Chờ câu dịu dàng của vợ sao quá khó!

15/07/2025 - 18:00

PNO - Sống trong sự dịu dàng và tình yêu thương, người ta có khuynh hướng đáp lại bằng dịu dàng và yêu thương.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, nay đã vào hàng U50. Chúng tôi quen nhau từ thuở hàn vi, đồng cam cộng khổ, tay trắng làm nên sự nghiệp, nuôi con khôn lớn.

Thời trẻ lo làm lụng, chúng tôi không quan tâm chuyện lãng mạn. Giờ bắt đầu chớm già, con cái lớn lên, tôi mới phát hiện cuộc sống vợ chồng trước giờ khá tẻ nhạt. Mấy chục năm chung nhà, vợ chưa nói với tôi câu nào nhẹ nhàng, dịu dàng. Một phần vì tính cách cô ấy “chém to kho mặn”, phần vì cuộc sống vất vả khiến không ai để ý quan tâm, chăm sóc nhau. Ngay như cách gọi nhau tình cảm là “anh - em”, “ông xã - bà xã” cũng chưa từng xuất hiện trong nhà tôi. Thay vào đó chỉ là mấy tiếng “ông - tui”, “bà - tui”. Tôi muốn thay đổi và đã chủ động thay đổi từ cách xưng hô cho tới rủ vợ đi uống nước, đi chơi, đi ăn bên ngoài để hâm nóng tình cảm nhưng đều bị vợ từ chối, còn bảo tôi “già rồi bày đặt sinh tật”.

Chẳng lẽ đứng tuổi rồi vẫn muốn có đời sống hôn nhân ngọt ngào hơn là sai? Hay tôi phải chấp nhận thực tế như vậy? Mong được nghe chị tư vấn.

Công Thành (Cà Mau)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Anh Công Thành thân mến,

Anh hoàn toàn không sai, cũng chẳng phải “sinh tật” khi mong cầu một chút ngọt ngào, ấm áp cho tình cảm vợ chồng. Ngược lại, đó là biểu hiện của tình yêu chín muồi, thâm trầm mà sâu sắc của một người đã cùng vợ mình đi qua hành trình hôn nhân hơn nửa đời người.

Vợ anh từ chối những thay đổi của chồng nhưng anh đừng vội nản lòng bởi chưa hẳn đó là sự chống đối, phủ nhận. Có khi đơn giản chỉ vì cô ấy chưa quen với việc có một ông chồng lãng mạn, cũng như chưa biết cách làm một người vợ ngọt ngào. Biết đâu khi thấy anh đột ngột thay đổi cách xưng hô, cách đối đãi, cô ấy cũng rất vui, rất hạnh phúc nhưng… ngượng ngùng, không biết đáp lại thế nào, đành chọn cách “mắng át đi” cho xong.

Mấy chục năm tảo tần cùng chồng gánh vác gia đình, có lẽ cô ấy vô tình quên mất mình cũng xứng đáng được quan tâm, yêu thương. Cho nên, nếu vợ chưa quen, anh hãy cho cô ấy thời gian để học cách đón nhận yêu thương. Về phần mình, để vợ “bớt sốc”, anh có thể điều chỉnh cách thức, liều lượng thể hiện tình cảm, sự quan tâm. Chẳng hạn nếu vợ từ chối đi ăn uống bên ngoài, anh có thể vào bếp nấu cho cô ấy bữa ăn ngon hay đơn giản hơn là phụ giúp vợ việc nhà. Những cử chỉ chăm sóc thiết thực như rửa giùm mớ chén khi thấy vợ luôn chân luôn tay, xung phong đi đón con để vợ có thời gian tắm rửa, nghỉ ngơi buổi tối; mua cho vợ vài món ăn vặt cô ấy yêu thích, pha cho vợ ly nước cam khi cô ấy mệt… Tất cả sự chăm sóc đó sẽ khiến cô ấy cảm động, mềm lòng và dần quen với việc được quan tâm, yêu thương. Những “hành động yêu” thiết thực đó còn ý nghĩa gấp nhiều lần những “lời yêu” có cánh.

Về chuyện làm sao để cô ấy cũng dịu dàng, anh hãy kiên nhẫn và mở lòng. Không thể bắt buộc một người thay đổi tính cách đã hình thành mấy chục năm trong một sớm một chiều. Anh có thể thẳng thắn bày tỏ mong muốn về một hành trình hôn nhân vui vẻ hơn, lãng mạn hơn nhưng đừng chê trách hay ép buộc cô ấy.

Thay vì đòi hỏi gặt hái sự ngọt ngào ngay lập tức, anh cứ gieo mầm yêu thương. Sống trong sự dịu dàng và tình yêu thương, người ta có khuynh hướng đáp lại bằng dịu dàng và yêu thương. Hạnh Dung tin tình cảm của vợ dành cho anh vẫn tròn đầy, chỉ là hãy cho cô ấy thời gian để học cách thể hiện. Chúc anh sớm thỏa ước mong.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI