng tôi sống riêng. Cha mẹ hai bên đều ở quê nên hầu như tôi không bao giờ làm giỗ mà chỉ phụ chút đỉnh. Đến ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, bên nhà tôi hoặc chồng, nếu trúng ngày lễ hoặc có thể xin nghỉ phép nghỉ, chúng tôi mới về quê. Nếu không thu xếp được thì thôi, cha mẹ hai bên đều thông cảm cho con cháu ở xa và bận rộn, không ai trách cứ gì.

Nha co gio, nhung ma la gio ai nhi?

Ở thành phố, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đi đám giỗ ở nhà bà con hoặc bạn bè, đồng nghiệp. Thủ tục sau khi nhận được lời mời là đúng ngày tháng đó mua trái cây đem đến (sau này thì còn mua rượu, bia), trước là thắp hương bốn lạy ba vái ở bàn thờ trong nhà gia chủ, sau nhập tiệc ăn uống.

Tàn tiệc ra về, thể nào cũng nhận ít trái cây, xôi chè “lại quả” của chủ. Có những đám giỗ năm nào chúng tôi cũng thu xếp đến vì trong năm không có thời gian gặp gỡ, thăm hỏi trực tiếp.

Thành thử, không đợi gia chủ mời, cứ tự động đem hoa quả đến thắp hương cho người đã khuất. Thật tình, thông tin về người quá cố chúng tôi biết rất ít, song cái tình cái nghĩa giữa người sống với nhau bền chặt xem như nhờ người đã khuất gắn kết vậy.

Chuyện giỗ chạp mỗi nhà, mỗi miền mỗi vẻ, tựu trung cũng là để gia đình, con cháu tụ họp về, ăn uống chung với nhau bữa cơm thân tình. Ở quê, giỗ thường làm đủ tiên thường (cúng trước một ngày người chết qua đời) rồi chính kỵ (ngày mất). Ở thành phố hoặc tùy nhà, giỗ tổ chức đúng ngày mất vào trưa hay chiều tối, khi các thành viên trong nhà có thể tập hợp đông đủ nhất.

Nhà có đám giỗ, làm cỗ to hay nhỏ, bếp núc cũng chộn rộn hơn ngày thường. Mâm cúng nhiều món hơn, cầu kỳ hơn. Hoa quả, nhang đèn cũng được tuyển chọn từng chút. Bầy con cháu đứa nào có mặt cũng lên phòng thờ thắp một nén hương.

Có chi tiết này vui mà cũng không vui, một số gia đình chỉ để dành hương nhang sạch thơm con cái mua đem về để thắp dịp giỗ, tết cho nhà ít bị khói, ít bị cay mắt, chứ tiếc không thắp ngày thường. Trong khi con cái mua hương sạch về dùng là để bảo vệ cho sức khỏe cha mẹ trước làn khói độc hại của nhang ngâm tẩm hương liệu, hóa chất.

Tôi luôn chạnh lòng với không khí gia đình nhà có giỗ. Giỗ người mới mất thì thật sự rất buồn. Người đến dự cố gắng tránh nói chuyện về người đã khuất vì người nhà dễ tủi thân, nhớ người quá cố.

Những cái giỗ đã chục năm trở lên thì thường dễ chịu hơn. Sự mất mát đã nguôi ngoai nhiều rồi. Nhưng tôi vẫn thường chạnh lòng vì sự đầm ấm trong gia đình nhà có giỗ vì một lẽ bản thân tôi ở xa gia đình nên ít được hưởng bầu không khí đó.

Chỉ có điều cuộc sống bận rộn một phần, một phần thế hệ cháu chắt lớn lên hầu hết sống xa ông bà nên khi có giỗ chạp thường về ăn giỗ chứ không biết giỗ... ai. Gia đình tề tựu đông đủ đã quý nên cũng chỉ tập trung nấu cỗ, dọn cúng, chờ hương tàn, ăn uống rồi nói chuyện hiện tại, xong là... giải tán.

Ông bà, cha mẹ có muốn cũng không đủ thời gian để nói chuyện về người đã khuất như thế nào trong tâm tưởng của mình. Cho nên mới có chuyện, một cô nhân viên xin nghỉ phép ba ngày về quê đám giỗ, tôi hỏi thăm về giỗ ai thì em ú ớ gãi đầu, gãi tai nói không biết.

Từ khi sống xa nhà, đến ngày tháng này thì cha mẹ nhắc thu xếp về đám giỗ thì em về thôi. Em còn thật thà sau khi nhận đơn đã duyệt cho nghỉ phép từ tôi: 
- Dạ, kỳ này về nhất định em sẽ hỏi cha mẹ giỗ của ai ạ!

Nha co gio, nhung ma la gio ai nhi?
Nhiều đám giỗ ngày nay còn làm tiệc ở nhà hàng theo phong cách tây. Hình minh họa.

Tôi cười: 
- Thật ra, ngày chị còn nhỏ khi đi giỗ chị cũng chẳng biết người được giỗ là ai, tên gì, có quan hệ ra sao với mình hoặc biết rất lờ mờ và cũng không để tâm tìm hiểu. Sau này lớn hơn, chị mới nhận ra, ý nghĩa ngày giỗ không chỉ để thể hiện tình cảm thương nhớ của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với tổ tiên mà còn là dịp để con cháu những thế hệ tiếp nối biết yêu thương, gắn kết gia đình hơn và kế thừa việc tổ chức giỗ chạp theo truyền thống. Đừng quên về đám giỗ thì chuyện phải làm là thắp nén hương thành kính trước bàn thờ và gửi lời khấn nguyện cho gia đình mình. Đừng có chỉ về để ăn thôi nghen em! 

 Ngô Thị Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI