Con đã lớn khôn?

31/10/2015 - 09:49

PNO - Chị muốn con có những suy nghĩ độc lập, nhưng chị lo vô cùng khi thấy con cứ chăm chăm vào “giá trị bản thân” .

Một ngày, đứa con gái lớn đang học cấp II gửi cho vợ chồng chị một bức tâm thư. Nội dung bức thư nhấn mạnh mình đã lớn và đòi quyền “dân chủ” bằng những lời lẽ rõ ràng, chắc nịch: “Mong ba mẹ hãy tôn trọng quyền tự do cá nhân của con, đừng đọc tin nhắn của con nữa…”.

Con bé suốt ngày tranh ăn với em và chưa chịu ngủ riêng phòng nay tuyên bố đòi quyền tự do cá nhân khiến vợ chồng chị cảm thấy hoang mang. Chưa bao giờ chị cảm thấy việc dạy con lại khó đến vậy.

Con da lon khon?
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Hôm nay con về thông báo: lớp con tổ chức chuyến tham quan ba ngày ở Nha Trang. Thông thường nhà trường khuyến khích việc tham gia của phụ huynh.

Những dịp như thế, chị đăng ký tham gia, vừa để trông coi, nhắc nhở cô con gái lúc nào cũng “chơi hết mình”, và để cho đứa con gái nhỏ có điều kiện ra ngoài. Chị quan sát thấy hai đứa con của mình có khả năng hòa nhập rất tốt. Chúng tham gia mọi hoạt động với tinh thần hào hứng và say mê.

Nhưng lần này, cô bé tuyên bố luôn: “Con đề nghị mẹ và em không đi cùng. Con muốn thoải mái, tự do với bạn bè”.

Biết là con đang ở cái tuổi muốn chứng tỏ mình, muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của gia đình. Biết là con muốn độc lập. Nhưng thật sự con bé chưa tạo cho chị niềm tin rằng bé có khả năng tự lập.

Sau một thoáng suy nghĩ, chị trả lời con: “Con biết mẹ bận rộn, không có thời gian để đưa gia đình mình đi chơi. Chỉ có những dịp như thế này, em con mới có cơ hội được ra ngoài. Nhìn em mừng vui như vậy, con có thấy mình sống ích kỷ không? Con có thấy mình chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân không?”.

“Mỗi người chỉ có một cuộc đời, không ai có thể sống cuộc đời của ai cả. Và cuộc sống ngắn ngủi lắm mẹ. Con muốn sống thế nào mà con cảm thấy thoải mái nhất”. Câu trả lời của cô con gái ăn chưa no lo chưa tới khiến chị “đứng hình”.

Đành rằng những lời vừa thốt ra không sai, nhưng khiến chị cảm thấy lo lắng. Cố gắng cho con vào học ở ngôi trường tốt, chị mong con có cơ hội được phát triển toàn diện, biết khẳng định giá trị bản thân, nhưng cách con nhận thức về giá trị bản thân khiến chị hoang mang.

Chị không biết con học điều đó từ đâu: môi trường giáo dục quốc tế nơi con đang học, bạn bè hay những bài viết trên mạng internet? Thỉnh thoảng chị có tham dự những buổi học của con, cũng cảm thấy hài lòng khi con chị tự tin và hòa nhập, nhưng “kết quả” như thế này nằm ngoài mong muốn của chị.

Đây là thời mà ranh giới Đông - Tây dần xóa bỏ, tuổi trẻ được sống với đầy đủ tự do cá nhân của mình. Khác với thời của chị, ba mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Truyền thống đặt cá nhân xuống dưới, thậm chí bị triệt tiêu. Nhiều khả năng không được đánh thức, không có điều kiện để phát triển.

Tuy nhiên, khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao quá mức, dễ nảy sinh biểu hiện vô tình vô cảm - một căn bệnh thời đại. Vì vậy, chị luôn cố gắng dung hòa giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại.

Chị không hẳn là người bảo thủ, nhưng những giá trị nền tảng, chị muốn con phải có. Thế nên những ngày cuối tuần, chị tranh thủ đưa các con về thăm ông bà, cùng nhau nấu những bữa ăn để gieo vào lòng con tình cảm yêu thương, để các con biết được chúng được yêu thương.

Vậy nhưng thỉnh thoảng nhà có gì ngon, chị mang đi chia sẻ cho các dì, các cậu thì con gái chị lại khó chịu: “Tại sao mẹ cứ phải cho?”. Chị nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu đó là hành động của tình yêu thương: “Giống như mẹ yêu thương con vậy. Sao con không hỏi vì sao mẹ luôn muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Nếu như vì trách nhiệm, mẹ không hy sinh tất cả cho con không một lời phàn nàn vậy đâu”. Cô bé lắng nghe rồi im lặng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI