Gia đình song hành với sự chuyển mình của đất nước: Cơ hội để sáng tạo những câu chuyện hạnh phúc mới

02/04/2025 - 17:30

PNO - "Tinh giản" là bài tập tốt để thử thách “cái tôi”, sự mạnh mẽ và lòng yêu thương đối với người thân. Hơn bao giờ hết, gia đình nên dành cho nhau tình thương, sự tôn trọng và kiên nhẫn.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ là câu chuyện ở tầm vĩ mô mà còn len lỏi vào các gia đình, nhất là những gia đình có thành viên là cán bộ, công chức, viên chức. Tổ ấm xáo trộn hay ổn định, rối tinh hay hoàn thiện, phát triển tùy cách mỗi gia đình “đón sóng”.

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền - chuyên gia tâm lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Khoa học công nghệ TPHCM, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch - đã có cuộc trò chuyện với Báo Phụ nữ TPHCM về vấn đề này.

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền - Ảnh do nhân vật cung cấp
Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thói quen “ổn định” khiến chúng ta thiệt thòi

Phóng viên: Xin giáo sư cho biết những xu hướng tâm lý nào đang lưu chảy trong xã hội trước câu chuyện sáp nhập, tinh giản?

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền: Có thể nói đây là cuộc cách mạng về hành chính, tận dụng tối ưu nguồn lực của đất nước và mỗi người dân cần đặt sự phát triển của đất nước lên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, nhiều người lạc quan, hy vọng về sự chuyển biến tích cực của đất nước, tạo đà thuận lợi cho sự đổi mới, đi lên ở mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Hẳn nhiên, mỗi gia đình sẽ hưởng lợi từ sự chuyển mình đó.

Tuy nhiên, có một bộ phận suy nghĩ tiêu cực, lo lắng rằng sáp nhập thì giảm việc, dẫn đến thất nghiệp rồi lấy gì ăn, lấy gì sống, lấy gì nuôi con ăn học… Bộ phận tiếp tục ở lại phục vụ bộ máy chính quyền thì lo lắng áp lực công việc tăng, bản thân không đáp ứng nổi.

* Do hạn chế về tuổi tác, học vấn, kỹ năng hay nguyên nhân chính yếu nào đưa đến tâm lý hoang mang ấy, thưa giáo sư?

- Mỗi người đều có những lợi thế và hạn chế riêng nên khó so sánh ai đáng lo ngại, ai sẽ đáp ứng công việc tốt. Nhưng, có một điều mấu chốt, luôn đem lại sức mạnh cho người lao động: sự thích ứng. Bản thân tâm lý không kiến tạo nên hoàn cảnh, cũng không thay đổi hoàn cảnh, mà nó giúp ta thích ứng với hoàn cảnh để tạo ra những giá trị mới.

Đến đây, chúng ta trở lại lý thuyết lớn của chủ nghĩa Mác - Lê nin: “Lao động là vinh quang”. Không lao động chỗ này thì ta lao động chỗ khác. Không làm công chức thì ta chuyển sang mảng kinh doanh, giáo dục, du lịch, giao thông, truyền thông… Không là công bộc của dân thì ta là công bộc của chính ta. Rồi ta cũng sẽ có được thu nhập lo cho gia đình, vươn đến những thành tựu và đóng góp công sức cho xã hội.

* Quan điểm “làm nhà nước thì ổn định” đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người Việt Nam, nên có vẻ một số cá nhân không dễ dàng cho sự rời đi này…

- Ở một góc nhìn khác, cái gọi là ổn định và an toàn đó chính là điều khiến cán bộ, công chức “thiệt thòi”, bởi ta có thể đánh mất sự năng động. Thay đổi có đem lại hạnh phúc? Tôi cho rằng có. Nếu làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, làm việc nhiều năm trong trạng thái tâm lý ỳ, bạn sẽ không khám phá hết tiềm năng, tài năng của mình. Có thể nhiều người sẽ giàu lên, góc nhìn mở ra khi chấp nhận và thích ứng tốt với sự thay đổi.

Là công chức, bạn học hết lý luận này đến lý luận khác, bạn nói cho dân nghe thì cũng sẽ có động lực và bản lĩnh để nói với bản thân. Tất nhiên quá trình phát triển cũng là đào thải. Nếu năng động và nỗ lực, không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo, tận dụng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là chuyển đổi số, bạn sẽ lại ổn định ở hoàn cảnh mới.

Rất có thể con cái, vợ/chồng bạn cũng sẽ là “người thầy” chỉ dẫn những kỹ năng mới để bạn mau chóng bắt kịp công việc mới một cách tự tin.

Gia đình trong điều kiện mới sẽ có những yếu tố mới để sát cánh và yêu thương nhau hơn (ảnh minh họa: Shutterstock)
Gia đình trong điều kiện mới sẽ có những yếu tố mới để sát cánh và yêu thương nhau hơn (ảnh minh họa: Shutterstock)

Gia đình phải là điểm tựa

* Những điều gì cần tránh trong các gia đình ở giai đoạn “giao thời” này, thưa ông?

- Tránh tâm lý nôn nóng dẫn đến thúc ép, chê bai hoặc phủ định sự cố gắng của người đang thay đổi công việc. Điều này khiến họ tự ti, mặc cảm, mất động lực (nhất là với người xưa nay là trụ cột gia đình hoặc đã có thành tựu nhất định ngoài xã hội). Cần hiểu rằng vợ/chồng mình, cha/mẹ mình đang cần thời gian để thích nghi, cần sự hỗ trợ để làm quen dần môi trường mới.

Bản thân người thay đổi công việc cũng phải luôn thể hiện trách nhiệm với gia đình, nếu tạm thời không đóng góp về tài chính thì tích cực sẵn sàng đóng góp công sức trong việc nội trợ, đưa rước con, chăm sóc người thân, phụ giúp trông hàng…

Đây là bài tập tốt để thử thách “cái tôi”, sự mạnh mẽ và lòng yêu thương đối với người thân.

Với cán bộ, công chức tiếp tục ở lại phục vụ trong bộ máy chính quyền, tính chất, quy mô, khối lượng công việc cũng khác trước. Do vậy, cần đầu tư công sức nhiều hơn vì sẽ vất vả, gặp trở ngại trong giai đoạn đầu. Gia đình, kể cả các cháu nhỏ, cũng cần hiểu và hỗ trợ tinh thần cha mẹ mình. Các cháu nên tự giác học hành, phụ giúp, đỡ đần việc nhà để cha mẹ tiếp cận công việc tốt, cũng như còn thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức lao động.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc các cá nhân nhận khoản bảo hiểm thất nghiệp, thì nên có sự bàn bạc với gia đình để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chẳng hạn gửi ngân hàng, tái đào tạo, đầu tư kinh doanh, đóng góp cho đại gia đình… Không nên giữ riêng, tự ý tiêu xài hoang phí, nhậu nhẹt, đỏ đen để tuổi già trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

* Theo giáo sư, các thành viên gia đình cần làm gì để “bơm” động lực cho nhau, cùng giữ cho mái ấm hạnh phúc, phát triển?

- Hơn bao giờ hết, gia đình nên dành cho nhau tình thương, sự tôn trọng và kiên nhẫn. Cởi bỏ tư duy cứng nhắc, nói “không” với định kiến và mềm dẻo trong sắp xếp, tổ chức cuộc sống sẽ mang lại sinh khí mới cho gia đình. Khi đó, mỗi người sẽ chu toàn hơn các vai trò của mình mà cơ hội phát triển bản thân vẫn được đảm bảo.

Không chỉ những gia đình có người thân thay đổi công việc mà mọi gia đình cần tận dụng thời cơ này; góc nhìn mới mẻ, đa diện này để sắp xếp lại, mạnh dạn sáng tạo ra những câu chuyện hạnh phúc mới.

Đó có thể là sắp xếp chỗ ở, phòng ốc của các thành viên cho tiện việc chăm sóc hơn (nhất là cha mẹ già yếu), làm sao cho bữa cơm gia đình vui và hấp dẫn hơn, cùng đăng ký tham gia một cuộc thi chạy vì cộng đồng, thiết kế một kịch bản thật dễ thương cho lễ “hấp hôn” của cha mẹ hoặc bàn bạc cả nhà du lịch dã ngoại ở đâu vào hè này…

Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để vun đắp hạnh phúc nếu gia đình chủ động thích ứng và song hành với sự chuyển mình của đất nước.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI