Khi con là “sếp”

12/07/2013 - 16:13

PNO - PN - Giằng chén xuống bàn rồi lấy chân đẩy ra xa khiến cơm văng tung tóe, Bông khóc thét: “Con không ăn cà chua, đậu bắp, sao mẹ lấy làm chi?”. Mẹ vừa nhanh tay đưa đũa gắp mấy lát cà ra khỏi phần cơm của con, vừa luống cuống năn...

Mỗi lần không hài lòng việc gì, Bông đều phản ứng bằng cách bỏ ăn, nhịn uống hoặc gào khóc cho đến khi ho dữ dội, thậm chí vài lần còn tím tái cả mặt mũi. Ban đầu mẹ làm căng, trách mắng, dọa phạt roi, con gái không những không sợ mà ngày càng bướng.

Khi con la “sep”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bông thường ăn hiếp, đánh lén em Bơ. Đến nỗi lúc Bơ chưa biết nói đã biết đánh lại chị. Khi thấy chị bị phạt, Bơ cũng trỏ tay về phía chị, ê a quát loạn. Rồi em học chị, quát cả mẹ. Mệt mỏi vì công việc, về nhà mẹ còn “đánh vật” với con đến kiệt sức.

Ban đầu, con chỉ dám “hành” ba và mẹ. Dần dần, các con không sợ cả ông bà, người quen. Lần đó, ba mẹ có việc ra ngoài, nhờ ông nội sang trông chừng nhà, thực chất là trông chừng các con. Ông kể, hai đứa ầm ĩ một trận vì không được đi theo mẹ. Ông làm thinh, ra vẻ phớt lờ. Đến khi đói, Bông đành tự ăn cơm. Sau đó, nằm ngủ ngon lành ở phòng khách.

Riêng Bơ quên mẹ nhanh hơn vì bận “đề cao cảnh giác” với ông. Chỉ tay vào chiếc ghế đá đặt trước sân, bé “ra lệnh”: “Ông nội đừng vô nhà con. Ông nội ngồi đó đi”. Mỗi lần ông định vào nhà xem Bông ra sao thì lập tức Bơ phát “tín hiệu” yêu cầu ông nội không được “xâm phạm gia cư”. Hiểu tâm lý cháu, ông vờ chẳng quan tâm, thong thả đi dạo khắp vườn. Hái chùm nhãn đầu mùa, ông nội đến ngồi đúng vị trí Bơ mong muốn, vừa ăn trái vừa nhâm nhi trà. Lát sau, Bơ rón rén lại gần, ông nội vui vẻ: “Lại đây con. Nội để dành mấy trái to nhất cho con nè. Ngọt lắm”. Ăn đến trái nhãn thứ tư, “cô chủ nhỏ” đã ngồi gọn trong lòng ông.

Chiều hôm ấy về nhà, mẹ rất ngạc nhiên khi thấy hai con quấn quýt bên ông nội. Ông nói gì con cũng nghe theo, gọi dạ bảo thưa, thật ngoan. Nhìn các con hồn nhiên chơi đùa cùng ông, mẹ cảm thấy nhẹ nhõm. Qua lời kể của ông nội, mẹ tìm ra được hướng “cải tạo” hai “sếp” nhà mình. Khi cần, mẹ có thể lảng tránh, làm lơ để đánh lạc hướng, khiến các con quên những đòi hỏi phi lý. Mẹ sẽ dịu dàng, cùng chơi và thủ thỉ với con nhiều hơn; sẽ thuyết phục thay cho buông xuôi hoặc áp đặt. Tuy vậy, những lúc nhất thiết phải có sự cứng rắn và nghiêm khắc, mẹ tự hứa sẽ “vững lòng”, quyết không thực hiện nửa vời.

 Việt Hạ

Từ khóa Khi con là sếp
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI