Khoan dung kẻ thủ ác là khoét sâu nỗi đau của trẻ

23/07/2025 - 06:00

PNO - Trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người dân tại TPHCM, tôi nhận thấy qua các vụ xâm hại trẻ em, nạn nhân chủ yếu là con cháu trong các gia đình lao động nghèo ở tỉnh khác vào TPHCM làm công nhân, buôn bán nhỏ lẻ, thợ hồ, lao công…

Chúng tôi từng hỗ trợ cho một gia đình công nhân. Buổi tối, họ phải đi buôn bán thêm nên để con nhỏ trong nhà trọ. Một người quen đã giở trò đồi bại với cháu bé. Khi gia đình phát hiện sự việc, họ quyết định về quê, chôn vùi câu chuyện trong im lặng. Lúc đó, họ nghĩ sự việc là nỗi hổ thẹn của gia đình, nếu người ngoài phát hiện sẽ ảnh hưởng đến thể diện gia đình, con gái họ sau này sẽ “không thể ngẩng mặt nhìn ai”.

Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo_GEM.AI

Kết quả, chỉ sau 2-3 tháng, chứng kiến con gái chìm đắm trong nỗi sợ hãi và ám ảnh tâm lý, gia đình đó quyết định trở lại TPHCM tố cáo kẻ thủ ác. Nhưng lúc này, việc tìm kiếm bằng chứng trở nên vô cùng gian nan.

Thực tế cho thấy việc giải quyết các vụ án XHTD trẻ em đối mặt với nhiều thách thức lớn từ khâu phát hiện, thu thập chứng cứ đến quá trình tố tụng. Nhiều trường hợp gia đình nạn nhân e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự, tương lai trẻ hoặc không biết cách xử lý, dẫn đến việc khai báo chậm trễ.

Khi đó, các dấu vết, vật chứng tại hiện trường hoặc trên cơ thể nạn nhân có thể đã bị xóa mờ, biến mất, gây khó khăn cho việc giám định và thu thập chứng cứ khoa học (ví dụ: tinh dịch, ADN, vết thương...).

Bên cạnh đó, tội phạm XHTD trẻ em thường thực hiện hành vi ở nơi kín đáo, ít người chứng kiến khiến việc thu thập chứng cứ vật chất trở nên cực kỳ khó khăn. Trẻ em bị XHTD thường phải chịu đựng những sang chấn tâm lý nặng nề, ám ảnh lâu dài khiến trẻ khó hợp tác, thậm chí thay đổi lời khai hoặc từ chối tham gia.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường có hạn chế về khả năng diễn đạt, ghi nhớ chi tiết và kể lại sự việc. Một số trường hợp gia đình nạn nhân bị thủ phạm đe dọa, mua chuộc hoặc gây áp lực để rút đơn, khai báo không đúng sự thật gây cản trở nghiêm trọng cho quá trình điều tra.

Dù dư luận không ngừng lên án, pháp luật có những hình phạt thích đáng nhưng hành vi đồi bại này vẫn tồn tại. Điều đau lòng là nhiều gia đình biết con cháu mình bị xâm hại nhưng vì kẻ thủ ác là người thân (cha dượng, chú, bác…, thậm chí cha ruột), hàng xóm, người quen… đành nhắm mắt cho qua, xem đó là “chuyện trong nhà”, cố giữ “danh dự” cho gia đình. Khoan dung cho những trường hợp này là sai cách, chẳng khác nào bảo vệ kẻ đồi bại, khơi sâu nỗi đau của nạn nhân bé nhỏ.

Không ít gia đình quá mải mê mưu sinh, lơ là trách nhiệm với con cái, mỗi ngày đưa rước con đi học về là xong. Ba mẹ vì áp lực công việc nên không quản lý chặt, để con sa đà vào thiết bị công nghệ mà ít giao lưu cộng đồng. Trong khi đó, công nghệ, mạng xã hội lại là công cụ tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, gây ra những hành vi tổn thương cho trẻ.

Không những vậy, khi vùi đầu vào thiết bị điện tử, không được tham gia nhiều hoạt động xã hội, trẻ dễ trở nên khép mình, không biết cách chia sẻ… nên lỡ có vấn đề xảy ra, trẻ thường có xu hướng giấu kín. Tôi từng gặp trường hợp trẻ vì không được trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân nên sau khi bị XHTD, trong cơn hoảng loạn, em chỉ biết tắm rửa, giặt giũ quần áo thật sạch như muốn gột rửa nỗi ô uế. Em không biết việc đó vô tình làm mất đi chứng cứ vật chất có thể kết tội kẻ làm hại mình.

Vì vậy, để ngăn chặn nạn XHTD trẻ em, phải có các giải pháp từ gốc chứ đừng chờ sự việc xảy ra mới tìm cách giải quyết. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa việc giáo dục trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Ba mẹ phải quan tâm, thường xuyên chia sẻ với con, quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội của trẻ.

Song song đó, nên chú trọng giáo dục pháp lý học đường với sự chia sẻ của các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm để trẻ được trang bị kiến thức, ý thức được đâu là bạo hành, bạo lực, hành vi xâm hại, hành vi dâm ô, giao cấu, hiếp dâm… để tự bảo vệ bản thân.

Pháp luật cần có những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi XHTD trẻ em. Đối với những trường hợp xâm hại trẻ mang tính côn đồ, nguy hiểm, có tính chất loạn luân, cơ quan truyền thông phải vào cuộc, thông tin rộng rãi đến công chúng để nâng cao sự răn đe, lên án kẻ phạm tội và khuyến khích nạn nhân lên tiếng.

Ngoài ra, công tác truyền thông trợ giúp pháp lý phải được tăng cường và tuyên truyền đúng đối tượng, để từ đó giáo dục, bảo vệ con em mình một cách hiệu quả.

Huỳnh Tấn Đạt

- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM

Nhã Chân - Diễm Kiều (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI