Mẹ chồng chứ đâu phải Ôsin

06/08/2019 - 14:00

PNO - Phải công nhận bà mẹ chồng chăm con dâu như con gái. Cơm “bà đẻ” ngày ba bữa nóng sốt thơm ngon. Vậy mà thỉnh thoảng tôi lại nghe chị lớn tiếng đòi ăn ổi, mận, nho, xoài, mà mẹ chồng cứ cho ăn chuối hấp.

Chị đẩy cổng vào, bật chống xe, rồi vừa sà xuống bên chiếc xe tập đi của thằng con mười tháng tuổi vừa la quang quác:

- Trời ơi! Mẹ! Mẹ làm sao mà thằng nhỏ lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc vậy? Ôi… tục tưng cho mẹ xem nào… có chấn thương chỗ nào nữa không? Đầu óc có sao không trời?

Mẹ chồng chị đang ngồi đút cơm cho thằng bé, nghe con dâu quát một tràng vội đứng dậy nép vào cánh cửa phân trần:

- Lúc ẵm bé Bi, tự dưng mẹ thấy chóng mặt… Rồi cháu nhoài người khỏi tay bà. Mà, cháu té lên nệm thôi con à…

- Té lên nệm á? Mẹ làm như con ngu lắm vậy. Té lên nệm mà cái trán sưng vù, sóng mũi trầy trụa thế này à? A lô! Anh ở đâu về gấp, đưa thằng nhỏ đi chụp CT coi! Bả làm té thằng nhỏ sắp chết rồi.

Me chong chu dau phai Osin

Ảnh minh họa

Chị vừa gọi điện cho chồng, vừa bế xốc thằng con lên vạch áo, vạch quần, xem lưng, xem bụng, rồi tặc lưỡi hít hà.

Chị là hàng xóm của tôi, khá thân thiết, hai nhà cách nhau chỉ một cái rào B40. Hồi sắp sinh, chị cứ nơm nớp lo hết sáu tháng hậu sản, chả biết gửi con ở đâu cho sạch sẽ, an toàn và được chăm sóc cẩn thận. Bản thân chị là sếp lớn ở một công ty cũng to bự nên không thể nào buông việc để chăm con. Một vài nhà trẻ đã được chị tới tham quan, nhưng chẳng nơi nào làm chị hài lòng. Chả gì, chị mãi ba mươi sáu tuổi mới được mụn con nên quý lắm.

Rồi mẹ chồng chị được “triệu hồi” lên chăm cháu. Bà đã gần bảy mươi. Vóc dáng khỏe mạnh của người phụ nữ miền Tây Nam bộ chân chất, thật thà, khiến tôi cũng phần nào an tâm giùm chị.

Phải công nhận bà chăm con dâu như con gái. Cơm “bà đẻ” ngày ba bữa nóng sốt thơm ngon. Vậy mà thỉnh thoảng tôi lại nghe chị lớn tiếng đòi ăn ổi, mận, nho, xoài, mà mẹ chồng cứ cho ăn chuối hấp mãi. 

Chuyện giặt giũ cho em bé thì khỏi chê, đôi bàn tay bà nội già nua vò từng chiếc áo bé xíu một cách nhẹ nhàng, chứ không bỏ vào máy giặt “quay vù vù là xong” như lời con trai bảo. Có điều, sau khi giặt cả thau quần áo ấy, bà đứng lên đấm lưng thùm thụp và kêu chóng mặt. Chả là mẹ chồng chị có chứng huyết áp cao.

Me chong chu dau phai Osin
Hình minh họa

Mấy khi chạm mặt tôi ở cửa sau - nơi phơi quần áo - bà hay lắc đầu nói khẽ: “Giá mà cái nết con Hân nó hiền một chút chắc bác đỡ hơn!”. Tôi chỉ biết nói với bà rằng, phụ nữ sau sinh có người trầm cảm, có người đổi tính giảo hoạt, âu cũng là chuyện thường tình. 

Con tròn sáu tháng, chị đi làm thì dường như “giao khoán” thằng con cho mẹ chồng. Con còn bú mẹ thì chị hút sữa từ cơ quan, rồi thuê xe ôm đem về nhà để bà cho cháu bú. Sau khi cho cháu ăn no ngủ ngoan, mẹ chồng chị còn tất bật cơm nước và dọn dẹp ngôi nhà rộng lớn, không một giờ được rảnh tay ngơi nghỉ.

Tôi ở nhà với tiệm may của mình nên bác cháu cứ ra vô gặp mặt thường xuyên. Bà bảo tuổi bảy mươi, biết bao người thảnh thơi đi chùa, du lịch, làm từ thiện, còn bà mắc nợ con cháu nên không rảnh được phút nào. Tôi bảo bà cứ “bỏ thí” mà về quê cho thanh thản, biết bao cặp đôi phải tự nuôi con mình, chứ không phải “báo cô” mẹ già như thế. Bà cười đôn hậu: “Già rồi, còn giúp ích con cháu ngày nào được thì giúp cháu ạ. Bác không ngại cực nhọc, chỉ ngại con dâu coi bác như Ô-sin chứ không phải mẹ chồng”. 

Tôi hứa hôm nào sang chơi sẽ mạnh miệng nói với chị vấn đề này. Mà chưa kịp sang thì xảy ra chuyện thằng nhỏ ngã đập đầu chiều nay. Bây giờ thì vợ chồng chị đang vội vã ôm con đi bệnh viện. Anh rồ ga thiệt mạnh, chị ôm chặt thằng con, không quên ném câu nói sắc lạnh về phía mẹ chồng: “Tối ngày ăn rồi chỉ coi thằng nhỏ mà cũng không nên thân”. Tôi thấy bà như chết đứng. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI