Những dư chấn xuyên thế hệ

22/07/2025 - 19:30

PNO - Việc ba mẹ cho rằng “lỡ xui rồi thì đành chấp nhận” khiến tổn thương ngày càng chất đầy và nối dài trong lòng các con.

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn - nhà sáng lập Ladies of Vietnam - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về hệ lụy khôn lường, thậm chí xuyên thế hệ, của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Phóng viên: Thưa chuyên gia, làm sao ba mẹ nhận biết được con mình bị xâm hại tình dục (XHTD) khi con còn quá nhỏ, chưa biết nói, chưa thể kể lại sự việc?

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn: Khi bị XHTD, một trong những dấu hiệu nhận biết là vùng kín của trẻ bị tổn thương. Có rất nhiều triệu chứng báo hiệu: trẻ ngủ mớ, giật mình, không ngủ; trẻ bứt rứt, khó chịu, quấy khóc, có thể khóc thét khi bị chạm vào bộ phận sinh dục, dỗ không nín; trẻ dễ bị sốt, bị căng cơ và cơ thể trẻ “đông cứng” lại, nắm chặt tay, khó di chuyển.

Để không lưu lại bằng chứng nhằm né tránh nguy cơ bị cáo buộc trước tòa, tội phạm có thể không xâm nhập ngón tay hoặc dương vật vào âm đạo/hậu môn của trẻ mà chỉ sờ mó, kích dục bên ngoài. Tuy nhiên, cơ thể trẻ vẫn sẽ phản ứng tương tự dù tội phạm có xâm nhập hay không.

* Với nạn nhân còn quá nhỏ, chưa biết gì, chưa nhớ gì, mức độ tổn thương có nặng nề so với người lớn hay trẻ đã có nhận thức?

- Để hành vi XHTD không bị bại lộ, kẻ thủ ác thường chọn những đối tượng ít phản kháng hoặc không có khả năng phản kháng càng tốt. Với trẻ bị xâm hại, cưỡng hiếp khi còn quá nhỏ (trước 6 tuổi), biến cố khủng khiếp đó vẫn ghi lại ký ức về mặt cơ thể nơi trẻ. Có khả năng ở độ tuổi dậy thì, cơ thể nạn nhân sẽ tiết ra rất nhiều nội tiết tố sinh dục, đặc biệt là testosterone. Ở độ tuổi 13-14, nội tiết tố sinh dục ở trẻ bị XHTD có xu hướng cao gấp 3 lần so với trẻ không bị xâm hại.

Trẻ không thể cắt nghĩa vì sao cơ thể đã “phản bội” chính mình như thế. Trẻ bị đánh thức bản năng, bức bối, khó chịu, thôi thúc phải quan hệ tình dục trong khi chưa có đủ nhận thức về các mối nguy, chưa có khả năng phòng ngừa.

Trẻ sẽ dễ xâm hại bạn, dễ mang thai ngoài ý muốn hay mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, trẻ dễ trở thành nạn nhân bị cưỡng ép lại và thế hệ con cái cũng sẽ mang tổn thương trên. Nói cách khác, những tổn thương sẽ lưu giữ theo cơ chế di truyền, tác động lên những thế hệ sau đó. Tổn thương ở nạn nhân tuổi đời còn quá nhỏ là rất nặng nề và xuyên thế hệ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

* Người lớn cần làm gì để chữa lành cho trẻ và chặn vòng lặp này, thưa chị?

- Ngoài tố giác tội ác, nhờ bác sĩ thăm khám những tổn thương về mặt thực thể cho nạn nhân, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý trị liệu càng sớm càng tốt. Họ sẽ làm việc với cơ thể trẻ, giúp trẻ rút dần khỏi trạng thái “đông cứng”, điều hòa lại hệ thần kinh, giúp trẻ lấy lại quyền tự chủ về mặt cơ thể. Nhiều ba mẹ không nhìn thấy được hậu quả lâu dài đó, cho rằng “lỡ xui rồi thì đành chấp nhận” khiến tổn thương ngày càng chất đầy và nối dài trong khi các con không đáng phải gánh chịu.

* Thưa chị, để bảo vệ trẻ trước nạn XHTD, chúng ta cần vá những lỗ hổng nào?

- Phụ huynh cần dẹp bỏ những “loại trừ” tai hại: phụ nữ không thể là thủ phạm, trẻ nam không lo bị tấn công tình dục, trẻ vào tuổi dậy thì phổng phao mới có nguy cơ còn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì không, người lạ mới có ý đồ xấu còn người thân chỉ cưng nựng, yêu thương trẻ… Trên thực tế, khoảng 90% trường hợp XHTD do chính người thân gây ra.

Nếu thủ phạm là người thân, nỗi đau của trẻ tăng lên gấp bội. Trẻ sẽ phải đối diện với người thân đó suốt cuộc đời. Và khi con nói rằng bị người thân tấn công tình dục, chưa chắc ba mẹ tin. Điều đó khiến trẻ ức chế, bất lực.

Điều quan trọng là những lỗ hổng về ranh giới của ba mẹ Việt cần được lấp đầy. Nhiều người nghĩ đơn thuần là ai cũng thương trẻ con nên nếu có động chạm vào cơ thể cũng không gây hại gì, không cần đề cao cảnh giác.

Đặc biệt, ba mẹ đùa cợt bộ phận sinh dục và cho phép người ngoài thực hiện việc này khiến trẻ bị kích dục. Nếu con phản đối, có khi còn bị cho là không ngoan, thậm chí bị mắng. Điều đó vô tình in vào bộ não non nớt của trẻ, khiến trẻ cho rằng mình không có quyền từ chối hành vi này và dần dần trở thành tiền đề khiến trẻ không biết cầu cứu khi bị XHTD. Hoặc tệ hơn là trẻ không biết mình bị xâm hại. Những chuyện tưởng nhỏ ấy báo hiệu sự vắng mặt trầm trọng của kỹ năng bảo vệ con khỏi nạn XHTD.

Trẻ cần được giáo dục về vùng riêng tư và cần được biết, được tin rằng con có quyền từ chối khi ai đó có xu hướng đụng chạm vào.

* Xin cảm ơn chị.

NGUYÊN TẮC 5 KHÔNG TRONG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

- Không cho bất cứ ai đụng chạm vào vùng kín của trẻ, ngay cả ba mẹ (trừ khi con còn quá nhỏ, ba mẹ phải chăm sóc, vệ sinh cho con).

- Không ép trẻ thân mật với người lớn, chẳng hạn ôm hôn, ngồi trên đùi...

- Không chụp hình/quay phim trẻ trong những tình huống nhạy cảm: đang tắm, thay quần áo, nằm hớ hênh...

- Không để trẻ một mình. Nếu phải giao cho ai trông giữ trẻ, cần có người giám sát. Với bất kỳ ai, dù quen thân hay người lạ, thuộc giới tính nào, nguy cơ XHTD cũng luôn phải được đặt ở chế độ cảnh báo.

- Yêu cầu trẻ không giữ bí mật những vấn đề liên quan đến cơ thể. Trẻ phải kể cho ba mẹ nghe về những bất thường của cơ thể như bị bệnh, những vấn đề liên quan đến vùng kín, ai đó có hành vi xâm phạm cơ thể, nhất là vùng kín...

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn

Nội dung tiếp theo

Tô Diệu Hiền - Ngọc Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI