Chuyện vụn ngày lũ

23/10/2020 - 18:57

PNO - Cách đây vài tuần, khi tôi ra Quảng Bình, Quảng Trị thăm nội ngoại, mọi người còn phải chắt chiu từng giọt nước vì đại hạn, giờ lại mênh mông giữa biển nước. Người dân kêu trời không thấu, chỉ biết chép miệng hỏi nhau: “Bao giờ khúc ruột miền Trung mới bớt khổ? “.

Vợ chồng tôi công tác và định cư ở Huế. Quê chồng ở Quảng Bình, quê tôi ở Quảng Trị. Con gái chúng tôi được mọi người gọi yêu là bé “Bình Trị Thiên”. Cũng chính vì cái gốc gác ấy mà mùa lũ năm nay nội ngoại rối bời, lòng như thiêu như đốt.

“Ngoài nớ răng rồi?”.
“Nước đang lên nhanh! Nhưng vẫn chưa vô nhà. Mưa trắng trời! Trong nớ răng?”.

“Trong ni điện cúp, nước sắp vô đến sân. Thôi con tắt điện thoại tiết kiệm pin, chút con gọi lại”.
Những cuộc gọi kiểu “Bình Trị Thiên” như vậy cứ lặp lại từng giờ. Khi cơn đại hồng thủy tấn công Thừa Thiên - Huế lần đầu, nhà mình ngồi trên hiên câu cá, rắn rết bò vào tận vườn. Nội ngoại gọi vào thì ngoác miệng cười cho cả nhà yên tâm. 

Rồi cứ thế, lũ lụt đợt 1, đợt 2… Nội ngoại lại gọi vào dặn đừng đi đâu. Còn đi đâu được nữa? Khắp nơi đều là nước. Đợt lụt thứ hai ở Huế bắt đầu có dấu hiệu tốt thì Quảng Trị đón nhận trận lụt thứ tư, Quảng Bình cũng sống trong những ngày lũ lịch sử. 

Ngoại gửi cho xem hình ảnh đàn heo mấy chục con sắp xuất chuồng đang bơi lóp ngóp trong nước, cá trong hồ xổng hết, nước mênh mông như biển. Nội báo nước lên nhanh, còn điện thoại thì sắp hết pin. 

Rồi hàng xóm tập trung đến nhà ngoại, mỗi người một tay di dời đàn heo lên cao, lợp bạt, quây lưới B40 làm chuồng. Xong xuôi cũng đến khuya. “Nhà mình ở trên cao mà còn vậy, không biết những nhà ở khu vực thấp sẽ thế nào?” - giọng mẹ tôi não nề. 

Mạ chồng tôi hiện sống một mình (người dân quê Quảng Bình thường gọi “mẹ” là “mạ”), con cái đều đi làm ăn xa. Ngày thường, nếu gọi cho mạ mà đầu dây bên kia không liên lạc được thì cũng đã lo lắng lắm rồi, huống hồ ngày mưa bão, huống hồ những ngày lũ lụt khủng khiếp như thế này mà mạ báo điện thoại sắp hết pin. 

“Đây cao lắm, tụi bây yên tâm”. “Thức ăn có đủ chưa mạ?”. “Ở quê lo gì chuyện ăn uống, trong đó tuyệt đối không được đi mô ra ngoài nghe chưa!”. Tiếng “dạ” nấc nghẹn trong lòng. 

Những xã huyện vùng sâu ở Quảng Bình sẽ ra sao sau lũ? (ảnh trên trang Facebook Người Lệ Thuỷ)
Những xã huyện vùng sâu ở Quảng Bình sẽ ra sao sau lũ? (ảnh trên trang Facebook Người Lệ Thuỷ)

Rồi sáng sớm 18/10, những cuộc điện thoại giọng thất thanh lại xoáy vào lòng. Vợ chồng tôi gọi điện cho người thân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trong hoang mang.
“Alô, alô, N. à em? Chồng em có phải thuộc đơn vị trong đoàn Kinh tế quốc phòng 337 không?”. “Dạ phải”. “Trong 22 người đó có chồng em không? Có không em?”. “Dạ không. Chồng em đang trong đợt nghỉ phép, nhưng đồng đội thì…”. Rồi cuộc gọi kết thúc gấp gáp. Người chồng may mắn ấy đang lao vào hiện trường cùng với mọi người kiếm tìm đồng đội đang bị vùi lấp dưới những tảng đất đá nhầy nhụa. 

Mới hôm trước, nội ngoại điện vào chia buồn cùng nỗi đau của Huế, của 13 chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng, giờ thì…

Rồi mẹ tôi kể, cô T. và cô N. ở xóm trên đi hái rau má bị nước lũ cuốn. Trong dòng nước cuồn cuộn ấy, may mắn là họ vớ được sợi dây thép gai nên thoát chết trong gang tấc. Hai cô bị nước đánh cho tơi tả, toàn thân trầy xước, không còn mảnh vải che thân. May mà người dân quanh đó nhìn thấy và đưa quần áo. 

Ai cũng trách: “Mưa bão còn đi hái rau má làm gì, bán có được mấy đồng đâu mà đánh cược cả tính mạng”. Nhưng biết làm sao được, đây có phải là lần đầu họ dám cược cả tính mạng vì miếng cơm manh áo đâu. Khổ quá nên liều thôi. 

Tôi nghe mẹ kể và hình dung ra cảnh tượng hai con người bị dòng lũ cuốn đi, la hét thất thanh trong vô vọng, mà đau. Mỗi lần tôi về thăm quê, hai cô gặp tôi đều cười tươi như hoa. Giờ nét cười ấy, tôi biết là đang méo xệch đi trong tiếng hỏi thăm tới tấp của hàng xóm láng giềng. 

Mới cách đây vài tuần, khi tôi ra Quảng Bình, Quảng Trị thăm nội ngoại, mọi người còn phải chắt chiu từng giọt nước vì đại hạn, giờ lại mênh mông giữa biển nước. Người dân kêu trời không thấu, chỉ biết chép miệng hỏi nhau: “Bao giờ khúc ruột miền Trung mới bớt khổ? “. 

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI