Một buổi chiều tan học, tôi đứng trước cổng một trường THPT ở vùng ngoại thành TP Thủ Đức (TPHCM) chờ đón cháu. Những nhóm học sinh chạy xe máy lướt qua vèo vèo, pha lẫn tiếng cười, tiếng chọc ghẹo và tiếng nhạc mở lớn từ điện thoại phát những đoạn “rap” xập xình. Giữa sự nhộn nhạo ấy, tôi bất chợt nhìn thấy một ánh mắt. Đó là ánh mắt của một nữ sinh lớp Mười, đỏ hoe. Cặp của em rơi xuống đất. Phía sau là một bạn gái khác, lớn hơn, đang quay video bằng điện thoại, giọng chát chúa:
- Đánh đi! Quay cho rõ mặt nha mày!
Tôi định chạy tới can thiệp thì một phụ huynh gần đó đã kịp ra can ngăn. Rất nhanh, video vụ việc đó lan tràn trên TikTok.
 |
Một phiên tòa giả định được tổ chức tại trường học ở TPHCM - Ảnh do tác giả cung cấp |
Bạo lực không làm ta mạnh hơn, mà chỉ khiến trái tim chai sạn
Ngày xưa, bạo lực học đường nghe có vẻ là điều gì đó xa xôi: vài vụ xô xát vì tranh bạn, vì “nhìn đểu”, vì dám trả lời thay thầy cô. Nhưng hôm nay, bạo lực đã có nhiều hình thức hơn. Là những lời nói “tưởng đùa” nhưng làm bạn tổn thương cả tuần. Là nhóm chat của lớp hay một nhóm bạn, nơi một bạn bị đổi tên là “Thằng Gà” suốt cả năm. Là TikTok quay cảnh “dằn mặt bạn mới” rồi gắn hashtag cho ngầu. Là những tin nhắn rủ rê đánh hội đồng một bạn “bơm chuyện với cô giáo”…
Bạn có tin không? Một báo cáo của Bộ GD-ĐT trong năm 2023 cho thấy mỗi tháng, tại Việt Nam có hàng trăm vụ việc bạo lực học đường bị phát hiện, trong đó hơn 60% có yếu tố lăng mạ, đe dọa qua mạng xã hội.
Một vụ án xảy ra tại tỉnh nọ: 3 học sinh lớp Chín đánh hội đồng 1 bạn nữ trong nhà vệ sinh rồi quay video, tung lên mạng. Người đánh, người quay, người cổ vũ đều bị xử lý kỷ luật, thậm chí cha mẹ phải bồi thường dân sự vì con gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho nạn nhân.
Đây không phải là trường hợp cá biệt.
Nếu một ngày bạn biết dừng lại...
Có bao giờ bạn thấy bàn tay mình run lên khi vừa nhắn tin một câu cay nghiệt? Có bao giờ bạn giật mình khi thấy một video mình quay bị chia sẻ khắp nơi nhưng mặt người trong video đang cúi gằm, tổn thương?
Nếu có, đó là lúc bạn đang học được một điều lớn lao: trưởng thành không phải là mạnh mẽ mà là biết dừng lại: Dừng lại trước khi gửi một tin nhắn công kích. Dừng lại khi ai đó bị chọc ghẹo trước mặt mình. Dừng lại khi tay bạn cầm điện thoại nhưng lương tâm đang lên tiếng… Bạn hãy bắt đầu một việc khác: gọi tên người bạn ấy, hỏi thăm bạn ấy, đưa tay ra và… đứng về phía những điều đúng đắn.
Mạng xã hội thực ra không hoàn toàn là thế giới ảo. Những gì chúng ta đăng là thật. Hậu quả chúng ta có thể gây ra là thật. Bạn có thể xây dựng một “thương hiệu học sinh tử tế” bằng cách rất đơn giản: không chia sẻ video đánh nhau, bắt nạt; không gán biệt danh ác ý cho người khác; không tham gia “bóc phốt” để lấy tương tác; không biến chuyện cá nhân thành “drama” công cộng.
Thay vào đó, hãy là người đầu tiên thả tim cho bài viết bạn mình kể chuyện vượt qua nỗi sợ. Hãy là người nhắn tin “Bạn ổn không?” khi thấy ai đó bị công kích. Bạn là học sinh, là người trẻ, bạn có quyền làm mạng xã hội tốt đẹp hơn.
Và tôi mong một ngày không xa, nếu thấy bạn mình nói câu gì đó ác ý với người khác, bạn sẽ là người đầu tiên nói: “Dừng lại đi. Đừng làm vậy!”.
Tin tôi đi. Chỉ một câu đó thôi đã là bước đầu tiên để thế giới này bớt đi một vụ bạo lực, một nỗi đau và một phiên tòa không đáng có. Dừng lại trước bạo lực học đường là bước đi khôn ngoan để tiến gần đến thế giới người trưởng thành. Chúng ta không cần trở thành luật sư. Chỉ cần biết sống tử tế và luôn hành động hợp pháp thì cuộc sống sẽ bình an.
Vài điều nhỏ nhưng sẽ làm bạn lớn lên
Bạn tôi - một giáo viên chủ nhiệm - kể: “Em học sinh lớp Mười một đó hiền như bột nhưng từ khi bị các bạn trêu ghẹo, gọi bằng biệt danh “đầu trứng cút” vì rụng tóc, em trầm cảm, xin nghỉ học 2 tháng”. Sau đó, em chuyển trường và… vẫn không dám nhìn ai. Đôi khi không cần đấm đá để làm ai đau. Chỉ vài dòng status, vài tin nhắn “ném đá giấu tay”, vài tiếng cười cợt đủ biến một người thành nạn nhân. Và đáng buồn hơn, có khi chính chúng ta lại không nhận ra mình đang là thủ phạm.
Là học sinh, chúng ta chưa thể biết hết các quy định của pháp luật nhưng đây là vài nguyên tắc chúng ta nên biết sớm:
- Nói không với ý định hoặc mời mọc, rủ rê để “tác động vật lý” người khác dù mình có “bị chọc trước”, vì phản ứng quá mức cũng có thể thành tội phạm.
- Thật tỉnh táo khi quay phim và đừng vội phát tán hình ảnh bạn học khi chưa được đồng ý. Đây là quyền riêng tư. Luật An ninh mạng và Bộ luật Dân sự bảo vệ điều đó.
- Không lập nhóm nói xấu, cô lập bạn vì đó có thể cấu thành hành vi “làm nhục người khác” hoặc “đe dọa người khác”. Tin nhắn dù đã xóa khỏi điện thoại, cơ quan chức năng vẫn có thể khôi phục và thu thập được để phục vụ công tác điều tra, xét xử.
- Đừng để ai xúi giục bạn “ra tay”, “lên tiếng” bằng cách công kích. Họ không chịu hậu quả thay bạn được đâu.
 |
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trong một buổi sinh hoạt với học sinh về bạo lực học đường sau phiên tòa giả định - Ảnh do tác giả cung cấp |
Trước pháp luật, không thể nói “Em chỉ đùa thôi” Bạn từng nghe “Trẻ vị thành niên thì được tha”. Không đâu! Dưới góc nhìn luật sư, tôi khẳng định: trẻ em từ đủ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh, trong đó có tội cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, tội giết người, tội cướp tài sản... Tôi từng bào chữa trong vụ án, nơi một học sinh lớp Mười dùng tài khoản ảo lập nhóm “bóc phốt” bạn gái cũ. Em bị điều tra vì hành vi xúc phạm danh dự, vu khống. Phụ huynh sốc nặng. Cả gia đình ngồi khóc trong buổi lấy lời khai đầu tiên. Một học sinh khác do mâu thuẫn đã rủ bạn đánh hội đồng bạn cùng lớp dẫn đến thương tích 12%. Em bị truy tố, phải ra tòa dù chưa đủ 18 tuổi. Những câu nói “Em chỉ đăng cho vui”, “Em không biết luật”… đều không giúp bạn miễn trừ trách nhiệm. |
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu