Phường Bàn Cờ - TPHCM: Ký ức “vùng lõm” giữa lòng đô thị

14/07/2025 - 15:05

PNO - Không chỉ là một địa danh quen thuộc với người dân TPHCM, Bàn Cờ còn là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng.

Từ một khu đất hoang ven đô, nơi đây đã trở “vùng lõm chính trị” trong suốt hai cuộc kháng chiến. Những con hẻm nhỏ, những mái nhà tôn, những người mẹ, người chị Bàn Cờ... đã góp phần làm nên một Bàn Cờ anh hùng, nơi lòng dân chính là pháo đài bất khuất.

Hơn nửa thế kỷ từ đồng lên phố

Đầu thế kỷ 20, khu vực Bàn Cờ còn rải rác mồ mả hoang. Khi mở rộng đô thị, khu vực này được quy hoạch chia lô vuông vức. Tên Bàn Cờ được cho rằng bắt nguồn từ các con đường cắt vuông góc như bàn cờ tướng.

Một con hẻm rộng rãi, khang  trang  của  phường  Bàn  Cờ
Một con hẻm rộng rãi, khang trang của phường Bàn Cờ

Những năm 1940–1950, người dân từ các tỉnh đổ về đây rất đông. Khu đất trống mọc lên những căn nhà lá san sát. Bàn Cờ trở thành nơi cư trú của công chức, y tá, giáo viên, dân buôn bán nhỏ... tạo nên một cộng đồng dân cư mới.

Phường Bàn Cờ được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường 1, 2, 3, 5 và một phần phường 4 của quận 3. Phường Bàn Cờ rộng 0,99km2 với quy mô dân số hơn 67.634 người.

Những năm 1950, khu vực Bàn Cờ chưa có nước máy, những ngôi nhà trong hẻm vẫn chưa có điện. Nước giếng được bơm bằng tay từ trụ công cộng, nên nghề gánh nước thuê khá phổ biến ở khu vực này.

Ý thức cộng đồng, sẻ chia đã tồn tại trong tâm thức người dân Bàn Cờ từ khi đó. Dù nước phải thuê người gánh, nhưng mỗi gia đình đều có khạp nước với gáo dừa đặt trước cửa để khách vãng lai tự nhiên sử dụng. Theo năm tháng, dân cư ngày càng đông đúc, nơi đây dần hình thành đầy đủ các dịch vụ từ những tiệm thuốc Bắc người Hoa, tiệm uốn tóc, cửa hàng may, quán nước bình dân, chợ…

Cuối thập niên 1950, Bàn Cờ bắt đầu có những thay đổi đáng kể về hạ tầng, dân cư và đời sống đô thị. Các con hẻm đất dần được cải tạo, nhà cửa được xây dựng kiên cố hơn, thay thế mái lá bằng mái tôn hoặc ngói. Chợ Bàn Cờ và chợ Nguyễn Thiện Thuật hình thành, biến khu vực này trở thành trung tâm buôn bán sầm uất.

Chợ Bàn Cờ vẫn dù  đã có nhà lồng khang trang nhưng vẫn giữ nguyên  khu vực mua bán nhộn nhịm ở các con  hẻm ngang dọc
Chợ Bàn Cờ dù đã có nhà lồng khang trang nhưng vẫn giữ nguyên khu vực mua bán nhộn nhịp ở các con hẻm ngang dọc

Điều đặc biệt nhất của chợ Bàn Cờ so với nhiều khu chợ khác là thời gian đầu, chợ không có nhà lồng, mà len lỏi trong các con hẻm, tỏa ra như hình xương cá. Chợ cũng không phân khu rõ ràng, người bán đủ loại mặt hàng xen lẫn nhau. Cuối thập niên 1980, một số kiốt được xây kiên cố, nhưng chợ “hẻm” vẫn tồn tại và ngày càng nhộn nhịp hơn.

Không chỉ người dân quanh khu Bàn Cờ, mà rất nhiều phụ nữ vẫn có thói quen đi chợ Bàn Cờ, dù nhà ở tận quận 7, quận Phú Nhuận. Lý do chính là chợ có rất nhiều thực phẩm tươi ngon được mang từ miền Tây lên bán trong ngày. Những người bán hàng ở chợ Bàn Cờ vừa vui vẻ, vừa chu đáo, sẵn sàng làm sạch thực phẩm theo yêu cầu người mua, nhanh chóng và không tính thêm chi phí.

Bàn Cờ - căn cứ lòng dân

Là một khu dân cư với hơn 50 hẻm ngang dọc trên diện tích khoảng 15 ha, Bàn Cờ từng là địa bàn lý tưởng cho hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, Bàn Cờ trở thành địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng tại TPHCM.

Theo tư liệu lịch sử, ngay từ kháng chiến chống Pháp, nhiều cán bộ Xứ ủy như Trương Văn Bang, Trần Văn Giàu, Nguyễn Thị Minh Khai… từng hoạt động, trú ẩn tại khu vực này. Nhân dân Bàn Cờ là một trong những lực lượng quần chúng tích cực tham gia các phong trào biểu tình, chống bắt lính, đòi quyền dân sinh, dân chủ ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Nhà chị Trần Thị Ngọc Sương tại số 51/10/14 Cao Thắng vừa là nơi cất giấu vũ khí, vừa là nơi gặp gỡ hội họp của Ban phụ vận Thành phố.
Ngôi nhà số 51/10/14 Cao Thắng từng là nơi cất giấu vũ khí, vừa là nơi gặp gỡ hội họp của Ban phụ vận Thành phố.

Theo tư liệu được lưu lại tại Bảo tàng Phụ Nữ TPHCM, cùng với khu vực Lý Thái Tổ, Ngã Bảy, vùng Bàn Cờ - Vườn Chuối là nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, khéo léo kết hợp những khẩu hiệu dân sinh dân chủ với nhiều hình thức linh hoạt, kể cả dùng bạo lực quần chúng.

Năm 1955, Chi hội Phụ nữ Bàn Cờ do Bà Nguyễn Thị Thảo làm Hội trưởng được thành lập, thu hút đông đảo hội viên và có ảnh hưởng sâu rộng trong phụ nữ. Bên cạnh đó, Bàn Cờ còn có nghiệp đoàn chợ Bàn Cờ do đồng chí Nguyễn Thị Phương phụ trách. Nghiệp đoàn quy tụ các tầng lớp quần chúng lao động, chị em bạn hàng….

Biết khu vực Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Thông là nơi bà con lao động luôn che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nên địch tìm cách phá hoại, đuổi nhà, giải tỏa các khu vực này. Nhiều khẩu hiệu đấu tranh đã được giăng khắp các ngõ hẻm, tuyến đường trong khu vực như: không được đuổi nhà, đuổi đất; Nhân dân lao động nhất định không ra khỏi Sài Gòn…

Đến kháng chiến chống Mỹ, Bàn Cờ trở thành căn cứ lõm quan trọng. Các phong trào quần chúng, đặc biệt là phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt. Chi hội Phụ nữ Bàn Cờ và Nghiệp đoàn chợ Bàn Cờ là những lực lượng nòng cốt. Những cuộc đấu tranh trực diện chống chính quyền Sài Gòn đều mang dấu ấn của tinh thần bất khuất từ người dân nơi đây.

Trường tiểu  học  Phan  Đình  Phùng, nới  được  sử  dụng  làm trạm  cứu  thương, tiếp  tế  vũ  khí, lương  thực
Trường tiểu học Phan Đình Phùng, nơi được sử dụng làm trạm cứu thương, tiếp tế vũ khí, lương thực

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tam Tông Miếu và nhiều ngôi nhà ở Bàn Cờ đã trở thành trung tâm chỉ đạo, tiếp tế và cứu thương. Nhà chị Trần Thị Ngọc Sương tại số 51/10/14 Cao Thắng vừa là nơi cất giấu vũ khí, vừa là nơi gặp gỡ hội họp của Ban phụ vận Thành phố.

Trường Phan Đình Phùng (419/7 Nguyễn Đình Chiểu) trở thành trạm cứu thương cho bộ đội dưới danh nghĩa là trại tiếp cư. Bàn Cờ cũng là nơi phát động phong trào may cờ Mặt trận, tổ chức nấu bánh, chuyển cơm cho chiến sĩ… tất cả diễn ra dưới sự bảo vệ và đùm bọc kiên cường của nhân dân.

Trong hai cuộc kháng chiến, những người phụ nữ khu Bàn Cờ đã bất chấp hiểm nguy, âm thầm cưu mang, che chở cho cán bộ cách mạng và sinh viên tham gia phong trào đấu tranh yêu nước.

Những người mẹ Bàn Cờ năm xưa đã trở thành biểu tượng bất tử, được khắc họa đầy xúc động trong bài thơ Người mẹ Bàn Cờ của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân, đã được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc.

Trong một lần chia sẻ với truyền thông, nhà thơ Nguyễn Kim Ngân đã nói Người mẹ Bàn Cờ không phải là một bài thơ ngợi ca hình tượng hóa, mà là những gì rất thật, rất đời thường ông tận mắt chứng kiến và từng trải qua trong phong trào sinh viên – học sinh Sài Gòn những năm 1960–1970.

Chính những người mẹ ấy đã dùng sự gan dạ, mưu trí để đưa ông và nhiều người khác an toàn thoát khỏi vòng vây của địch trở về.

Đây cũng là nơi tiếp quản sớm nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với vai trò là điểm chỉ huy, tập kết và tổ chức đấu tranh cho khu vực Ngã Bảy – Vườn Chuối – Bàn Cờ.

Bàn cờ là Chỉ huy sở của 5 cánh quân thuộc lực lượng Thành Đoàn tiến về Sài Gòn. Ngôi nhà số 115 Bàn Cờ được chọn làm điểm liên lạc với cấp trên và điểm chỉ huy nổi dậy của các cánh quân ở khu vực Bàn Cờ.

Bàn Cờ còn là điểm dự trữ lương thực, cất giấu vũ khí, tổ chức hậu cần, phục vụ cơm nước cho cán bộ cách mạng. Trước ngày giải phóng, bà con trong khu phố đã mang 20 chiếc máy may đến đây để may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phân phát cho đồng bào trong khu vực, chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của dân tộc.

Tam Tông Miếu – Dấu tích tôn giáo đặc biệt giữa lòng Sài Gòn

Trước 1975, bộ lịch Tam Tông Miếu, gồm lịch sách và lịch bloc, từng là cẩm nang phong tục, ngày giờ tốt xấu, lời khuyên cho mọi việc lớn nhỏ trong đời sống người dân miền Nam. Nhưng không nhiều người biết, nơi phát hành bộ lịch này chính là Tam Tông Miếu (82 Cao Thắng), cơ sở thờ tự của Minh Lý đạo, một chi trong Ngũ chi Minh đạo.

So với các tôn giáo như Cao Đài hay Phật giáo Hòa Hảo, Minh Lý đạo có quy mô nhỏ với chưa đến 1.000 môn sanh, hoạt động chủ yếu ở TPHCM, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến năm 2008, Minh Lý đạo đã được công nhận là một tôn giáo độc lập.

Tam  Tông  Miếu  ngày  nay
Tam Tông Miếu - cơ sở thờ tự của Minh Lý đạo, một chi trong Ngũ chi Minh đạo.

Minh Lý đạo có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội: khám chữa bệnh miễn phí, tặng học bổng, sách vở, xây nhà đại đoàn kết, cứu trợ bão lụt, hỗ trợ học sinh nghèo… âm thầm góp phần gìn giữ đạo lý, lan tỏa tinh thần nhân ái và để lại nhiều dấu ấn đẹp trong cộng đồng.

Với những đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến, nhân dân và lực lượng vũ trang Bàn Cờ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2015.

Với thời gian, Bàn Cờ đã có nhiều đổi thay, nhưng địa danh Bàn Cờ vẫn khắc ghi trong ký ức mỗi người dân như một “địa chỉ đỏ”, nơi lòng dân từng viết nên trang sử hào hùng bằng máu, nước mắt và niềm tin sắt son vào ngày đất nước thống nhất.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI