Cú sốc bên kia sườn dốc
Từ công ty về cùng giấy quyết định nghỉ việc trên tay, khi đứng giữa ngã ba đường, tôi cảm nhận mọi thứ dường như chậm lại, đồng hồ nhảy số đếm ngược báo nhịp đèn giao thông nặng trĩu như từng nhịp lòng của tôi.
Tôi không bệnh tật, đầu óc minh mẫn, giỏi công nghệ, biết sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi làm việc đâu ra đó, gọn gàng, có trách nhiệm. Nhưng khi nộp hồ sơ xin việc, tôi nhận ra mình bị từ chối không phải vì năng lực mà chỉ vì cái tuổi trên giấy tờ như một rào cản vô hình.
 |
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Có lần, một công ty đào tạo mời tôi đến dự tuyển. Nhà tuyển dụng hỏi khéo: “Chú có chắc làm được không? Có quen môi trường năng động không?”. Tôi phỏng vấn, họ khen hồ sơ đẹp, kinh nghiệm phong phú nhưng rồi trả lời kết quả bằng một dòng email lạnh lùng: “Cảm ơn và hẹn dịp khác”. Tôi hiểu, họ sợ phải trả lương cho tôi cao hơn so với mức lương cho một bạn trẻ mới ra trường; sợ tôi bảo thủ, không chịu uốn theo khuôn phép; sợ tôi không hòa nhập được... Nếu ai từng làm quản lý đều hiểu chuyện này.
Tuổi 50 trong mắt mọi người là độ tuổi “nắng về chiều”. Tôi nhìn quanh, những người bạn cùng lứa từng là trưởng phòng, giám sát… giờ cũng lặng lẽ bán hàng online, chạy xe công nghệ hoặc về quê làm vườn vì không còn chỗ đứng trong thị trường lao động. Tuổi tác trở thành rào cản vô hình dù chúng tôi vẫn khỏe, vẫn thông minh, vẫn tràn đầy năng lượng cống hiến. Tôi hiểu, không trách ai, chỉ là “đến tuổi”, hết nhiệm kỳ, hết vai, phải bước xuống sân khấu.
Không còn khoản lương hằng tháng nhưng tiền điện, tiền nước, tiền học của con… - các chi phí cơ bản cho gia đình - vẫn gõ cửa đều đều. Vợ tôi sợ tôi mặc cảm, luôn vui vẻ, ân cần, cảm thông. Thi thoảng thấy tôi ngồi thẫn thờ suy ngẫm, bà xã hỏi nhẹ: “Anh có mệt lắm không?”.
Tôi cười: “Anh rảnh quá nên hơi buồn”.
Thời gian ở nhà, tôi luôn phụ vợ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học. Con gái luôn an ủi: “Có ba bên cạnh đưa rước con thích lắm”. Những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt lại khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn hữu dụng. Vợ tôi tranh thủ với đống hàng may gia công, có tôi gánh những việc không tên nên vơi bớt phần nào sự tất bật. Vợ tôi cười nói: “Có anh ở nhà, em cũng yên tâm hơn”.
Tôi học cách đi chợ, học cách bỏ những thói quen vặt như cà phê 2 cữ sáng chiều, rồi bữa ăn sáng cũng được nấu tại nhà thay vì phải mua ngoài hàng quán đắt đỏ. Tôi học cách tính toán từng đồng. Thất nghiệp hóa ra không phải mất đi tất cả, chỉ là tôi có thêm thời gian nhìn lại gia đình, nhìn lại chính mình.
Vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn...
Tôi không cho phép mình trở thành nạn nhân của thất nghiệp. Tôi hiểu, ở tuổi này, mình cần linh hoạt hơn, chấp nhận công việc mới mẻ, mức thù lao có thể thấp hơn nhưng đổi lại là sự chủ động và cơ hội học hỏi. Tôi nhận các công việc thiết kế đồ họa, bán khóa học kỹ năng, tham gia viết lách… hoặc khi không có việc thì tôi bật ứng dụng chạy xe ôm công nghệ để có thêm thu nhập. Tôi phải luôn là tấm gương cho con, là chỗ dựa tinh thần cho vợ. Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ cùng nhau vượt qua.
Bị thất nghiệp ở tuổi 50 là cú sốc lớn nhưng không phải là dấu chấm hết. Đây có thể là bước ngoặt để chúng ta sắp xếp lại cuộc sống một cách chủ động hơn. Sẽ không dễ dàng nhưng hãy bắt đầu bằng việc chấp nhận thực tế với tâm thế bình tĩnh nhất có thể. Tự trách bản thân, tiếc nhớ những gì đã qua không có ích gì. Thay vào đó, hãy tập trung nhìn vào những gì mình đang có: kinh nghiệm sống, kỹ năng làm việc, sự từng trải và các mối quan hệ xã hội.
Tôi cũng nhận ra nếu chỉ chăm chăm chạy theo cuộc đua tranh với các ứng viên trẻ, tôi sẽ mãi là người thua cuộc. Không cần chạy theo công việc danh giá, quên đi ánh hào quang đã qua, hãy hướng tới công việc phù hợp với năng lực, sức khỏe, hoàn cảnh và giá trị sống của chính mình. Bạn đang thất nghiệp - đang là tỉ phú thời gian, vậy thì hãy linh hoạt: học một nghề mới, cập nhật kỹ năng công nghệ, tham gia các khóa học ngắn hạn… Đừng ngại thử sức ở những công việc như bán hàng online, xây dựng kênh cá nhân… trong thời gian chờ đợi cơ hội mới.
Nếu bạn cũng đang thất nghiệp ở tuổi 50, tôi muốn nói với bạn rằng: đừng để bản thân gục ngã. Thị trường lao động có thể chưa hiểu hoặc chưa cần giá trị thực sự của chúng ta, nhưng chúng ta có thể tự tạo ra giá trị đó cho chính mình và gia đình.
Điều quan trọng nhất là giữ vững tinh thần. Sự tự tin, lòng kiên nhẫn và khả năng thích nghi là chiếc la bàn giúp bạn bước qua giai đoạn khó khăn. Đôi khi những mất mát tưởng như bi kịch lại mở ra con đường mới - nơi bạn sống đúng với chính mình hơn bao giờ hết. Bạn vẫn còn rất nhiều giá trị để trao đi và nhận lại.
Nếu bạn cũng đang ở tuổi 50, đang thất nghiệp hoặc đang sợ một ngày mất việc, bạn sẽ làm gì? Thay vì ngồi than thở rằng xã hội bất công, tôi chọn đứng dậy học kỹ năng mới, thử công việc mới và bắt đầu lại với thái độ lạc quan, bởi vì bên cạnh tôi còn vợ con luôn tin yêu và đồng hành. Và tôi tin bạn cũng vậy.
Vĩnh Khang