Một lần lỡ tay, vợ không tha thứ

15/07/2025 - 08:00

PNO - Cái tát vào mặt không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là vết thương lòng rất khó lành. Nó khiến người ta cảm thấy mình không được tôn trọng, không còn được an toàn trong chính mái ấm của mình.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em xin phép giấu tên để chia sẻ câu chuyện này và mong nhận được lời khuyên. Em và vợ kết hôn đã được 4 năm, có một bé trai gần 2 tuổi. Gần đây, giữa vợ chồng em xảy ra mâu thuẫn lớn vì một chuyện ngoài ý muốn.

Hôm đó, em đi làm về thì thấy con bị rách môi, máu chảy rất nhiều. Hỏi ra mới biết là lúc con đang chơi gần mép giường thì té xuống. Trong khi đó, vợ em lại đang mải mê lướt điện thoại, không trông con, cũng không dọn dẹp hay nấu cơm.

Cơn giận dâng lên, em không kiềm chế được đã tát vợ 1 cái. Sau đó, em hối hận lắm, xin lỗi ngay nhưng vợ em rất giận và kiên quyết đòi ly hôn, nói rằng không thể chấp nhận bị chồng đánh, dù chỉ 1 lần.

Em thừa nhận mình nóng tính và phản ứng sai nhưng cũng rất mệt mỏi vì gần đây vợ em lơ là chuyện nhà cửa, ít quan tâm đến con cái, suốt ngày ôm điện thoại. Em cảm thấy mình gánh vác quá nhiều mà không được chia sẻ, rồi đến khi mất kiểm soát thì thành người có lỗi.

Giờ em chỉ muốn tìm cách hàn gắn, giữ lại gia đình cho con. Em phải làm sao để vợ nguôi giận và hiểu vì sao em làm như vậy? Nhưng cũng phải làm sao để cô ấy sửa thói quen ôm điện thoại, vô trách nhiệm với con và gia đình? Xin chị cho em lời khuyên.

Bạn đọc giấu tên

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Bạn đọc giấu tên thân mến,

Hành động đánh vợ, dù chỉ một cái tát trong lúc tức giận, là sai và em đã biết mình sai. Điều đó là tốt nhưng với nhiều phụ nữ, đó cũng là ranh giới không được bước qua, bởi người ta bảo khi đã đánh được 1 lần thì có thể sẽ lặp lại hành động đó lần thứ hai, ba...

Cái tát vào mặt không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là vết thương lòng rất khó lành. Nó khiến người ta cảm thấy mình không được tôn trọng, không còn được an toàn trong chính mái ấm của mình. Việc vợ em phản ứng mạnh mẽ, đòi ly hôn là biểu hiện của việc cô ấy không muốn bị tổn thương thêm nữa.

Trong một mái nhà, nếu một người mải mê với điện thoại, để mặc con cái và nhà cửa, người còn lại dù kiên nhẫn đến đâu cũng sẽ có lúc cảm thấy bất công, bức bối.Em mệt mỏi và áp lực khi thấy mình phải gánh vác quá nhiều mà không được sẻ chia. Em có lý do chính đáng để giận dữ nhưng cái sai không nằm ở cảm xúc mà ở cách em trút cảm xúc ấy.

Em trách vợ em mê mải lướt điện thoại. Điều đó cũng rất đáng để nhìn lại. Nghiện điện thoại đang trở thành một thói quen xấu trong nhiều gia đình. Hạnh Dung đã nghe những lời phàn nàn tương tự từ khá nhiều bạn đọc.

Thế nhưng, trách người rồi cũng phải nhìn lại ta. Phải chăng chúng ta đã để cho cuộc sống chung nhàm chán đến mức cái điện thoại vô tri trở nên hấp dẫn hơn những tâm tình, trò chuyện, đùa giỡn, yêu thương? Hay có thể cô ấy đang có những vấn đề riêng, đang mất phương hướng, đang mệt mỏi, đang trốn tránh một thực tại mà cô ấy cảm thấy bức bối, không được chia sẻ. Điều đáng buồn là em đã ôm nỗi tức giận trong lòng và cả hai đã không trò chuyện, không lắng nghe nhau trước khi mọi thứ thành ra thế.

Em biết mình sai, đã xin lỗi là điều rất tốt nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là em phải cho vợ thấy em hiểu vết thương em gây ra không chỉ là hậu quả của một phút nóng giận mà còn là dấu hiệu chứng tỏ cuộc hôn nhân này đang có nhiều vấn đề chưa được đối thoại, giải quyết.

Những lời xin lỗi, thanh minh, hứa hẹn của em phải mang đến cho cô ấy cảm giác được an toàn và tôn trọng khi tiếp tục sống với em. Em cần cho cô ấy thấy điều đó không chỉ bằng lời xin lỗi mà bằng sự thay đổi thật sự: cam kết không lặp lại bạo lực, kiểm soát cảm xúc bản thân và lắng nghe vợ nhiều thơn thay vì nhìn vào lỗi của cô ấy.

Khi được lắng nghe một cách chân thành, lòng người mới có thể dịu lại. Sau đó, nếu vợ em chấp nhận mở lòng, 2 em có thể cùng nhau đặt ra những nguyên tắc mới: không bạo lực, không thờ ơ, không để công nghệ chen vào tình cảm gia đình.

Về chuyện vợ em mải mê điện thoại, bỏ bê nhà cửa, con cái, em hãy chủ động gợi ý vợ chồng cùng thay đổi bằng cách phân chia việc nhà rõ ràng, đặt điện thoại xuống vào những khung giờ dành cho gia đình, dành thời gian riêng cho nhau để kết nối lại…

Điều em cần bây giờ là kiên nhẫn, chân thành và bày tỏ tình yêu thương cùng nỗi hối hận của mình sau một lần lầm lỗi. Hãy bằng mọi cách giữ lấy mái ấm mà các em từng dày công vun đắp. Nếu vẫn còn tình cảm, vợ em sẽ nhận ra tấm lòng thành của chồng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI