Khi người trẻ chọn đồng hành thay vì rung động

15/07/2025 - 10:30

PNO - Họ kết hôn không vì yêu say đắm, không thể thiếu nhau mà vì cảm nhận sự an toàn, được thấu hiểu và bình yên khi ở bên nhau.

Không đặt cảm xúc lãng mạn làm trung tâm, có những người trẻ chọn kết hôn với bạn thân hoặc người từng đồng hành lâu dài với mình. Họ kết hôn không vì yêu say đắm, không thể thiếu nhau mà vì cảm nhận sự an toàn, được thấu hiểu và bình yên khi ở bên nhau. Sự lựa chọn của họ cho thấy một sắc thái khác của hôn nhân giữa một thế giới muôn màu.

Hôn nhân tình bạn

“Chúng tôi không yêu nhau nhưng vẫn cưới. Bởi vì yêu và sống cùng một người lâu dài đôi khi không nằm trong cùng một câu chuyện” - Thảo - 33 tuổi, kỹ sư phần mềm - mở đầu câu chuyện hôn nhân theo một cách hoàn toàn khác với hình dung của số đông.

Ngày Thảo báo tin cưới, bạn bè sững sờ. Không ai biết cô đang yêu ai, càng bất ngờ hơn khi chú rể là Duy - bạn thân của Thảo suốt gần 10 năm qua. Họ không hôn nhau, không ăn mừng lễ tình nhân, không gọi nhau bằng những biệt danh ngọt ngào. Thế nhưng, họ chia sẻ cuộc sống thường nhật: nấu cháo cho nhau khi đau ốm, đọc sách cho nhau nghe trong những ngày mưa, cùng ở bên nhau những ngày cuối tuần để xem một bộ phim yêu thích… “Hôn nhân cần gì hơn thế?” - Thảo hỏi, nhẹ tênh như thể đó là điều tự nhiên nhất trên đời.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong căn hộ nhỏ ở TPHCM, họ sống như 2 người thân thiết: chia đôi tiền thuê nhà, san sẻ công việc nội trợ, cùng duy trì những thói quen sinh hoạt giản dị. Họ không yêu theo nghĩa thông thường, nhưng thấu hiểu và tôn trọng nhau đến mức không cần ghen tuông hay phô trương cảm xúc. “Chúng tôi không phải cố gắng để làm vừa lòng nhau. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng và đúng với những gì mình cần ở một người đồng hành” - Duy chia sẻ.

Trong những hội nhóm kín trên mạng xã hội, mô hình “hôn nhân tình bạn” ngày càng được nhiều người trẻ nhắc đến. Không xuất phát từ rung động mãnh liệt hay tình dục nồng cháy, những cuộc hôn nhân này được xây dựng trên sự đồng hành, thấu hiểu, tin cậy. Giữa thời đại tình yêu lãng mạn trở nên mệt mỏi với quá nhiều kỳ vọng, không ít người chọn kết hôn như một sự hợp tác, một cam kết sống cùng nhau một cách an toàn, tử tế.

Minh và An là một ví dụ khác. Sau vài mối tình đồng giới đổ vỡ vì áp lực gia đình và xã hội, họ gặp nhau trong một nhóm hỗ trợ tâm lý dành cho cộng đồng LGBTQ+. Ban đầu là bạn, sau thành bạn đời, không phải vì yêu lại từ đầu, mà vì thấy được ở nhau cảm giác an toàn và bình yên họ chưa từng có trước đó. “Chúng tôi không còn tin vào những lời hứa yêu mãi mãi nhưng tin rằng mình có thể sống tử tế, bình yên bên một người hiểu mình” - Minh nói.

Đám cưới của họ khiến cha mẹ 2 bên rơi nước mắt vì hạnh phúc. Họ thấy con mình cuối cùng cũng “ổn định”, không còn cô đơn hay trốn tránh. Minh và An xin con nuôi. Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không quá kiểu mẫu nhưng đầy sự quan tâm và trách nhiệm.

“Dù chịu nhiều tổn thương, chưa bao giờ chúng tôi từ bỏ khát khao có một mái ấm. Có lẽ đây là cách để chúng tôi chạm được vào ước mơ, khát khao của mình” - An bộc bạch.

Trang và Khang từng trải qua nhiều mối tình nhưng đều không đi đến kết quả. Sau 2 năm làm bạn, họ nhận ra mình không cần yêu để có thể cùng xây dựng một mái ấm.

“Chúng tôi từng nghĩ nếu không yêu thì không thể sống chung. Nhưng rồi tôi nhận ra có những người bạn còn gắn bó bền vững hơn người yêu. Chúng tôi chỉ cần một người ở bên, không phải một mối tình” - Trang nói.

Tình yêu đồng hành

Với không ít người, tình yêu không còn là điều kiện tiên quyết cho hôn nhân. Người trẻ hôm nay có thể không cưới vì yêu mà vì muốn sống cùng một người một cách trọn vẹn, thành thật. Mô hình hôn nhân không đặt tình yêu lãng mạn làm trung tâm khiến nhiều người băn khoăn: Liệu đây là sự trốn chạy cảm xúc hay một định nghĩa mới mẻ, thực tế hơn về hôn nhân?

Theo giáo sư Robert J. Sternberg - nhà tâm lý học người Mỹ - tình yêu không nhất thiết phải có đủ 3 yếu tố: đam mê, thân mật, cam kết. Trong “thuyết tam giác tình yêu” của ông có “tình yêu đồng hành” - là sự gắn bó giữa 2 người với sự thân mật và cam kết nhưng thiếu đam mê. Theo ông, dạng tình yêu này vẫn đủ để duy trì một mối quan hệ hôn nhân bền vững và thường xuất hiện trong các cuộc hôn nhân lâu dài, khi cảm xúc lãng mạn đã nhạt phai nhưng sự đồng hành vẫn còn sâu sắc.

Chuyên gia trị liệu Susan Pease Gadoua (Mỹ) thậm chí còn khuyến khích các cặp đôi cân nhắc việc ly hôn chỉ vì hết yêu hay thiếu tình dục, bởi tình yêu rất mong manh và dễ thay đổi. Theo bà, ngoài cảm xúc, vợ chồng còn gắn bó với nhau bởi trách nhiệm, sự hỗ trợ tài chính, chia sẻ trong việc nuôi con hay chăm sóc lúc tuổi già. “Đó là những điều không lãng mạn nhưng rất thật” - bà nhấn mạnh.

Giáo sư Hiroyuki Kubota - chuyên gia xã hội học gia đình tại Đại học Nihon (Nhật Bản) - cũng ghi nhận xu hướng “hôn nhân tình bạn” đang nở rộ ở giới trẻ. Trong bối cảnh hôn nhân đồng giới chưa được thừa nhận và áp lực xã hội vẫn đè nặng, nhiều người chọn kết hôn theo kiểu “hợp tác sống chung” để đáp ứng mong muốn có một mái ấm ổn định, tận dụng các quyền lợi xã hội. Dù ban đầu là “biện pháp tình thế”, nhiều cặp đôi dần gắn bó sâu sắc, xây dựng gia đình ổn định, thậm chí nuôi dạy con cái tốt đẹp như bạn đời thực thụ.

Ở Trung Quốc, bác sĩ Ma Xiaonian - chuyên gia giáo dục giới tính - cũng khẳng định: “Hôn nhân không tình dục không đồng nghĩa với bất thường hay không lành mạnh”. Miễn là cả hai tự nguyện và hài lòng, kiểu sống chung như bạn bè vẫn là một hình thức gắn bó hợp lệ và hạnh phúc.

Khi thế giới thay đổi, định nghĩa về tình yêu và hôn nhân cũng dịch chuyển theo. Nhìn ở góc độ khác, trong một xã hội nơi những cảm xúc mãnh liệt có thể dễ dàng hao mòn bởi áp lực cuộc sống, sự tỉnh táo, cam kết, thấu hiểu lại trở thành “chất keo” thay thế.

Ngọc Tiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI