Gia đình chồng hay lợi dụng

16/07/2025 - 08:00

PNO - Mọi quyết định tài chính đều có ảnh hưởng đến không khí gia đình, đến cảm xúc, đến sự tôn trọng lẫn nhau giữa vợ chồng.

Chào chị Hạnh Dung,

Chuyện có vẻ nhỏ trong gia đình nhưng khiến tôi ngày càng bức xúc và cảm thấy không được tôn trọng. Chồng tôi rất thương gia đình bên anh, điều đó tôi không hề phản đối. Tuy nhiên, điều khiến tôi khó chịu là chuyện anh hay "được" ba mẹ và các anh chị nhờ mua giúp đồ đạc, từ thực phẩm, quần áo đến đồ điện tử... rồi ngại không chịu lấy lại tiền.

Ban đầu, tôi nghĩ thôi thì vài lần cũng được nhưng chuyện đó xảy ra thường xuyên. Nhiều khi mua đồ cả triệu đồng, chồng tôi vẫn âm thầm bỏ tiền túi ra, không dám nói người thân đưa lại. Có lần tôi nói anh đòi lại tiền thì anh bảo: “Em tính toán quá, gia đình mình mà cũng tính toán rạch ròi vậy sao?”.

Tôi không tiếc tiền nhưng tôi nghĩ nếu đã là “nhờ mua giùm” thì phải có ý trả lại, còn không thì phải nói rõ là xin. Việc chồng tôi cứ âm thầm gánh như vậy khiến bên kia được nước nhờ mãi không ngại, còn tôi thì thấy mình bị đặt ra ngoài.

Tôi phải làm sao để chồng hiểu đây không phải là chuyện keo kiệt mà là ranh giới rõ ràng cho vấn đề tiền bạc, cho ra cho, mà mua giùm ra mua giùm? Có những món họ tự mua được mà vẫn nhờ chồng tôi thì có phải rõ ràng là có ý lợi dụng?

Chồng tôi thì cho rằng đó là tiền của anh, chẳng hại gì đến tôi hay kinh tế gia đình, nhưng tôi cảm thấy rất bực bội. Làm sao để giữ hòa khí mà không phải khó chịu vì cảm giác bị lợi dụng?

Thu Thanh

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bạn Thu Thanh thân mến,

Trước tiên, chúng ta hãy thử bàn câu nói của chồng bạn, rằng tiền anh mua đồ cho gia đình anh là tiền riêng của anh, việc anh chi tiêu cho gia đình anh không ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình nhỏ và đó là quyền của anh. Điều anh ấy nói nghe qua có vẻ đúng nhưng thực ra là chưa hợp lý.

Khi còn độc thân, tiền của ai sử dụng như thế nào là quyền của người đó. Nhưng khi đã kết hôn, tiền không còn là chuyện riêng. Mọi quyết định tài chính đều có ảnh hưởng đến không khí gia đình, đến cảm xúc, đến sự tôn trọng lẫn nhau giữa vợ chồng.

Hôn nhân không chỉ là chung chăn gối mà còn là chung tư duy sống, chung quan điểm về việc gì là hợp lý, việc gì là quá giới hạn. Tiền bạc là chuyện rất nhạy cảm. Nếu một bên cứ nghĩ “tiền của tôi, tôi làm gì kệ tôi” tức là người đó không coi người kia là bạn đời. Đây là nguy cơ lớn nhất cho sự rạn nứt.

Nói vậy không phải để cực đoan rằng phải “xin phép” nhau trước mọi khoản chi tiêu mà nhằm nhấn mạnh sự chia sẻ, minh bạch trong tài chính là cách thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng nhau trong hôn nhân.

Cho nên, nếu chồng bạn nói “tiền của anh, không ảnh hưởng gì đến em”, bạn hoàn toàn có lý do để không chấp nhận vì đó không chỉ là vấn đề tài chính mà còn làm tổn thương cảm xúc, lòng tự trọng và vai trò của bạn trong gia đình.

Chuyện xảy ra giữa vợ chồng bạn đúng là có vẻ nhỏ nhưng gây một vết xước cứ âm ỉ ngày một sâu. Bản chất của những mâu thuẫn trong hôn nhân nhiều khi không nằm cụ thể ở tiền mà ở cảm giác, nhất là khi ta cảm thấy điều mình nói ra không được lắng nghe, thậm chí bị quy kết thành “tính toán” hay “so đo”.

Bạn không phản đối việc chồng thương yêu gia đình anh ấy, bởi điều đó thật ra là điểm đáng quý ở người đàn ông. Nhưng một người chồng tốt, bên cạnh việc giữ tình nghĩa với bên nội, cũng cần biết đặt vợ mình ở vị trí một người đồng hành được lắng nghe, được chia sẻ và có tiếng nói trong cách cả hai dùng tiền và cư xử với người thân.

Chồng bạn ngại lấy tiền từ gia đình anh ấy, nhưng nếu điều đó thành thường xuyên, lặp đi lặp lại thì đúng là dễ bị… được nước nhờ hoài bởi không phải ai cũng ý thức được ranh giới giữa tình thân và sự lợi dụng.

Có thể chồng bạn không nghĩ sâu xa về tiền chung, tiền riêng; cũng có thể anh ấy chỉ đang tự bảo vệ hành động của mình; thêm nữa anh ấy không nghĩ rằng rằng việc đó ảnh hưởng đến vợ. Bạn hãy chọn thời điểm cả hai đều bình tĩnh để nói chuyện, chia sẻ cảm xúc thật của mình.

Hãy khẳng định bạn không phản đối chuyện chồng giúp gia đình, thậm chí nếu có việc cần, bạn sẵn sàng cùng anh hỗ trợ. Nhưng, bạn cảm thấy mệt khi chuyện nhờ mua cứ lặp đi lặp lại mà anh luôn tự chịu phần thiệt. Bạn không tiếc số tiền đó, chỉ tiếc mình không được lắng nghe khi góp ý.

Hãy khẳng định nếu là giúp, mình cứ cho đàng hoàng còn nếu là mua giùm, họ nên có sự chủ động trả lại. Rạch ròi ở đây không phải vì tính toán, mà giữ cho quan hệ được lâu bền, tôn trọng lẫn nhau, không để ai cảm thấy bị lợi dụng hoặc phiền lòng.

Bạn cũng có thể đặt ra một giới hạn: nếu là số tiền nhỏ, thôi thì coi như giúp. Nhưng nếu là món tiền lớn hoặc quá thường xuyên, cần có sự thống nhất từ cả hai. Quan hệ gia đình thân thiết nhưng không thể mập mờ mãi vì sẽ dẫn tới sự bức xúc trong lòng bạn - người vợ, người gần gũi nhất.

Nếu hiểu rằng việc bạn nói ra nhằm giúp cả hai thống nhất cách ứng xử rõ ràng và công bằng với người thân, có lẽ chồng bạn sẽ bớt "phớt lờ" bạn.

Khi bạn chia sẻ bằng sự bình tĩnh, chồng bạn sẽ dần hiểu ra. Anh ấy có thể không thay đổi ngay nhưng ít nhất cũng bắt đầu nhận ra bạn đang nhẫn nhịn vì yêu thương, nhưng bạn cũng mong được tôn trọng trong cả gia đình riêng lẫn gia đình lớn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI