Đẻ trước cho chắc

12/05/2020 - 05:32

PNO - Sau loạt bài Quyết định 588 - TTg về tăng trách nhiệm đóng góp xã hội và cộng đồng đối với cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn, chúng tôi nhận được nhiều bài viết phản hồi của bạn đọc về vấn đề này. Xin chia sẻ cùng quý độc giả.

1.Thằng Tèo con bà Lượm bán cháo lòng ở khu chợ ngoại ô thành phố. Cạnh quán cháo lòng là quán cơm bình dân của bà Toan. Bà Toan có cô con gái là con Tý bằng tuổi thằng Tèo. Tèo và Tý học cùng trường, nhưng đến năm lớp Chín thì bỏ học, ở nhà giúp mẹ bán quán.

Kiến thức chín năm phổ thông vốn lõm bõm, đã nhanh chóng bay sạch nhường chỗ cho các kiểu kiến thức chợ búa. Ngày ngày, chúng giúp mẹ bán hàng, bưng bê, rửa bát đũa… Những lúc rỗi, chúng hóng chuyện mấy bà hàng tôm hàng cá, toàn chuyện người lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một hôm, khi đã hết hàng, hai bà mẹ về trước, còn hai đứa nhóc dọn dẹp bàn ghế rồi đóng cửa quán, thì trời mưa nên phải trú lại trong lều chợ. Trời tối, ngồi sát bên nhau, hai cơ thể trẻ chưa đầy 17 tuổi đang dậy thì hừng hực, bỗng dưng nổi cơn thèm muốn, mặc dù, chúng vẫn chưa hiểu biết cái sự thèm muốn ấy trong cơ thể mình. Bởi lẽ, khác với đám trẻ cùng lứa, cuộc sống hai đứa ngoài những câu chuyện thô tục của các bà, các cô trong chợ, thì cả hai sách không thèm đọc, ti vi chả bao giờ xem.

“Tao với mày... làm vợ chồng đi”- Tèo gạ gẫm.
“Làm vợ chồng là sao? Là lấy nhau á?”.
“Thì lấy nhau, nhưng tao nói chuyện vợ chồng là chuyện… giống cô Thu bán cá kể ấy, mày không thấy thích à?”.
“Thích, nhưng mày có biết làm giống chồng cô Thu không?”.
“Biết chứ… tao làm cho mày xem nhé!”.

Và để thể hiện bản lĩnh, Tèo đè ngửa Tý ra. Tý thoạt đầu sợ hãi nhưng cái thích thú còn mạnh hơn, rốt cuộc cô bé cũng hưởng ứng. Hai đứa nhóc hì hục làm chuyện người lớn đến khuya.
Từ hôm đó hai đứa như nghiện nhau, tối nào cũng kiếm cớ ở lại. Hôm thì bên lều tiết canh cháo lòng, hôm thì lều cơm bình dân, và làm chuyện người lớn với nhau.

Vài tháng sau Tý có chửa. Nó nôn mửa rồi ăn dở và bà Toan phát hiện ngay. Bà kể với chồng là ông Tới. Ông Tới nổi cơn thịnh nộ mở cuộc điều tra và phát hiện thủ phạm là thằng con hàng xóm nhà mình. Ông uất ức đánh cho Tý một trận thừa sống thiếu chết rồi bắt nạo. Bà Toan thương con, bảo tý tuổi đầu đã nạo thì sau này khó sinh con, ảnh hưởng sức khỏe… Rồi bà đề nghị sang nói chuyện với bà Lượm. 

Bà Lượm hỏi thằng Tèo thì thằng Tèo nhận ngay. Bà Lượm chửi loạn lên, rồi bảo ông bà Tới hay làm đám cưới cho hai đứa. Ông Tới bảo, chúng chưa đủ tuổi kết hôn. Bà Lượm bảo, hay cứ kệ chúng nó, cứ để con Tý chửa đến lúc đẻ đủ tuổi là vừa.

Quyết định 588 của Thủ tướng khuyến khích sinh con trước tuổi 35. Ảnh minh họa
Quyết định 588 của Thủ tướng khuyến khích sinh con trước tuổi 35. Ảnh minh họa

Gần năm sau con Tý sinh con, một bé trai bụ bẫm, và Tý với Tèo cũng vừa tròn 18, đủ tuổi kết hôn. Hai bên tổ chức đám cưới và Tý chuyển sang nhà bà Lượm ở với Tèo. Vốn trẻ con được ăn vụng thì thích, giờ về ở với nhau thì trở nên nhàm chán. Cả Tý và Tèo đều không công ăn việc làm, bà Lượm phải nuôi cả con lẫn cháu trong khi buôn bán ế ẩm, thế là căng thẳng. Hết mẹ chửi con cái lại đến hai vợ chồng chửi nhau, đánh nhau. Nhiều lần Tý phải ôm con về nhà, nhưng lại bị ông Tới đuổi quay về nhà chồng.

Khi đứa bé được ba tuổi thì tình hình đã rất bi đát. Tý quyết định gửi con lại cho bà nội rồi trốn ra Đồ Sơn tìm việc làm, còn làm gì thì có giời biết. Tèo cũng bỏ nhà vào miền trung làm thuê cho dân đào vàng…
Một ngày đẹp trời, ông Tới phấn khởi sang nhà bà Lượm, bảo biết thằng Tèo con Tý ở đâu thì gọi nó về ngay. Cơ hội đổi đời cho chúng nó đây rồi. Bà Lượm kinh ngạc, hỏi có chuyện gì, cơ hội gì mà đổi đời?

“Đây, chỉ thị của Thủ tướng, chương trình trẻ hóa dân số nhé! Bà xem đi, chúng nó nứt mắt ra đã đẻ thế là quá hay rồi. Giờ gọi ngay chúng nó về, khẩn trương đẻ thêm. Thằng cu này ba tuổi rồi phải không? Đẻ gấp đứa nữa và cứ ở nhà… Không phải đi đâu cả! Nhiều ưu đãi lắm, nhà nước lo!”.

Bà Lượm mừng cuống, tìm điện thoại gọi ngay cho con trai và con dâu. Cuối tháng Tý và Tèo về. Cả hai thắc mắc hỏi có chuyện gì, bà Lượm bảo: “Cứ đẻ đi, đẻ cho chắc, sẽ có nhà nước lo”.

Ảnh minh họa
Tương lai đất nước có phụ thuộc vào việc lớp trẻ kết hôn và đẻ sớm hay muộn? Ảnh minh họa

2. Chuyện vợ chồng thằng Tý con Tèo đang nheo nhóc bỗng dưng đổi đời loan ra khắp xóm. Trong xóm có ông giáo sư về hưu tên Thức, vốn lịch lãm và tao nhã, thường coi thành phần như bà Lượm, ông Tới, bà Toan không ra gì. Lần này nghe chuyện gia đình họ, ông chạnh lòng gọi điện cho thằng con trai là Thành đang làm luận án tiến sĩ bên Singapore.

“Khẩn trương về nước. Cưới vợ và đẻ con ngay cho bố!”.
“Con còn đang làm luận án, hơn năm nữa mới xong, mà khi có bằng cấp rồi cũng phải có việc làm kinh tế ổn định con mới cưới vợ”- Thành trả lời cha.

“Hết đại học rồi sau đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, rồi còn phải có sự nghiệp nữa… Lúc ấy thì muộn rồi con ạ! Mày biết nhà nước giờ ưu tiên đẻ sớm, kết hôn sớm, và những ưu tiên đó… Chà chà… Rất nhiều thứ nhé! Về ngay, cưới và đẻ cho chắc, học sau, sự nghiệp sau”.

“Nhưng con đang làm dở luận án không về được”.
“Dở cũng vứt đấy! Về cưới vợ đẻ đã! Tao cả đời trí thức nên hiểu, cơ hội như này đừng bỏ lỡ”.
“Không! Con học hành xong sẽ về và như vậy sẽ đóng góp cho xã hội nhiều hơn”.

“Đóng góp gì cũng không bằng đẻ sớm. Hoặc phải về ngay, cưới vợ ngay, hoặc đừng gọi tao là bố nữa, hiểu chưa!", Ông Thức tức tối dập máy.

3. Một nhà khác trong xóm, vợ chồng ông Long, bà Loan đã ngoài ngũ tuần, đàn con sáu đứa cũng đã trưởng thành. Thấy tình hình Quyết định 588 rộn ràng, ông nhìn bà tiếc rẻ.
"Tôi với bà, năm 35 tuổi đã đủ một đàn sáu đứa rồi, hồi ấy thì chả ai kêu gọi hay hỗ trợ gì".
"Mình thích thì mình đẻ. Cần gì phải hỗ trợ".

Nhưng có hỗ trợ vẫn hơn chứ. Giờ thì nhiều đứa chưa muốn cưới, chưa muốn đẻ cũng tranh thủ cưới để đẻ ngay. Tương lai đất nước phụ thuộc vào việc lớp trẻ kết hôn và đẻ sớm hay muộn đấy. Này, nếu thế tôi với bà phải được truy nhận huân chương mới phải.

"Huân chương con khỉ! Giờ đã chật nhung nhúc ra rồi, tương lai chắc giẫm lên nhau mà đi".
"Bà chả hiểu gì. Thủ tướng ban quyết định rất chi tiết, vùng dân đông thì tỷ lệ là hai chấm, còn chỗ vắng thì được phép hai chấm hai… Như vậy, tương lai đất nước sẽ đông nhung nhúc một cách đồng đều. À, vợ chồng thằng Cường ở Mèo Vạc mới có hai đứa, chỗ nó được ưu tiên đẻ ba hoặc bốn đấy, gọi ngay cho nó, bảo đẻ luôn cho chắc…"

4. Cuối xóm có căn hộ của nhà thơ nữ Thu Giang, nàng dành cả tuổi trẻ cặm cụi học hành, rồi đi làm báo, viết văn chương thơ phú. Người ta bảo loài ong dâng mật cho đời thì nhà thơ, nhà văn dâng tác phẩm. Mải dâng mật cho đời mà nhiều mối tình đã qua nhưng chưa mối tình nào đọng lại, giờ hơn 30 tuổi chưa lập gia đình, chưa có con, lại đúng lúc những điều đó gần như là “phạm tội” với đất nước, nàng bỗng thấy bàng hoàng.

Nàng nên làm thế nào đây hả ông giời? 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

Bạn đồng tình hay phản đối chuyện kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35? Bạn đang ở độ tuổi nào và đã trải nghiệm hôn nhân chưa? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện của bạn quanh các nội dung Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI