Làm gì khi chồng không thừa nhận con chung?

26/07/2018 - 12:00

PNO - Vợ chồng tôi kết hôn được 1 năm, đã có một con chung gần 2 tuổi nhưng do nhiều lý do nên chưa đăng ký khai sinh cho cháu được. Nay xảy ra mâu thuẫn và anh không thừa nhận đứa con này.

Hỏi: Chúng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và hiện tại chúng tôi đang làm thủ tục xin ly hôn. Chồng tôi cho rằng cháu bé không phải là con chung vì tôi có thai trước khi chúng tôi kết hôn và từ chối việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Cho tôi hỏi việc chồng tôi không thừa nhận con và không nhất trí cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có được chấp nhận không?

Mai Hoa (Gò Vấp, TP. HCM)

Luật sư trả lời:

Chào bạn. Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề xác định con chung của vợ chồng khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: "Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không nhận đứa trẻ là con chung của hai người thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định".

Lam gi khi chong khong thua nhan con chung?
Ảnh minh họa

Do đó, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng, trường hợp chồng bạn không nhận cháu bé là con thì phải có chứng cứ để chứng minh và phải được tòa án có thẩm quyền xác định bằng một quyết định hoặc bản án. Nếu trong trường hợp chồng bạn không chứng minh được cháu bé không phải là con chung thì mặc nhiên cháu bé là con chung của vợ chồng. Và bản án của tòa sẽ là căn cứ để xác định tranh chấp liên quan đến việc xác định cha mẹ cho con. Bạn có thể sử dụng xét nghiệm ADN để làm căn cứ chắc chắn nhất cho việc xác định cháu là con chung của cả hai người.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn thì: “Sau ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Khoản 1 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình có quy định “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.

Lam gi khi chong khong thua nhan con chung?
Ảnh minh họa

Với những quy định nói trên, sau khi ly hôn, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con; mức cấp dưỡng hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án khi giải quyết ly hôn (Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”). Trường hợp chồng bạn là người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của những người được quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, tòa án sẽ buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Mong rằng những giải đáp nêu trên có thể phần nào tháo gỡ khó khăn và giúp bạn tìm được hướng xử lý tốt nhất cho trường hợp của bản thân.

Luật sư Phương Ngọc Dũng
(Văn Phòng LS Vạn Lý)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI