PNO - PN - Bạn bè thường khen chị là người vợ biết hy sinh cho chồng. Thời anh đang trên đỉnh cao sự nghiệp, lương tính bằng “đô”, lắm khi chị trộm nghĩ, không có mình, chắc gì đã có anh hôm nay.
edf40wrjww2tblPage:Content
Vợ chồng cưới nhau khi cả hai vừa tốt nghiệp đại học. Một đám cưới chạy do chị lỡ dính bầu. Trước đó, chị đã tính chuyện bỏ con, khoan cưới. Chị học giỏi, thông minh, nhiều mơ ước tương lai, chưa ra trường đã có công ty dành sẵn một chỗ làm nên khi chị quyết định lấy chồng, sinh con, coi như mọi thứ phải tạm khép lại. May mà anh tốt nghiệp loại giỏi, lại từng có nhiều sáng kiến đóng góp cho trường nên được giữ lại làm giảng viên. Phần anh nài nỉ quá, phần yên tâm anh có công việc ổn định, cuộc sống không đến nỗi túng thiếu nên chị xuôi theo. Hôm chị đi gửi thiệp hồng, bạn bè có người tiếc nhưng cũng có người trầm trồ, so sánh vui chị với cô Loan - vợ thầy Tiên trưởng khoa, hy sinh cả sự nghiệp cho chồng. Họ còn khuyến khích: “Đàn bà phải vậy, phải có đức hy sinh”.
Chuyện cô Loan, gần 30 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên của trường đều biết. Năm ấy, vợ chồng cô đều là giảng viên, cùng có tên trong danh sách được ra nước ngoài tu nghiệp. Trước ngày lên đường, tin từ quê “bay” vào, cha thầy đổ bệnh, nằm liệt. Biết chuyện tu nghiệp ở nước ngoài là giấc mơ của chồng, cô Loan lẳng lặng xin rút tên, xin dừng công tác, một mình bắt xe về quê. Ba năm đằng đẵng, cô vừa chăm sóc cha chồng vừa vất vả trồng sắn, trồng bắp mưu sinh. Có cô, thầy an tâm học tập. Ngày thầy về nước, cha vẫn còn nằm liệt. Thầy nhận công tác ở thành phố, cô vẫn tiếp tục ở quê chăm cha. Vợ chồng chia cách như thế kéo dài thêm 15 năm, cha chồng mất, cô mới chịu trở lại thành phố đoàn tụ cùng chồng. Thầy Tiên luôn nhắc đến vợ với sự xúc động, tự hào, biết ơn. Cô Loan, dù không đứng lớp giảng dạy, vẫn “nổi tiếng” khắp trường…
Con gái chị chào đời. Bao nhiêu thứ phải lo, đều dựa hết vào anh. Anh mới đi làm, giờ đứng lớp không nhiều, thu nhập ít ỏi không xoay xở nổi. Mấy bận túng thiếu, chị đâm cáu bẳn khiến vợ chồng lời qua tiếng lại. Lần cãi nhau nào chị cũng hờn trách: “Tôi hy sinh công việc, tuổi trẻ để nhận lấy sự chật vật này đây”. Điện thoại cho bạn, chị chua chát: “Anh ấy hứa không để vợ con khổ mà giờ cả đám muốn chết đói. Phải chi hồi đó mình đừng ngu, vì anh ấy mà hy sinh tương lai sự nghiệp, giờ đâu đến nỗi”. Bạn dấm dẳng: “Ráng lên, bà cho ông ấy thêm thời gian. Đã hy sinh thì phải hy sinh cho trót!”. Bạn khuyên chị, sẵn nhà có mặt bằng, sao không mở một shop mỹ phẩm, vừa tiện chăm con vừa có thêm thu nhập.
Con gái lên ba, chị mang tấm bằng ra “phủi bụi”, thủ thỉ với anh: “Nghe nói trường anh sắp có khóa cao học, em đăng ký thi nha”. Anh cho biết, anh cũng vừa ghi danh kỳ thi đó: “Hai đứa đi học, chuyện nhà ai lo, rồi học phí đâu có ít”. Chị giãy nảy: “Bao nhiêu năm ăn học, em không thể cứ đứng bán mỹ phẩm”. Anh nói như nài: “Em vì anh lần này nữa thôi”. Chị đắn đo, cân nhắc, cuối cùng cũng đồng ý, với điều kiện cửa hàng sẽ thuê người đứng bán, chị đi tìm việc. Gần nửa tháng loay hoay gửi hồ sơ, gặp gỡ phỏng vấn, không chấp nhận mức lương người ta đưa ra, chị ngậm ngùi về lo tiếp cửa hàng mỹ phẩm. Nghe chuyện chị một lần nữa chấp nhận đứng yên để chồng được bước tới, bạn bè lại khen chị sao giỏi hy sinh vì chồng. Anh xong khóa cao học, chị tổ chức bữa tiệc để bạn bè chia vui. Giữa buổi tiệc, chị khoe, anh đã nghỉ dạy để đầu quân về một công ty lớn, thu nhập cao ngất ngưởng. Bạn ghé tai chị: “Không có bà, chắc gì có ổng hôm nay”. Chị cười cười. Đâu cần đợi bạn nói, từ lâu chị đã nghĩ, đó là điều hiển nhiên. Thế nên, chị tự hào về anh, còn tự hào về mình đã biết hy sinh.
Vợ chồng chị vừa cãi nhau, do anh bất ngờ về nhà với quyết định thôi việc, giải thích, đó là hậu quả của việc anh phanh phui vụ tiêu cực ở công ty. Không dưng, chị thấy anh thật… vô dụng. Chị than: “Nghỉ làm thì lấy gì mà ăn?”. Anh gãi đầu: “Để anh tính tiếp”. Đột nhiên chị nổi cáu: “Ngu như anh mà tính được gì. Ngu mới không biết “ăn theo thuở, ở theo thời”, nương theo người ta mà sống”. Anh sững người sau câu nói của chị, bỏ đi. Chị vói theo: “Tôi lùi tám bước để anh bước chỉ một bước, vậy mà bước không nên thân. Biết vậy, tôi chẳng dại hy sinh cả đời vì một kẻ như anh”. Anh đi đã hai ngày không về. Chị mặc kệ, vì thấy mình không sai. Chị gọi cho bạn kể chuyện, không quên nhắc lại câu: “Mình đã hy sinh, đã lùi tám bước để ảnh bước một bước mà không nên…”. Trong lúc trút tâm sự, chị bỗng nhớ đến cô Loan, liền so sánh: “Như cô Loan, sự hy sinh của cổ đâu có vô ích, được thầy Tiên bù đắp. Thầy thành đạt, cổ đi đâu cũng nở mặt, cuộc sống sung sướng, chẳng phải đụng tay làm gì. Biết vậy…”. Bạn cắt lời, phân tích: “Cô Loan hy sinh vì sự nghiệp, đam mê của chồng. Khi hy sinh, cô ấy đâu có tính toán thiệt hơn, đâu nghĩ chuyện được bù đắp. Còn bà, hy sinh mà có điều kiện, đòi chồng phải đáp trả. Nói vui, tui không biết bà hy sinh cho chồng, hay… hy sinh chồng cho đòi hỏi của mình?”.
Bạn bảo chỉ nói vui thôi, nhưng sao chị đột nhiên thấy... buồn và hốt hoảng...