Công Phượng: Bóng đá, anh trai và ngôi nhà cũ...

10/02/2019 - 06:00

PNO - Trên cánh tay của Phượng có một hình xăm, đó không phải tên một cô gái nào đó, càng không phải chân dung một ai. Đó là hình ảnh căn nhà cũ, nơi Phượng từng có người anh trai ngày ngày đá quả bóng rơm cùng mình...

Khi tuyển thủ... về nhà 

Trên sân cỏ, trên đường đua họ có thể là người hùng nhưng chỉ cần về tới bậc thềm nhà, họ trở về là đứa trẻ bé bỏng thèm được ăn món mẹ nấu, thèm hơi ấm gia đình. 

Nhiều người trong số họ rời gia đình từ khi còn rất nhỏ để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Cho đến khi thành công, số thời gian sinh hoạt cùng đội tuyển còn nhiều hơn số ngày sống cùng bố mẹ. Một cái Tết cùng gia đình, đôi khi cũng trở thành xa xỉ. Trong khi nhiều người hối hả xuôi về nhà, họ lại vác ba lô ra đi, phải rời nhà vào khoảnh khắc người người rộn rã với bánh chưng, nem chua... bên bố mẹ. 

Bài 1: Bò vàng' Thu Thảo: sau mỗi cú nhảy là quyết tâm chữa bệnh cho bố

Bài 2: Đặng Văn Lâm: hành trang mang sang Thái là bánh chưng, giò chả

“Lao” vào bóng đá để quên đi người anh đã mất

Sinh ra ở vùng bán sơn địa nghèo thuộc xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), Công Phượng cùng các anh chị sớm phải bươn chải, lam lũ từ việc đồng áng đến bắt cua, bắt lươn kiếm tiền như bao đứa trẻ đồng lứa khác ở làng Vồng Vổng. Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ba anh chị đầu của Phượng phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Phượng và người anh trai kế, hơn mình 2 tuổi - Nguyễn Công Khoa ở nhà thả trúm bắt lươn, làm đủ thứ nghề để phụ giúp bố mẹ.

Cẩn thận lau dọn lại tủ đồ lưu niệm của con trai, bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ Công Phượng) cho biết, Phượng vốn mê bóng đá từ hồi còn rất bé, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nên đến quả bóng nhựa vài ngàn đồng, gia đình cũng chẳng thể mua cho con. Lên 4-5 tuổi, cậu bé đã bắt đầu làm quen với những quả bóng trong được ông Nguyễn Công Bảy (bố Công Phượng) cuộn từ lá chuối, rơm khô.  

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Bà Hoa cẩn thận lau dọn, sắp xếp lại tủ đồ lưu niệm của Công Phượng

“Phượng mê bóng lắm, từ nhỏ hỏi thích gì thì con bảo thích nhất quần áo thể thao in tên các cầu thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức… nhưng mà nhà làm chi có tiền mua”, bà Hoa nói. Trong số các anh chị em, Phượng thân thiết nhất với người anh trai kế, bởi cùng chung đam mê đá bóng. Từ những năm học vỡ lòng, mảnh sân rộng chừng 30m2 trước căn nhà 3 gian trở thành nơi tập luyện bóng của anh em Phượng. “Có lúc tôi phải ra làm trọng tài cho anh em chúng thi nhau tâng bóng nữa”, bà Hoa nói rồi quệt nước mắt khi nhắc đến cậu con trai.

Nhưng rồi một cú sốc lớn khi “người bạn” cùng đam mê đột ngột ra đi do tai nạn đuối nước, khiến Công Phượng chênh vênh. Ông Trần Khánh Linh (56 tuổi) rít điếu thuốc lào, nhả khói: “Hai anh em nó mê mệt bóng đá từ nhỏ thì cả làng không ai còn lạ. Nhưng sau khi anh mất, Phượng buồn bã, cứ chơi bóng một mình, rồi nói em đá cả phần anh nha. Quả bóng rơm khi nào cũng được Phượng buộc theo bên cặp sách đi học”.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Vợ chồng ông Bảy, bà Hoa vẫn còn nhớ như in những ngày tháng gian truân của con trai

Một năm sau khi người anh của Phượng qua đời, vợ chồng bà Hoa bàn tính rồi quyết định chở Phượng lên trung tâm huyện Đô Lương, cho theo học lớp bóng đá, với suy nghĩ tìm một nơi để Phượng quên đi nỗi buồn và được thỏa thích đam mê. Quãng đường chỉ chừng 20km, song để Phượng theo học được lớp bóng đá đó, ngày ngày vợ chồng bà Hoa phải thay nhau đạp xe chở con vượt mưa nắng. “Có bữa mượn được xe máy, chở Phượng đi tập mà trong túi chỉ còn 10.000 ngàn đồng. Sau khi đổ xăng mất 5.000, tôi mới đưa con vào quán bên đường mua cho bát phở. Bụng đói mà không biết làm sao, đành giả đùa bố ăn no rồi, để giành bát phở cho con”, ông Bảy kể.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Công Phượng bên cạnh mẹ trong một lần về thăm nhà

Theo tập bóng đá được hơn một năm, Phượng lọt vào mắt xanh của các thầy ở lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA, nhưng rồi tiền đạo quê Nghệ An này lại bị loại vì... không đủ cân nặng. Tưởng chừng hy vọng theo đuổi đam mê đã tắt thì một lần nữa, vợ chồng bà Hoa lại bán lúa, vay mướn thêm tiền làm lộ phí, đưa Công Phượng vào Pleiku (Gia Lai) thi tuyển, khi biết Học viện HAGL Arsenal JMG tuyển cầu thủ.

Mỗi ngày Công Phượng đá bóng là một “ngày hội”

Bà Hoa cho hay, dù không ít lần Công Phượng khuyên “cha mẹ đừng làm ruộng nữa mà vất vả, giờ con đá bóng, có thể lo cho cha mẹ được rồi”, ông bà vẫn không thể “rảnh tay”, hết việc. “Nói vậy chứ, nhà nông chúng tôi quen rồi. Giờ không làm gì cũng thấy khó chịu, nhiều lúc lại ốm ra. Phượng cũng hiểu, nên thôi không can ngăn nữa”, bà Hoa nói.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Sân nhà Công Phượng chật kín người dân tới xem và cổ vũ bóng đá mỗi khi tuyển thủ này ra sân thi đấu

“Cũng vì gia cảnh khó khăn, từ năm 7 tuổi, cháu nó cũng đã phải đi chăn trâu, làm cỏ lúa, đi cấy, đi gặt rất vất vả. Giờ cũng vậy, đi đá bóng thì thôi chứ về nhà thấy mẹ làm gì cũng chạy ra phụ giúp hết”, bà Hoa kể. Năm 2014, thấy căn nhà của gia đình đã xuống cấp nặng, Công Phượng đã gom góp, vay mượn thêm bạn bè, gửi về phụ thêm cho vợ chồng ông Bảy xây căn nhà khang trang hơn.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Dù đã xây được cho bố mẹ ngôi nhà mới khang trang hơn nhưng trong tâm tưởng, ngôi nhà cũ xập xệ là hình ảnh Công Phượng không bao giờ quên

Dù đã tìm nhiều cách để lưu giữ lại căn nhà gắn bó với bao kỷ niệm thời thơ ấu ấy nhưng bất thành, mới đây, chân sút sinh năm 1995 này đã xăm lên bắp tay trái hình một chú chim phượng hoàng dang rộng đôi cánh, bay vút lên cao, tỏa sáng trên mái nhà tranh nhỏ bé, đơn sơ. Con chim phượng hoàng tượng trưng cho chính hình ảnh của Công Phượng như cái tên mà bố cậu đã đặt, biết vươn lên từ khốn khó. Còn ngôi nhà cũ, là tuổi thơ, là nơi anh trai Phượng như còn ở đó... “Khi tôi quyết định xây nhà, Phượng có nói, bố chuyển căn nhà cũ sang một bên, rồi xây nhà mới; nhưng đành chịu, vì nó đã mục nát quá rồi, không thể dựng lại được nữa”, ông Bảy nhớ lại.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Mỗi lần Công Phượng ra sân là một cảm xúc khó tả của người mẹ ở quê nhà

Những ngày đầu năm, căn nhà nằm khuất trong núi ở làng Vồng Vổng lại nhộn nhịp người ra vào hỏi thăm, chúc tết. Chẳng còn xa lạ, mỗi dịp tết, gia đình ông Bảy - bà Hoa lại tất bật đón tiếp từng đoàn người hâm mộ từ khắp nơi đổ về. “Chẳng phải tết đâu, ngày nào Phượng ra sân đá bóng là ở nhà lại vui như hội”, anh Nguyễn Khánh Vân (41 tuổi, hàng xóm Công Phượng) ngụm bát nước chè chát, nói. Theo anh Vân, chẳng kể giải to, nhỏ, mỗi khi Công Phượng ra sân là bà con lối xóm lại kéo nhau đến nhà cầu thủ này xem, cổ vũ cho “đứa con quê hương”.

Cong Phuong: Bong da, anh trai va ngoi nha cu...
Theo chia sẻ từ Văn Toàn, Công Phượng bên ngoài sân cỏ và khi về phòng là 2 con người hoàn toàn khác

“Không hiểu sao, cứ mỗi lần xem con đá bóng là tôi lại thở không được, tim như ngừng đập ấy. Người ta xem thì không sao, chứ bố mẹ xem mà có con thi đấu trong đội hình, hồi hộp lắm. Thắng thì cứ lâng lâng mà thua thì cũng mất ăn mất ngủ theo rứa”, bà Hoa chia sẻ. Nói về giải đấu Asian Cup 2019 vừa qua, bà Hoa cho hay, rất mừng vì con trai đã đóng góp được một phần công sức trong thành công của đội tuyển. Khi con trai sút tung lưới đội tuyển Jordan, bà hoa mất ngủ suốt mấy đêm, thậm chí ngủ cũng mơ thấy hình ảnh con trai tung cú sút đẹp mắt ấy.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI