Ký ức bầm tím của những đứa trẻ chưa biết gọi tên nỗi đau

23/07/2025 - 11:58

PNO - Tôi từng tin rằng những đứa trẻ còn quá nhỏ, luôn trong vòng tay chăm sóc của người thân sẽ khó, thậm chí không thể trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục…

"Vùng an toàn" đầy bất trắc

Nhưng rồi, khi trở thành luật sư bảo vệ cho những em bé còn chưa đủ tuổi đến trường, thậm chí chưa biết gọi tên nỗi đau, tôi đau đớn nhận ra: nhiều đứa trẻ còn chưa biết nói, chưa hiểu điều gì đã xảy ra lại chính là nạn nhân của cha, của dượng… - những người mang danh nghĩa chăm sóc.

Rất nhiều vết thương của con trẻ không đến từ bóng tối bên ngoài, mà từ chính ánh sáng trong căn nhà tưởng chừng rất an toàn của chúng.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu - Ảnh do nhân vật cung cấp
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chúng tôi từng hỗ trợ pháp lý cho nhiều trẻ em bị chính chú, bác, dượng, thậm chí cha ruột xâm hại tình dục. Có trường hợp một bé gái vừa bước vào tuổi 12 đã bị cha ruột xâm hại suốt nhiều năm. Bé rưng rưng kể lại sự việc trong sự run rẩy, sợ hãi, như thể từng ký ức mỗi lần muốn gọi tên là một lần máu chảy trong lòng. Người mẹ ngồi cạnh bên hiền lành đến mức gần như chỉ biết cúi đầu, khóc nấc đến lạc giọng: “Tôi đâu có ngờ… Ổng là cha ruột mà…”. Nhưng trên đời đâu phải chuyện gì cũng ngờ được. Giá như chị đặt nghi vấn sớm hơn, giá như xã hội không quá dễ dãi với từ “người nhà” có lẽ tội ác đã không xảy ra.

Mới đây, các luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM được mời tham gia bào chữa cho các trẻ trong một vụ xâm hại tình dục rúng động: 7 bé trai bị chính “sư phụ” lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em để xâm hại và đe dọa trong thời gian dài. Khi được hỏi vì sao không cầu cứu ai, một em trả lời: “Vì con sợ… đọa địa ngục”. Câu nói ấy khiến tôi nghẹn lòng. Nhiều đứa trẻ chưa đủ trí khôn để phân biệt đâu là “giáo lý đúng”, đâu là “giáo lý sai”, dễ bị thao túng. Nhất là khi những lời giảng dạy bị dẫn dắt, ngụy biện bởi chính “sư phụ” của mình, trẻ càng có niềm tin nội tâm “người lớn luôn đúng…”.

Có “chú hàng xóm” được ông ngoại nhờ qua chỉnh giùm ti vi đã dụ dỗ bé 8 tuổi bằng cách cho bé 20.000 đồng rồi xâm hại bé. Có một trẻ ở Tây Nguyên bị thợ cắt tóc lạm dụng chỉ vì bé hay được người này “cho trái ổi”. Đau lòng hơn, một trẻ ở miền núi được cha mẹ gửi ra phố ở nhà bác cho gần trường học đã bị xâm hại nhiều năm, đến khi được đưa vào mái ấm tình thương mới dám kể ra sự việc.

Có người mẹ biết con mình bị cha dượng xâm hại nhiều lần nhưng vì quá yêu, sợ… bị chồng bỏ nên chấp nhận nhắm mắt bỏ qua.

Đừng để pháp luật "cô đơn"

Tại sao tôi dùng từ “cô đơn”? Bởi vì trong cuộc chiến bảo vệ trẻ em, nếu chỉ có pháp luật thì chưa đủ. Việc ưu tiên hàng đầu là thay đổi nhận thức từ gốc rễ.

Trước sự việc bé trai bị xâm hại, có phụ huynh bật khóc khi nghe “lời động viên” rằng “không sao đâu, nam với nam mà, nữ mới đáng lo”. Đó là một nhận định nông cạn, hời hợt. Thứ nhất, về mặt pháp lý, pháp luật (Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017) không phân biệt giới tính nạn nhân trong các tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Nghĩa là dù nạn nhân là nam hay nữ, thủ phạm là người khác giới hay đồng giới…, hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm… với người dưới 16 tuổi đều là tội phạm nghiêm trọng, với mức hình phạt rất cao (có thể đến chung thân hoặc tử hình, tùy tình tiết tăng nặng). Vì vậy, quan điểm “nam thì không sao” là vô căn cứ và trái pháp luật.

Về mặt tâm lý, tổn thương của trẻ nam đôi khi còn nặng nề hơn. Bởi vì, xét về thể lý, trẻ em bất kể giới tính đều có vùng riêng tư và nhân phẩm mong manh, dễ vỡ cần được bảo vệ bình đẳng như nhau. Trẻ em nam đôi khi còn chịu tổn thương âm thầm hơn vì bị xã hội gán cho vai trò “mạnh mẽ”, “phải chịu đựng”, “không được khóc”; sợ bị kỳ thị về giới tính (nhiều bé bị người lớn mặc định là gay hoặc đồng thuận).

Các trẻ nam thậm chí còn không có ai để kể vì với vấn đề tế nhị này, người lớn đôi khi còn không tin hoặc né tránh. Điều đó khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn gây chứng hồi tưởng tái hiện một hoặc nhiều sự kiện sang chấn trong quá khứ, hành vi tự hủy hoặc sau này lặp lại hành vi xâm hại một cách mất kiểm soát.

Qua kinh nghiệm tham gia công tác bảo vệ trẻ hơn 10 năm nay, tôi rất tiếc phải thừa nhận rằng phần lớn chương trình phòng ngừa xâm hại trẻ em tập trung vào trẻ nữ. Trẻ nam thường không được giáo dục về nguy cơ bị xâm hại, không biết cách phản ứng, đối phó, cũng không biết đó là điều có thể xảy ra, dẫn đến hệ quả xót xa: khi bị xâm hại, các bé trai có xu hướng im lặng, không kể, không tố giác. Điều đó khiến tội phạm dễ tái phạm và lan rộng.

Gia đình - nơi đầu tiên cần được thức tỉnh

Tôi từng nghe một bị hại là bé trai thổ lộ: “Con biết người lớn không tin lời con, có khi còn chửi con, nên con phải chờ có cơ hội tự quay video… để gửi về gia đình, cứu các bé…”.

Quả vậy, nhiều khi trẻ em chỉ cần “một người tin con nói…”. Tại sao con trẻ phải cố gắng thuyết phục người lớn tin vào nỗi đau của chính mình? Khi xã hội còn nghi ngờ nạn nhân, yêu cầu “bằng chứng rõ ràng”, “chờ xác minh kỹ lưỡng”, tội ác đã có thêm thời gian để hủy hoại cả thể xác lẫn tâm hồn trẻ thơ. Tôi nhớ mãi đôi mắt hằn nỗi thống khổ của một đứa trẻ đã ngập nước mắt khi tôi nói “Chú tin con”.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trong một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật tại TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu trong một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật tại TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Xin đừng phó mặc việc bảo vệ con trẻ cho pháp luật. Mỗi người lớn hãy mang trong mình trách nhiệm trở thành “người giám hộ” cho những đứa trẻ không thể tự lên tiếng.

Hãy hỏi con mình, cháu mình, học sinh của mình: “Con có an toàn không?”, “Ai là người con không thích ở gần?”, “Nếu có chuyện gì, con sẽ kể với ai đầu tiên?”.

Hãy để mắt, để tâm và đừng để thêm ký ức bầm tím nào phải giấu kín. Chúng ta không thể xóa hết những vụ án đau lòng nhưng chúng ta có thể giảm thiểu chúng bằng sự tỉnh táo, dũng cảm và nhất định không thỏa hiệp.

Những nguyên tắc quan trọng


- Đừng giao con em mình cho ai dù là người thân, hàng xóm, bạn bè… mà không hiểu rõ người đó sống thế nào, cư xử ra sao.

- Đừng xem việc con ngủ chung, ở với “chú, bác, anh họ…” hoặc “đi hát karaoke với chú…” là chuyện bình thường.


- Hãy cảnh giác với cả những người có vẻ ngoài đạo mạo nhưng hay đụng chạm thân thể trẻ em quá mức.


- “Người thân” không thể là lá chắn miễn trừ đạo đức.

Con chỉ muốn không ai bị giống con…

Có lần, tôi hỏi bé trai hơn 7 tuổi: “Con có ý kiến, đề nghị hoặc mong muốn gì về khung hình phạt đối với bị can không?”, bé trả lời “Con chỉ muốn không ai bị giống con. Con cũng không muốn bị can phải chịu hình phạt nặng vì con vẫn thương…”.

Bé không khóc, nói trong nghẹn ngào và nhìn tôi với ánh mắt như thể đã quen chịu đựng đến mức không còn biết đau. Câu nói ấy khiến tôi hiểu rằng trẻ em, dù nhỏ đến đâu, cũng luôn mang tinh thần vị tha lớn hơn ta tưởng. Nhưng, người lớn đã làm gì để xứng đáng với sự tin tưởng đó?

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu
(Chi hội phó Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI