3 bước xử lý khi bị bạo lực học đường

31/03/2025 - 11:46

PNO - Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A hướng dẫn học sinh cách xử lý khi bị bạo lực học đường, bao gồm 3 bước.

Sáng 31/3, tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường cho học sinh và phụ huynh.

Mở đầu câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đặt câu hỏi với toàn thể học sinh: “Làm thế nào các con nhận biết đâu là một vụ bạo lực học đường?”. Tức thì, rất nhiều cánh tay giơ lên.

Nhưng khi tiến sĩ tiếp tục hỏi: “Vậy ai trong số các con nói lại chuyện này với thầy cô?” thì số lượng cánh tay giơ lên chỉ còn lác đác.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo hào hứng tham gia chương trình - Ảnh: Trang Thư
Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo hào hứng tham gia chương trình - Ảnh: Trang Thư

Học sinh cũng đưa ra những hành vi mà theo các em đó là bạo lực học đường, như: bị đánh, giật tóc, bị đè, ngắt tay, kéo áo, “body shaming”, ký đầu, bóp cổ…

Từ đó, bà Tô Nhi A nhận định: “Nhận diện bạo lực học đường không khó, quan trọng là phụ huynh phải kiên nhẫn, tạo tình huống để con nói ra vấn đề của mình hay không”.

Phụ huynh đặt câu hỏi cho các chuyên gia - Ảnh: Trang Thư
Phụ huynh đặt câu hỏi cho các chuyên gia - Ảnh: Trang Thư

Trước thắc mắc của phụ huynh, phải làm sao để theo dõi tâm lý của con mà không khiến con không khó chịu, bà Tô Nhi A lại đặt câu hỏi: “Bao nhiêu bạn ở đây thích nói chuyện với ba mẹ nhưng ba mẹ hay cọc lại với mình?” và rất đông học sinh đã giơ tay.

“Phụ huynh phải thật tâm với hành trình làm ba mẹ, không sa lầy vào chuyện làm kinh tế. Một ngày có 24 tiếng thì ai cũng như ai, ba mẹ phải có tính toán. Ngủ mấy tiếng, làm mấy tiếng và dành cho con bao nhiêu thời gian? Con không cần ba mẹ dành nhiều thời gian, ít thôi nhưng phải đều đặn. Cha mẹ không cần trở thành nhà sư phạm, chỉ cần điềm tĩnh lắng nghe câu chuyện của con, con có thể tự có câu trả lời cho mình” - bà Tô Nhi A nói thêm.

Bà Tô Nhi A chia sẻ kinh nghiệm để ba mẹ quan sát tâm lý cho học sinh - Ảnh: Trang Thư
Bà Tô Nhi A chia sẻ kinh nghiệm để ba mẹ quan sát tâm lý cho học sinh - Ảnh: Trang Thư

Nói về câu chuyện bạo lực học đường trên không gian mạng, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho biết: khác với bạo lực truyền thông, bạo lực trực tuyến có thể xảy ra liên tục và ở bất cứ đâu, rất khó để phát hiện. Thông tin bắt nạt trôi nổi trên mạng là vĩnh viễn và có thể bị “đào đi, đào lại” rất nhiều lần.

Ông khuyên: “Trao cho con quyền sử dụng điện thoại giống như “con dao hai lưỡi”, có thể gây ra tổn thương cho chính con hoặc người khác nếu con không biết sử dụng. Ba mẹ phải quan sát cách con sử dụng điện thoại, con theo dõi các kênh nào, dặn dò con những tình huống cần báo cho người lớn để xử lý. Có rất nhiều trường hợp bạo lực trực tuyến đã trở thành bạo lực trực tiếp”.

Học sinh chia sẻ các vấn đề đang gặp phải với chuyên gia - Ảnh: Trang Thư
Học sinh chia sẻ các vấn đề đang gặp phải với chuyên gia - Ảnh: Trang Thư

Tiến sĩ Tô Nhi A cũng hướng dẫn học sinh cách xử lý khi bị bạo lực, bao gồm 3 bước. Đầu tiên, học sinh phải nhớ mình cần được an toàn càng sớm, càng tốt. Các em có thể bỏ chạy hoặc nhờ người ở gần hỗ trợ, và cuối cùng là tự vệ nếu cần thiết. Sau đó, các em cần chia sẻ với người mình tin cậy để biết lý do vì sao xảy ra câu chuyện này, từ đó tìm cách giải quyết.

Cuối cùng, nếu ba mẹ đã liên hệ xử lý nhưng câu chuyện bạo lực vẫn chưa chấm dứt, các con cần tiếp tục nói để phụ huynh và giáo viên cân nhắc những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Học sinh
Học sinh học cách bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường - Ảnh: Trang Thư

Trong khuôn khổ chương trình, nhóm tác giả cũng ra mắt sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh tiểu học và THCS.

Nhà báo Hoàng Hương - Ban giáo dục Báo Tuổi Trẻ, là 1 trong 5 tác giả - cho biết: "Bộ sách này hướng đến giải pháp phòng tránh bạo lực học đường, đưa ra những tình huống thực tế mà học sinh thường gặp phải. Từ những chất liệu trên, các nhà tâm lý sẽ gợi ý cách giải quyết, ứng xử hợp lý. Do đó, khi tiếp cận bộ sách, học sinh có thể tìm được giải pháp cho bản thân khi mình gặp tình huống tương tự. Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã chắt lọc hết sức có thể, không dàn trải, không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề chính để hạn chế tình trạng bạo lực học đường".

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI