Giận mà thương

16/07/2025 - 12:44

PNO - Tôi biết tận trong sâu thẳm, dì vẫn luôn coi gia đình em gái là gia đình mình để bảo bọc, để yêu thương…

Dì Hai xăm xăm đi vô bếp, lục lọi để kiếm cái mâm. Vừa kiếm, dì vừa càu nhàu: “Sao nhà cửa bề bộn dữ vậy! Ăn xong sao không lo dọn rửa, chén đũa ngâm một đống để ruồi bu kiến đậu…”.

Nghe tiếng dì Hai khua khoắng, làu bàu, ba mẹ tôi tỉnh giấc trưa. Ba khó chịu dắt xe ra khỏi nhà. Mẹ thì ngại ngùng ra đứng ở nhà bếp, nhìn dì Hai rửa mớ chén ăn cơm từ bữa trưa mà mẹ ngâm đó, tính chừng nào ngủ dậy thì rửa.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Từ sau đợt mẹ tôi bị đột quỵ nhẹ, rồi ba bị bệnh tim phải uống thuốc mỗi ngày, ba mẹ tôi thay đổi quan niệm sống: bắt đầu sống thong thả, khi nào mệt thì nghỉ, chừng thích làm thì làm, không câu nệ quy tắc. Sáng mệt có thể nằm trên giường lâu hơn. Trưa ăn xong nếu buồn ngủ thì đi ngủ, khi nào dậy dọn rửa sau. Cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng, thư thả hơn.

Nhưng dì Hai - ở sát vách nhà - thì không như vậy. Mẹ tôi là em út, ngoại mất sớm, từ nhỏ, mẹ đã được dì Hai chăm sóc, nuôi dạy từng li từng tí không khác người mẹ thứ hai. Trong mắt dì, mẹ tôi luôn thiếu kinh nghiệm sống, cần phải chỉ dạy, bảo bọc. Mẹ biết tánh dì vậy nhưng thương em nên luôn nhường nhịn, im lặng. Chỉ có ba tôi ngày càng khó chịu. Đến mức mỗi khi nghe tiếng dép dì Hai loẹt quẹt ngoài sân là ba kiếm cớ vô phòng đóng cửa xem ti vi hoặc xách xe máy ra khỏi nhà tới chiều tối mới về.

Người không biết sẽ tưởng ba với dì Hai ghét nhau lắm. Nhưng không phải. Ngày còn trẻ, dì Hai chính là người tình nguyện thay mặt cả nhà đi cùng cậu trai miền Trung xa lạ đang để ý em gái mình về tận quê để tìm hiểu gia cảnh. Trước đó, ông ngoại tôi cấm mẹ quen ba vì ông không thích gả con xa. Thương em gái, dì Hai xin ông ngoại cho đi “tiền trạm”. Chuyến đi dài không ít vất vả cùng với những “lời feedback” đầy ưu ái của dì - nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay - khiến ông ngoại đồng ý cho mẹ theo ba về chung một nhà.

Quan hệ chị vợ - em rể của dì Hai và ba tôi có khởi đầu đầy tốt đẹp như vậy nhưng lại ngày càng xấu đi chỉ vì dì Hai thích can thiệp vào chuyện nhà em gái. Còn ba tôi dù không thích nhưng cứ lầm lì không nói, khiến mẹ làm người ở giữa hết sức khó xử. Dì Hai độc thân nên dọn về cất nhà trên miếng đất sát vách nhà tôi. Gần vậy mà không biết từ lúc nào, hễ có mặt chị vợ là em rể né xa. Còn chị vợ thì không thôi cằn nhằn với em gái “thằng chồng mày sao đổi tánh, biết vậy hồi đó tao hông thèm nói tốt cho nó khỏi rước mày”.

Ba và dì Hai đều đầu 2 thứ tóc mà ai cũng cố chấp. Những tưởng mâu thuẫn ngầm này sẽ kéo dài tới tận cuối đời. Bất thình lình, mẹ tôi bị té phải đi cấp cứu. Hên nhờ có dì Hai vẫn quen tính “coi nhà em gái như nhà mình” mà dòm ngó thường xuyên nên phát hiện ngay khi mẹ té, kịp chở tới bệnh viện. Bác sĩ nói mẹ bị đột quỵ lần 2 rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời. Những ngày mẹ nằm viện, ba và dì Hai không ai bảo ai mà thân thiết trở lại, cùng chung tay sắp xếp ổn thỏa việc nhà. Dì Hai nấu ăn, tới bữa, ba chở dì vô viện, buổi tối thì thay phiên nhau ngủ lại với mẹ. Nhờ vậy, chị em tôi vẫn có thể yên tâm công tác, cuối tuần mới chở các cháu về thăm.

Ngày mẹ xuất viện cũng là ngày ba bàn với mẹ mời dì Hai qua ở chung nhà. Chị em sống chung hủ hỉ, chăm sóc, nhìn ngó nhau cũng yên tâm. Ba kêu thợ về sửa lại nhà, làm cho dì một căn phòng ấm cúng, tiện nghi. Quyết định của ba khiến mẹ tôi vui, khỏe lại mấy phần. Còn dì Hai thì không nói gì, chỉ rơi nước mắt. Tôi biết tận trong sâu thẳm, dì vẫn luôn coi gia đình em gái là gia đình mình để bảo bọc, để yêu thương và sau này là chốn nương tựa lúc tuổi già.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI