Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: Chia giỗ - chia luôn tình anh em

19/08/2022 - 18:27

PNO - Từ ngày ông bà mất, ba tôi với các cô chú chia ngày tổ chức giỗ cho tiện việc riêng. Con cháu từ đó không còn tụ họp, tình anh em dần nhạt như nước lã.

Ảnh minh hoạ
Ở nhà nội ngày trước hay có nhiều món đồ cũ nhưng nội quý vô cùng, không chịu vứt đi (Ảnh minh họa)

Ông bà nội sinh hơn 10 người con, nhưng vì đói ăn, bệnh tật chỉ còn lại 5 người cưu mang nhau, cùng trưởng thành đến khi yên bề gia thất. 

Thời ông bà còn sống, mỗi năm, nhà nội tổ chức 2 đám giỗ lớn, con cháu tề tựu về đông đủ. Đó là dịp vui nhất trong năm với những đứa trẻ như chúng tôi, nếu không tính ba ngày tết.

So trong xóm làng, nếu anh em nhà người khác tị nạnh nhau chuyện giỗ chạp, chửi bới phần ai chi nhiều, góp ít thì nhà nội tôi được tiếng anh em hòa thuận, cha mẹ có phúc. Nhưng đến khi bà nội mất, rồi 3 tháng sau ông nội qua đời, phía nội tôi vì giỗ mà tan đàn, xẻ nghé.

Năm đầu tiên, chú Út làm giỗ cho ông bà. Ba tôi không chấp nhận cách tổ chức qua loa, lại mời bạn bè đến nhậu nhẹt bê tha của chú. Thêm khoản vợ chú vụng về, nấu đồ cúng cho có, mà chú thím lại tranh phần làm, nên sau đám giỗ đầu của ông bà, ba tôi tuyên bố không về nữa.

Ngày đó, chưa bao giờ tôi thấy ngột ngạt tại đám giỗ tới vậy khi người lớn “dằn mâm xán chén”. Chú Út chửi ba tôi khinh khi em trai nghèo, ra vẻ mình có học thức. Còn ba tôi nổi tiếng tính nóng như lửa, ông cho chú Út là đứa em mất dạy, không đáng để giao du qua lại.

Khi những đứa trẻ chạy náo loạn, khách khứa im phăng phắc rồi bỏ về cũng là lúc ba tôi và các cô chú ngồi lại chia nhau ngày làm giỗ.

Cứ theo thứ tự 5 người tổ chức 5 ngày khác nhau, ai tiện ngày nào làm ngày đó, ngày chính thì làm ở nhà chú Út. Anh em ai muốn về nhà ai thì về, không muốn về cũng không sao, cứ tự “thỉnh” cha mẹ về nhà riêng mà thờ cúng. 

Má tôi lần nào trước giỗ cũng làm thêm món thịt ngâm mắm để đãi khách khứa
Má tôi chuẩn bị món thịt ngâm mắm để đãi khách (Ảnh minh họa) 

Tôi còn nhớ trong buổi chiều nắng hè như đổ lửa, sau trận to tiếng với chú Út, ba khoanh tay đi trước, má với chúng tôi lủi thủi men theo mương nước về nhà. Tụi nhỏ hai nhà im lặng ngoái nhìn nhau, không nói được lời nào. 

Đến nay, cũng chục năm, tôi chưa về nhà nội dịp giỗ ông bà. Ba không cấm nhưng dù thời gian qua đi, ông không vui khi thấy chú Út vẫn lôi thôi trong chuyện làm đám. Tôi thấy ba làm đúng nhưng ông có phần cứng nhắc.

Có lần tôi nói nếu chú Út làm chưa được, ba phụ chú làm cho được như ngày trước còn ông bà, ba má hay phụ mỗi lần lễ giỗ. Ba tôi không chịu. Ông bảo chú Út: “Có lớn mà không có khôn, không đàng hoàng ngay từ đám giỗ của ba má mình thì còn làm gì được”.

Trong 5 người con của ông bà nội, ba tôi là người quan trọng khâu tổ chức nhất. Nam nào đám giỗ, ông cũng chọn nấu món ông bà muốn ăn, không đãi rượu bia vì biết ông bà nội không ai ưa náo nhiệt, nhậu nhẹt. Khách mời cũng được ba liên hệ chỉn chu, sàng lọc không bạ đâu mời đó.

Ngày giỗ nội, má tôi đi chợ từ sớm để mua đồ về nấu cúng theo thực đơn của ba tôi chuẩn bị
Ngày giỗ nội, má tôi đi chợ từ sớm để mua đồ về nấu cúng theo thực đơn mà ba tôi chuẩn bị (Ảnh minh họa)

Đã 10 lần, tức 10 năm, ba tôi làm đám giỗ cho ông bà mà không cô chú nào đến nhà tôi thắp nén nhang, đám con cháu lại càng không lui tới, vì chúng sợ ba mẹ rầy. Để rồi từ những bất đồng chuyện giỗ quải của người lớn, lớp con cháu không kết thân, hỏi han nhau câu nào.

Ba tôi bao năm qua "bán họ hàng xa mua láng giềng gần" nhưng thời gian trôi đi, tôi có thấy ông buồn, ân hận phần nào về quyết định chia giỗ. Ông giờ như thân cây khô khốc, già đi theo thời gian với những buồn phiền, mong ngóng được gặp anh em trong nhà nhưng chẳng bao giờ nói lên mong cầu ấy.

Tụi con nít chúng tôi ngày xưa cũng ước rằng ba và các cô chú không hằn học, chia rẽ vì chuyện giỗ quảy, để người nằm xuống không bận lòng và người còn sống không ôm lấy nỗi buồn dai dẳng.

Linh Lê (Phú Yên)

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh