“Năm nay chuẩn bị gì cho ngày giỗ ba bây?”

20/11/2023 - 19:16

PNO - Tôi nhìn mẹ, nhìn bọn trẻ, rồi lại nhìn bức ảnh lớn ba đứng cạnh mẹ cười tươi treo ở phòng khách. Tôi len lén lau vội giọt nước mắt...

Từ ngày ba mất, mỗi độ trăng rằm, mẹ bận rộn tới lui. Mẹ hì hụi lau bàn thờ đến không còn hạt bụi. Mẹ đi chợ sớm hơn thường ngày để chọn những loại trái cây ba thích. Mẹ cắm 2 bình hoa đẹp bày biện ở bàn thờ Phật trên cao và bàn thờ gia tiên có di ảnh của ông bà nội và ba trên chiếc tủ nhỏ bên dưới. 

Ngày rằm tháng Chín năm ấy, mẹ dậy thật sớm, đi chợ, bày mâm ngũ quả, thắp trầm hương nghi ngút gửi nguyện cầu bình an. Đang bước lưng chừng cầu thang, tôi nghe được lời mẹ khấn: “Con xin tổn thọ 10 năm để cầu cho anh Hùng được ít đau đớn nhất lúc ra đi”.

Rồi cũng đêm ấy, ba toát mồ hôi mấy bận vì những cơn đau dường như đã quá sức chịu đựng. Mẹ ôm riết lấy ba trong vòng tay run rẩy, ba quyến luyến gọi “Em ơi”, sau đó thở hắt một hơi dài rồi ra đi trong vòng tay người mà ba yêu thương nhất đời.

Hình ba mẹ của tác giả chụp vào tết năm 2017.  Bức ảnh được phóng to và treo trang trọng trong phòng khách gia đình
Hình ba mẹ của tác giả chụp vào tết năm 2017. Bức ảnh được phóng to và treo trang trọng trong phòng khách gia đình

Mẹ nhìn theo hơi thở cuối cùng ấy, mong mỏi kiếm tìm phép màu - một chút dấu hiệu hồi sinh. Mắt mẹ ráo hoảnh, không khóc níu giữ, để ba đi thật nhẹ, thật bình an.

Chúng tôi chuẩn bị tinh thần từ nhiều tháng trước, khi bác sĩ dặn dò riêng: “Cả nhà dành thời gian cho ông hoàn thành tâm nguyện dở dang. Ông ở giai đoạn cuối, không cần quay lại bệnh viện nữa đâu”. Chúng tôi trân trọng những giờ phút còn lại bên cạnh ba. Con cháu siêng về thăm ông mỗi cuối tuần. Mẹ luôn muốn kề bên ba. Bà đi chợ sớm khi có các con ở nhà cạnh ông. Mẹ bảo phải trao thật nhiều ấm áp và tình thương để ba mang về với mây trời.

Mẹ giành phần chăm sóc ba “để mấy đứa đi làm”. Mẹ túc trực xuyên suốt bên ba. Mẹ níu kéo sức sống trong ánh mắt ba bằng tất cả yêu thương của 39 năm bầu bạn có đôi. Mẹ ân cần bón từng món ăn ba thích. Mẹ dỗ dành mỗi khi ba giận dỗi bỏ ăn. Mẹ nhẹ nhàng xoa bóp khi chân ba phù nề căng nhức. Mẹ ngủ trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần ba trở mình gọi là mẹ biết ba cần chụp thở ô xy hay xoa bóp vì chuột rút.

Mẹ luôn động viên ba bằng những lời khen “Anh Chín Hùng của em can đảm nhất”. 9 năm bền bỉ, gia đình chúng tôi đưa ba vào ra bệnh viện thường xuyên. Ba dũng cảm nhận phương pháp điều trị cho từng giai đoạn mà chưa hề chùn bước. 7 lần đốt sóng cao tần là 7 lần bác sĩ chỉ tiêm một liều thuốc giảm đau nhỏ. Ba vẫn nằm đó, tỉnh táo cảm nhận từng cử động của dây thép mỏng.

Bác sĩ luồn dây thép từ dưới đùi len lỏi lên gan, kích điện cao tần để đốt cháy khối u. Ba luôn gọi “Em ơi” khi chị hộ lý đẩy xe ra. Khi sốt cao mê sảng, ba cũng chỉ gọi “Em ơi”. Mẹ luôn miệng: “Tội nghiệp, ba con sợ đau lắm” mỗi khi chúng tôi ngồi chờ ba bên ngoài phòng phẫu thuật - nhiều lần tiếp nối nhau.

Ba đúng là người sợ đau. Còn nhớ hồi nhỏ, tôi cười khúc khích khi xem mẹ dùng kềm gắp cho ba mảnh kính vụn găm trúng tay. Mẹ kẹp chặt tay ba lại và dỗ dành: “Anh nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác, em gắp ra nhẹ lắm”. Ba rùng mình, nhắm mắt và rụt cả tay lại, kêu đau oai oái đến cả chục lần mới gắp được vụn kính ra. Ba sợ cảm giác bị chiếc kềm mũi nhọn lạnh toát chạm vào da thịt, nhưng ba vẫn tiếp tục công việc cắt kính để duy trì cuộc sống gia đình suốt hơn 15 năm kể từ lần kêu oai oái sợ cây kềm mũi nhọn.

Những ngày khốn khó qua đi khi chúng tôi khôn lớn. Vừa vặn lúc có thể hưởng an nhàn thì ba tôi không còn bao nhiêu thời gian. Mẹ chắt lưỡi xuýt xoa về những bữa cơm cháy chan nước kho xà bần thật mặn để lâu mà ba giành ăn rồi lại khen ngon. Món kho xà bần là từ những món đồ ăn thừa xin của nội về thêm muối và kho kẹo lại. Còn phần cơm trắng có đồ ăn tươi ba dành hết cho mấy mẹ con.

Mẹ nhắc về những chiếc xe thồ của ba ngày cơ cực. Ba khi đó là anh giáo nghèo, chỉ dám nhận lớp dạy bổ túc ban đêm. Mỗi sớm mai ba thức dậy, còng lưng đạp xe thồ trái cây từ Cầu Ngang qua tận Hóc Môn bán. Có lần mưa, vướng mấy vũng lầy đất đỏ đặc quánh nên khi ba ướt nhem, bê bết đến nơi thì chợ đã tan. 

Chỗ dựa tinh thần của mẹ con tôi thoắt cái mà đã rời xa chúng tôi 3 năm trời. “Năm nay chuẩn bị gì cho ngày giỗ ba bây?”. Nghe câu hỏi, chúng tôi biết mẹ muốn làm gì đó trao tặng cho người nghèo, như một cách tri ân những khốn khó ngày xưa của ba mẹ. Mẹ muốn nấu một nồi bánh canh tặng cho người già và trẻ con cơ nhỡ ở trung tâm bảo trợ An Sơn. Mẹ muốn trao quà gồm ít gạo và dầu ăn, nước mắm cho những người khuyết tật vẫn tảo tần mưu sinh. Mẹ dù đã nghỉ hưu và không dư dả vẫn muốn sẻ chia, làm việc thiện để hồi hướng công đức cho hương hồn của ba được an lạc thảnh thơi.

Căn nhà vẫn rộn rã tiếng cười con trẻ, mấy đứa cháu nghe bà kể chuyện xưa về ông thì cười khúc khích một lát rồi lại khe khẽ xuýt xoa vì thương ông. Chúng đồng thanh bảo bà nội (bà ngoại) muốn làm gì cũng được, miễn bà vui thì tụi con sẽ đi trao quà cùng bà.

Tôi nhìn mẹ, nhìn bọn trẻ, rồi lại nhìn bức ảnh lớn ba đứng cạnh mẹ cười tươi treo ở phòng khách. Tôi len lén lau vội giọt nước mắt ở khóe mi. Ba tôi trên trời cao chắc đang mỉm cười nhìn cả gia đình quây quần vui vẻ và luôn nhắc nhau về sự hiện diện của ông trong ngôi nhà nơi ba mẹ vun đắp bằng cả cuộc đời. 

Trang Đinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI