Cặp vợ chồng duy trì "hẹn hò chỉ nói chuyện tiền" cho mục tiêu tự do tài chính

10/07/2025 - 18:00

PNO - Theo anh Tuấn, nhiều cặp vợ chồng cãi nhau không phải vì thiếu tiền, mà là vì thiếu sự thống nhất và đối thoại. Hành trình tự do tài chính của anh Tuấn và vợ còn dài nhưng họ quyết tâm tới đích ở tuổi 50.

"Ước gì tới năm 50 tuổi mình không phải làm gì nữa mà vẫn sống ổn”, câu nói tưởng như tiếng thở dài bâng quơ ấy lại là mục tiêu phấn đấu của một đôi vợ chồng trẻ. Anh Lâm Anh Tuấn (1999) và chị Nguyễn Anh Đào (2000), hiện sống tại Tây Hồ, Hà Nội quyết tâm biến tiếng thở dài thành kế hoạch tự do tài chính trước tuổi 50.

Vợ chồng anh Tuấn, chị Đào kết hôn đầu năm 2025 và sắp đón bé gái đầu lòng vào tháng 9 này. Anh Tuấn chia sẻ, từ lúc mới quen nhau, vợ chồng đã rất thẳng thắn, thoải mái đề cập đến chuyện về tiền bạc. Đến khi sống chung, chuẩn bị làm cha mẹ, anh chị càng nhận thức rõ ràng: Nếu không làm chủ được tiền thì tiền sẽ làm chủ đời sống của mình.

Kết hôn đầu năm 2025 nhưng đôi vợ chồng trẻ nhanh chóng đặt ra mục tiêu tự do tài chính (Ảnh: NVCC)
Kết hôn đầu năm 2025 nhưng đôi vợ chồng trẻ nhanh chóng đặt ra mục tiêu tự do tài chính (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Buổi “hẹn hò tài chính” đầu tiên của vợ chồng anh chị được thực hiện. “Gọi là hẹn hò nhưng không hoa, không rượu. Mang theo máy tính cũ và cuốn sổ tay, chúng tôi ra quán cà phê gần nhà, ngồi nói chuyện nghiêm túc 2 tiếng để đi đến tận cùng vấn đề về tài chính”, anh Tuấn cho biết.

Đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau vẽ ra một bản đồ tài chính cho gia đình với 3 tầng rõ ràng.

Tầng 1 là tài sản an toàn, giúp vợ chồng… không lo chết đói khi mất việc. Tầng này gồm những tài sản dễ quy đổi thành tiền, ít biến động, dùng trong tình huống khẩn cấp. Cụ thể hơn, các tài sản trong tầng 1 của anh chị sẽ có quỹ dự phòng khẩn cấp (ít nhất 3 - 6 tháng chi tiêu); vàng vật chất (cất giữ - không dùng để đầu cơ); tiền gửi kỳ hạn ngắn; bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ.

Tầng 2 là tài sản mục đích tăng trưởng, gồm các tài sản có khả năng sinh lời dài hạn như cổ phiếu dài hạn, chứng chỉ quỹ mở cân bằng/ tăng trưởng, quỹ ETF/ chỉ số, bất động sản dòng tiền (có thể cho thuê được).

Tầng 3 là tài sản vô hình, gồm những thứ không hiện rõ trên bảng tính nhưng mang tính quyết định vợ chồng sẽ đi xa tới đâu như: kỹ năng kiếm tiền (học nghề, làm tự do, kinh doanh nhỏ…); thương hiệu cá nhân; tư duy tài chính (kiến thức về dòng tiền, lãi kép, quản trị rủi ro); những mối quan hệ chất lượng (người đồng hành, đối tác, cộng đồng tích cực)…

Chị Anh Đào bộc bạch, điều cốt lõi nhất trong tháp tài chính này không vì giấc mơ cuộc sống giàu sang mà mong muốn những ngày vợ chồng được sống bình yên, đơn giản bên nhau.

“Mục tiêu của chúng tôi khi tự do tài chính là những buổi sáng vợ chồng cùng nhâm nhi cà phê mà không phải vội vàng, được tự do lựa chọn những việc mình thích làm, có dòng tiền sinh lời đều đặn và con cái muốn học gì cũng được, ba mẹ không phải đắn đo về học phí”, người vợ trẻ vạch rõ mục tiêu.

Cũng theo anh chị, những viên gạch đầu tiên trên hành trình tự do tài chính của đã được từng bước đặt xuống. Cặp đôi đang ở vạch xuất phát của "tấm bản đồ" là tích lũy và xây móng tài chính, thực hiện từng bước đúng theo kế hoạch đã lập ra: Có quỹ dự phòng 6 tháng chi tiêu với 120 triệu, quỹ học cho con với 2 triệu/tháng, tích sản mỗi tháng 1 chỉ vàng, quỹ đầu tư 2 triệu/ tháng (mua đều mà không quan tâm giá), tập ghi chép lại toàn bộ dòng tiền.

Ngoài ra, với mục tiêu vừa có thêm thu nhập vừa chuẩn bị cho tương lai, anh Tuấn cũng đang học thêm về đầu tư còn chị Đào học thêm kỹ năng truyền thông và làm nội dung.

Dù quyết tâm cao, kế hoạch chi tiết nhưng cặp đôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngay khi bắt đầu, gia đình đã có những tháng chi nhiều hơn thu vì có việc đột xuất như sửa xe, khám bệnh hoặc đón khách...

Một vấn đề khác là mâu thuẫn giữa vợ và chồng về ưu tiên tài chính. Nếu anh Tuấn ưu tiên đầu tư dài hạn, chị Đào lại ưu tiên chi linh hoạt cho sở thích cá nhân hoặc đầu tư phát triển kỹ năng.

Khả năng kiềm chế tiêu dùng theo tâm lý của 2 người cũng khác nhau. Việc xem livestream mua sắm, xem các xu hướng, thích những món đồ nhỏ xinh... khiến chị Đào cũng dễ “xuống tay quẹt thẻ”.

Anh Tuấn và chị Đào dự kiến sẽ đón bé đầu lòng vào tháng 9 này (Ảnh: NVCC)
Anh Tuấn và chị Đào dự kiến sẽ đón bé đầu lòng vào tháng 9 này (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng chia sẻ chân thành rằng kiến thức tài chính giai đoạn đầu của anh còn mờ nhạt. Còn chị Đào cũng chưa biết cách làm nội dung để có thể kiếm những dự án, công việc làm thêm… Vì vậy, giữa vợ chồng cũng xảy ra mâu thuẫn, tranh luận.

"Nhưng vấn đề dù có khác nhau, chúng tôi đều chọn cách tháo gỡ: Bình tĩnh ngồi lại với nhau, phân tích và tìm giải pháp. Ví dụ, chúng tôi cùng đặt ra ngân sách linh hoạt đầu tư cá nhân (mỗi người có 2 triệu đồng/tháng) hay chi tiêu cá nhân để tự quyết, tự quản để chủ động, đỡ va chạm. Những việc thuộc dòng tiền gia đình sẽ được bàn chung”, anh Tuấn đúc kết.

Với việc đầu tư, trong những tháng bị lỗ, giá vàng giảm hoặc khoản đầu tư chưa sinh lời, vợ chồng cũng có cảm xúc hoang mang liệu mình có đang đi đúng hướng hay không. Đối diện với áp lực và sự nản chí, vợ chồng cùng phân tích: Tháng này tổng cộng tài sản vẫn tăng, dù có trồi sụt trong từng thời điểm; việc này vẫn đặt đúng kỳ vọng dài hạn lên trên các biến động ngắn hạn... từ đó họ giảm căng thẳng để vững tin đi tiếp.

Dựa trên tất cả những gì đang thực hiện, đôi vợ chồng trẻ rất có niềm tin vào việc thực hiện được tự do tài chính trước tuổi 50.

Anh Tuấn cho biết, sẽ luôn có khó khăn đối với các cặp vợ chồng trong giai đoạn khởi đầu. Nhưng bí quyết vượt qua luôn đơn giản là: Thường xuyên đối thoại để hiểu nhau, điều chỉnh kịp thời; Giữ kỷ luật linh hoạt, phân rõ danh mục cá nhân và chung; Học cùng nhau để đầu tư không bị sai; Chấp nhận biến động và đặt mục tiêu dài hạn lên trên.

Trong vấn đề tài chính, nhiều cặp vợ chồng cãi nhau không phải vì thiếu tiền mà là vì thiếu sự thống nhất và đối thoại. Nếu ngồi xuống, thẳng thắn có những buổi "hẹn hò nói chuyện tiền" mỗi tháng, mọi thứ sẽ khác đi. Cần thấy rằng, kết hôn cũng là một trong những lợi thế khi có "đồng đội" để cùng nhau thực hiện mục tiêu tài chính tốt hơn.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI