Cùng cảnh mất vợ, 2 ông sui ở chung nhà, ngủ chung 1 giường

07/09/2017 - 16:39

PNO - Đó chính là câu chuyện rất đặc biệt của ông Thu (73) và ông Mịch (72 tuổi) tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội.

Căn nhà ngói nhỏ nhà ông Thu luôn rộn ràng tiếng cười nói, nhất là khi các con cháu đi làm đi học hết. Trong nhà luôn có 2 cụ ông ngồi nói chuyện với nhau. Hàng xóm ai cũng khâm phục cách sống của ông Thu, ông Mịch. Nếu không nói ra, họ sẽ chẳng bao giờ biết được 2 cụ ông này không phải anh em ruột. Họ là thông gia nhưng lại sống chung dưới 1 mái nhà, ăn chung 1 mâm cơm, ngủ chung 1 giường đã 3 năm nay.

Mười mấy năm trước, vợ ông Thu qua đời vì bệnh ung thư. Sự ra đi đột ngột của bà khiến ông Thu rất đau đớn. Thế nhưng, thương các con đang tuổi kén vợ, kén chồng, ông Thu phải vững vàng,  lần lượt lo cho 3 người con của mình lập gia đình. 

Cung canh mat vo, 2 ong sui o chung nha, ngu chung 1 giuong

Mười mấy năm trước, vợ ông Thu đã qua đời vì một căn bệnh ung thư. Sự ra đi đột ngột của bà khiến ông Thu như mất mát đi một phần tâm hồn mình. (Ảnh minh họa)

Hai con trai ông Thu vào Đà Nẵng làm ăn và sinh sống. Một năm, các con ông chỉ về thăm bố vài lần. Cô con gái làm việc tại Hà Nội. Ngay khi con gái lớn, ông đã mong con gái lấy chồng gần, ở rể.

Trời cho ông đúng ước nguyện khi một ngày con gái ông đưa về nhà 1 chàng trai ở cách nhà ông gần 20 cây số. Tuy anh ta nghèo, nhưng ông Thu nhận thấy anh có nhiều đức tính tốt, chịu khó làm ăn nên ông gật đầu đồng ý. Đám cưới của đôi trẻ tổ chức luôn sau đó.

Cách sống của chàng rể biết điều, coi nhà vợ như nhà mình khiến ông Thu rất hài lòng. Tuy nhiên, khi con rể ông mới chỉ cưới vợ được vài tháng thì bà sui gia bên nhà qua đời vì tai nạn giao thông. Bà sui gia đi, để lại một mình ông sui gia sống cô đơn trong căn nhà nhỏ. Con rể ông chỉ có một chị gái lấy chồng xa nên từ ngày mẹ mất, con rể ông cứ phải vất vả chạy đi chạy lại thăm nom, chăm sóc bố mình.

Đồng cảm với cảnh ngộ mất đi vợ sớm, ông Thu nhiều lần tới nhà ông Mịch để tâm sự cho vơi nỗi buồn. Rồi một ngày, ông Thu quyết định đến mời ông sui gia về nhà mình sống. Bởi ông Thu không an tâm khi thấy anh sui một mình vò võ trong căn nhà nhỏ. Chưa kể con rể, con gái cũng phải vất vả đi lại trông nom những hôm sui gia ốm đau, mưa gió…

Quyết định này của ông Thu đã được các con đẻ, con dâu, con gái và con rể ông ủng hộ. Vì thế, ông Thu đón ông Mịch về nhà cùng ăn ở. Các con có rau ăn rau, có cháo 2 cụ ông ăn cháo. Chỉ cần 2 sui gia sống chung 1 nhà để nương tựa vào nhau.

Về phía ông Mịch, ban đầu nghe lời đề nghị của sui gia, ông cũng ngỡ ngàng. Nhưng ông Mịch còn giữ ý, bởi ông sợ khi về sống cùng sẽ va chạm mà không hay cho các con. Nhưng trước sự thuyết phục nhiều lần của ông Thu và các con nên ông đã nhận lời. Từ khi về nhà ông Thu sống cùng 1 mái nhà, 2 ông sui gia chưa bao giờ to tiếng, cãi vã nhau. Dù nhà rộng nhưng 2 ông sui gia vẫn ngủ chung 1 giường, sống chung 1 phòng.

Cung canh mat vo, 2 ong sui o chung nha, ngu chung 1 giuong

Từ khi về nhà ông Thu sống cùng 1 mái nhà, 2 ông sui gia chưa bao giờ to tiếng, cãi vã nhau. (Ảnh minh họa)

Ông Thu, ông Mịch cùng xem nhau như những người bạn thân, như anh em ruột của nhau. Hàng ngày, họ cùng phụ giúp các con những việc nhà như quét dọn nhà, cơm nước. Sau khi làm xong, họ nghỉ ngơi, tâm sự.

Những lúc sui gia ốm đau, 2 cụ ông tự chăm sóc nhau, mua thuốc cho người kia uống hay đút cháo cho người kia ăn. Hoặc khi đi vệ sinh, nếu người kia ốm đi lại khó khăn, sui gia cũng dìu nửa kia.

Khi nhà có việc hệ trọng hoặc những khi nỗi lòng dâng trào, 2 cụ sui gia lại nằm nói chuyện tới sáng tâm sự. Ông Thu, ông Mịch còn luôn động viên nhau, làm sao phải sống thật có ích, thật hòa thuận để là tấm gương cho các con cháu.  

Phương Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI