Mẹ bỉm sữa học viết văn

15/07/2025 - 06:00

PNO - Vừa đi làm, vừa bận rộn chăm sóc con nhỏ, lo toan cho gia đình nhưng nhiều chị em vẫn kiên trì tìm đến các lớp dạy viết văn, làm thơ để cân bằng đời sống nội tâm, làm phong phú thêm tâm hồn, giữ lửa hạnh phúc.

Thêm yêu cuộc sống và gia đình qua trang viết

Là giáo viên mầm non, phần lớn thời gian chị Huỳnh Thị Nữ (xã Nhà Bè, TPHCM) dành cho học trò ở trường. Về nhà, chị tiếp tục bận rộn với những lớp dạy rèn chữ và bán hàng online. 8 năm quay cuồng giữa công việc và gia đình, nhiều lúc chị mong muốn dành thời gian học thêm kỹ năng nào đó để giảm áp lực, cũng như có một khoảng lặng bồi đắp cho tâm hồn.

Sau thời gian tìm hiểu, lựa chọn, tháng 4/2024, chị Nữ đăng ký học viết một cách bài bản. Để chu toàn việc nhà và việc học, chị thỏa thuận cùng chồng sắp xếp giờ giấc sinh hoạt hợp lý. Nơi chiếc bàn nhỏ ở góc phòng, sau khi làm xong mọi việc trong ngày, chị luyện viết đến khuya. Chị còn tập thói quen dậy lúc 4g sáng để có thêm 2 tiếng làm bạn với con chữ trước khi đi làm.

Trong lúc chờ con tan học, chị Phương Tuyền kiên trì tập viết văn, làm thơ để giảm áp lực cuộc sống - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong lúc chờ con tan học, chị Phương Tuyền kiên trì tập viết văn, làm thơ để giảm áp lực cuộc sống - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Bài viết đầu tiên được đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM là một kỷ niệm khó quên. Tôi đã cầm tờ báo đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Sau đó, tôi ra bưu điện gửi về tặng gia đình, họ hàng ở quê cùng đọc” - chị Nữ nhớ lại.

Chị Huyền Trang - công tác trong ngành xuất nhập khẩu - bày tỏ: “Ở tuổi 40, khi việc cân bằng gia đình và phát triển sự nghiệp vốn đã khó khăn, niềm vui làm bạn với con chữ giúp tôi tái tạo năng lượng, thêm yêu gia đình và cuộc sống. Ban đầu, bài viết của tôi còn nhiều lỗi chính tả, cấu trúc lủng củng nhưng nhờ sự góp ý từ cô giáo và nhờ chăm đọc tài liệu, sách báo, tôi dần viết mạch lạc hơn. Tôi nhận ra ở độ tuổi này, làm giàu tinh thần quan trọng hơn làm giàu vật chất.”

Hay chị Phương Tuyền - làm việc trong ngành kinh doanh gốm sứ - cũng tìm thấy niềm vui khi học viết. Chị bồi hồi nhớ lại: “Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi tận dụng thời gian ở nhà cùng con đọc sách và viết ra cảm nghĩ của mình. Đến năm 2023, tôi tham gia khóa học viết cơ bản, chăm chỉ đọc sách để tiếp thu thông tin, rèn luyện cách thể hiện ngôn từ hiệu quả và tự tin gửi bài cộng tác ở các báo, tạp chí”.

Với chị Tuyền, niềm vui không chỉ là việc tác phẩm được chọn đăng mà đời sống tinh thần cũng được cải thiện. Nhờ những bài viết nhỏ của chị về chuyện nhà, chuyện xóm, chuyện cuộc sống…, các thành viên trong gia đình thêm thấu hiểu và yêu thương nhau.

Viết tiếp ước mơ xưa

Chị Mỹ Hạnh - làm nghề kinh doanh tự do tại TPHCM - từng yêu thích văn chương và mơ trở thành giáo viên văn. Thế nhưng, biến cố kinh tế đã đẩy gia đình chị vào cảnh khó khăn, buộc chị phải gác lại ước mơ ấy để buôn bán, cùng chồng nuôi dạy 3 con nhỏ.

“Giữa bộn bề mưu sinh, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đọc sách và viết văn, làm thơ. Đặc biệt, sau 2 khóa học viết, tôi càng thực hành nghiêm túc với mục tiêu rõ ràng” - chị Hạnh bộc bạch. Với chị, văn thơ như cơn mưa tưới mát tâm hồn giữa những lo toan cơm áo gạo tiền. Dù xã hội hiện đại sống nhanh sống vội, chị vẫn chọn văn, chọn đọc, chọn viết để giữ lại những cảm xúc trong trẻo. Đó cũng là nguồn năng lượng tích cực để chị cân bằng cảm xúc, giữ lửa hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con tốt hơn.

Niềm vui của gia đình chị Mỹ Hạnh khi có bài viết  được đăng báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp
Niềm vui của gia đình chị Mỹ Hạnh khi có bài viết được đăng báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cô Lương Thị Hòa - người sáng lập cộng đồng Yêu lại tiếng Việt - đã đồng hành cùng nhiều thế hệ học viên, trong đó có không ít mẹ bỉm sữa. Việc dạy viết đến với cô như một cơ duyên, cô mong muốn giúp mọi người hiểu đúng, viết đúng, cảm nhận hết vẻ đẹp của tiếng Việt và biết thể hiện những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống qua ngòi bút. Từ tháng 2/2022 đến nay, cô đã triển khai hơn 40 khóa học với gần 150 học viên.

Cô Hòa chọn hình thức dạy trực tuyến để bất cứ ai cũng có thể tham gia. Cô nhấn mạnh rằng trong thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển, nếu không biết cách viết và nói, con người sẽ đánh mất lợi thế. Viết không chỉ là kỹ năng mà còn là công cụ thể hiện tư duy, phát triển đời sống tinh thần, thậm chí tạo ra thu nhập cho những ai nghiêm túc theo đuổi.

Chị Huỳnh Thị Nữ đúc kết: “Thói quen viết giúp chúng tôi sống chậm lại, sống sâu hơn và lắng nghe bản thân nhiều hơn. Thói quen quan sát, cảm nhận và chú ý những chi tiết trong đời sống giúp tôi quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh. Có lẽ nhờ vậy, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật vui vẻ, lạc quan; không khí gia đình càng ấm áp, hạnh phúc.

Huỳnh Thị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI