Mình cùng chăm nhau

10/05/2016 - 11:11

PNO - Tôi và bà, ai đi trước thì người ở lại cũng đều không chịu nổi. Được khỏe mạnh mà chăm nhau là quý lắm, bà biết không?

Bố tôi vừa phải nhập viện. Bệnh viện tuyến trên cách nhà mấy chục cây số, anh em tôi ai nấy sắp xếp công việc, nhà cửa, con cái, chuẩn bị sẵn sàng thay nhau lên chăm ông. Mẹ tôi ở nhà lo lắng, sốt ruột cũng muốn lên với bố nhưng các con nhất định không cho, vì mẹ cũng không được khỏe. Bệnh tim lâu năm của mẹ không thể chủ quan được. Mấy anh em thống nhất nhau, các con trai và con dâu, con rể ở thành phố vào bệnh viện chăm ông cho tiện. Hai chị em tôi ở dưới này đi làm, lo con cái và có nhiệm vụ “canh” bà.

Hôm nào cũng vậy, chị em tôi đi làm về, người này đưa rước con cái học hành, người kia ghé qua ngay với mẹ. Có hôm, vừa thấy tôi sang, bà liền khoe, giọng đã bớt lo lắng, vui vẻ hơn hẳn những ngày trước: “Hồi chiều ông mới điện về, nghe giọng tỉnh táo lắm. Ông bảo vết mổ ổn, ăn uống cũng được”.

Tình hình của bố chúng tôi “cập nhật” đầy đủ, thường xuyên, nhưng thấy mẹ vui nên cũng làm như chưa hay biết để bà có “cơ hội” ríu rít kể về ông. Biết ý mẹ muốn nói chuyện với bố, tối nào chị em tôi cũng bấm điện thoại cho hai người già gặp nhau. Đưa điện thoại cho mẹ, con gái “tâm lý” tránh ra chỗ khác, dành cho bà “không gian riêng” để tâm sự với ông tự nhiên. “Giờ ông có đỡ hơn hồi chiều tí nào không?”; “Ông còn đau nhiều không, chỗ vết mổ ấy?”; “Tôi không sao đâu. Chúng nó không cho tôi lên, ông tự lo cho mình nhé, ráng ăn uống cho mau khỏe mà về. Thôi ông nghỉ đi, đừng nói nữa kẻo mệt”…

Nói với bố được dăm ba câu, mẹ mới yên tâm đi ngủ. Bà thương ông, lo cho ông, mong ông được về lắm rồi. Không có ông ở nhà, ai nói với bà đủ thứ chuyện “linh tinh”. Ai là người để thỉnh thoảng bà giận dỗi bởi những chuyện không đâu. Ai đọc cho bà nghe những câu chuyện, những bài báo hay để ông bà cùng tranh luận sôi nổi?

Minh cung cham nhau
Bố mẹ tôi cùng ôn lại kỷ niệm xưa

Mấy lần ông vắng nhà, bà cứ ra vô một mình, chẳng muốn chuyện trò với ai, nhưng nếu nói bà nhớ ông là bà không chịu, bảo ông ấy đi đâu thì đi, đi bao giờ về cũng được, có gì mà phải nhớ. Ông năm nay đã hơn tám mươi, bà chỉ kém ông năm tuổi, sống với nhau quá 50 năm rồi còn gì, tình nghĩa gắn bó sao bà cứ phải tự “dối lòng”! Tôi tự nhủ rồi tủm tỉm cười khi nhớ lại chuyện vui của bố mẹ mình.

Mẹ tôi hay bảo, ngày xưa bà không yêu ông. Chỉ vì nể ông anh họ dẫn ông ấy về, cứ khen hết lời nên bà ưng đại. Nghe thế con cái nhao nhao chất vấn “chứ không phải hồi xưa bố đẹp trai quá, mẹ yêu ngay lần đầu gặp mặt sao?”. Bực mình đám con bênh cha, bà phản ứng rằng hồi xưa mình cũng đẹp đâu thua kém chồng, cũng hằng hà sa số “vệ tinh” vây quanh, “không tin hỏi ông ấy mà xem”. Đám con thấy vậy thì xoa dịu, rằng hồi trẻ cả hai đều đẹp, ông bà đẹp đôi thế sao cứ bảo không có tình yêu? Bà chưa kịp lên tiếng ông đã cười: “Các con không nghe bài hát rằng“Đừng nghe những gì con gái nói” sao? Con gái nói có là không, con gái nói không là có… gì gì đó”.

Chuyện của bố mẹ tôi đem đến cho cả nhà những tràng cười sảng khoái. Anh em tôi ao ước sau này mình cũng được như ông bà thì thật hạnh phúc.

Hôm nghe tin bố tôi ra viện, mẹ vui thấy rõ. Bà dậy sớm, đi bộ ra quán đầu hẻm mua đồ ăn, bảo đi sớm mới chọn được thực phẩm tươi ngon. Hôm qua tôi đã dặn “mẹ cần mua gì con đi làm ghé chợ mua luôn” nhưng bà không chịu. Bà muốn tự chọn mua theo ý mình, những món mà ông thích.

Bố tôi về, trông mệt mỏi và gầy đi nhiều. Mẹ lăng xăng sắp xếp đồ từ những chiếc giỏ ông đem về, rồi ríu rít hỏi điều nọ điều kia. Ánh mắt, nụ cười bà tràn ngập niềm vui. Bình thường ông là người chiều bà. Bà bị bệnh tim, tính lại hay giận hờn nên mỗi khi bà không vừa ý điều gì là ông nhịn hết. Con cái ở riêng, chỉ có ông bà với nhau nên ông luôn mắc mùng mỗi tối cho bà, còn sắp xếp sẵn các loại thuốc, nhắc bà uống đúng cữ.

Bù lại, bà là người luôn chăm chút cho ông từng bữa ăn. Có lúc không được khỏe, bà vẫn cố “hoàn thành nhiệm vụ”, để ông ngon miệng. Lỡ có bữa bà nêm đồ ăn hơi mặn hoặc không vừa miệng ông vẫn ráng… khen ngon, bởi ông rút kinh nghiệm vài lần trước đây góp ý làm bà giận dỗi, dọa “không thèm nấu cho ông ăn nữa”! Lúc đó ông đã phải cố làm huề: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông, tôi chỉ ăn cơm bà nấu thôi, quen rồi!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI